ClockThứ Năm, 18/10/2018 23:03

Nợ đọng bảo hiểm xã hội và vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động

TTH.VN - Theo Tạp chí Tài chính, trên phạm vi toàn quốc, tuy đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng 8 tháng đầu năm 2018, số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng số thu.

Người lao động yên tâm làm việc khi được tham gia BHXH 

Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tính đến tháng 6/2018, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN ở Thừa Thiên Huế làm tròn số là 125, 5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,55% so với kế hoạch thu của BHXH Việt Nam. Còn trong danh sách các đơn vị nợ BHXH và BHYT từ 1 tháng trở lên, tính đến ngày 31/8/2018, thấy vừa tròn 100 đơn vị. Đáng nói là, bên cạnh các doanh nghiệp còn có không ít những đơn vị hành chính sự nghiệp. Cũng trong danh sách trên, đơn vị có số nợ lớn nhất lên tới trên 4,9 tỷ đồng và ¼ trong số 100 đơn vị có số nợ trên 1 tỷ đồng, gần ½ nợ từ nửa tỷ đồng trở lên. Kỷ lục về số tháng nợ là 105, 65 tháng (xin được phép dấu tên). Nghĩa là đã gần 10 năm nay, đơn vị này không đóng bảo hiểm.

Qua khảo sát, khó khăn thực sự trong sản xuất kinh doanh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ BHXH. Tuy nhiên, đáng nói ở đây là đã có không ít trường hợp cố tình nợ BHXH của các đơn vị. Hay ở một mức độ nào đó là ý thức lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm và chủ quan trong công việc mang tính nhân văn sâu sắc này.

Hệ lụy của của tình trạng nợ BHXH được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. Từ góc độ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là qua thực tế ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận thấy việc nợ bảo hiểm xã hội đã gây nên những tác động tiêu cực như, đến tuổi nghỉ hưu không được giải quyết chế độ; Không được hưởng trợ cấp khi thất nghiệp. Ngoài ra, việc hưởng BHXH một lần hay các trường hợp BHXH ngắn hạn, như ốm đau, thai sản, dưỡng sức… cũng không được bảo đảm, thậm chí không được hưởng.

Trong thực tế trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra nhiều tranh chấp, xung đột giữa người lao động và chủ sở hữu lao động xung quanh vấn đề nợ BHXH. Thừa Thiên Huế không phải là điểm nóng nhưng tại đây cũng đã xảy ra nhiều tranh chấp mà đáng chú ý là chuyện xảy ra ở Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phải nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo đơn ủy quyền của 31 lao động, buộc đơn vị chuyển nộp số tiền 700 triệu đồng để chốt sổ cho 31 lao động. Thời gian qua, BHXH tỉnh cũng đã chuyển hồ sơ đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện 68 đơn vị nợ tính đến 31/7/2018, với tổng số tiền nợ gần 56 tỷ đồng.

Ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH là vấn đề căn bản được đặt ra trong nôi nội dung cải cách chính sách BHXH. Theo đó, cùng với việc “nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí” là việc “ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH”.

Hành vi gian lận, nợ, trốn đóng BHXH đã được hình sự hóa và từ ngày 1/1/2018, bắt buộc coi như là tội phạm. Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) truy tố, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp phải thụ lý, xét xử… Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến một tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến bảy năm tùy mức độ vi phạm.

Đã có Nghị quyết của Đảng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng và cũng đã có những văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm, thực tế ngành bảo hiểm xã hội và cộng đồng cũng đã và cuộc nhưng vẫn còn ở đây khá nhiều bất cập. Từ thực tế ở Thừa Thiên Huế xin đơn cử, theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng dưới 3 tháng thì phải tham gia BHXH. Tuy nhiên, khảo sát của BHXH tỉnh cho thấy, đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng không chấp hành và có hành vi lách luật bằng hình thức hợp đồng khoán theo khối lượng công việc, chấm công người lao động dưới 14 ngày trong tháng...

Ngay cả đối với các đơn vị đã thực hiện đóng BHXH cho người lao động, nếu không tăng cường kiểm tra, thanh tra thì trốn đóng và nợ đọng BHXH với thời gian dài sẽ gia tăng. Để hạn chế tình trạng nợ BHXH, đối với các đơn vị thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nợ BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch dãn nợ và phối hợp với Ngân hàng để tạo điều kiện hỗ trợ cho đơn vị vay vốn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ BHXH. Đối với những đơn vị cố tình nợ BHXH kéo dài, BHXH tỉnh sẽ gửi thông báo cho đơn vị. Sau thông báo lần thứ 2, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ lập biên bản đốc thu nợ. BHXH cũng tỉnh thường xuyên thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra liên ngành bảo đảm đúng quy định, đúng phạm vi, thẩm quyền và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các đơn vị nợ và cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thế nhưng, tình trạng nợ BHXH vẫn còn khá phổ biến.

Từ thực tế ở Thừa Thiên Huế, để góp phần giải quyết tình trạng nợ BHXH trong tình hình mới, cần có một giải pháp mang tính tổng hợp và liên ngành, có sự vào cuộc của cả cộng đồng; bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền – truyền thông, đổi mới công tác cải cách hành chính BHXH, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra có sự phối hợp liên ngành gắn với xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh hơn nữa về thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác này bằng sự kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, giới thiệu sinh động, cụ thể đúng đối tượng...

Ngô Thu Huế

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Nỗ lực trong chuyển đổi số

Qua 2 năm thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (2022- 2023), công tác CĐS của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Nỗ lực trong chuyển đổi số
Return to top