ClockThứ Năm, 11/10/2018 14:15

“Nồi cháo tự tâm”

TTH - Ông A Trập, người dân tộc Tà ôi, điều trị dài ngày tại Bệnh viện huyện A Lưới đã nhiều lần được ăn cháo miễn phí do nhóm “Nồi cháo tự tâm” phát vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần, thổ lộ: “Ở nhà chủ yếu ăn khoai ăn sắn, đi bệnh viện được ăn cháo ngon như ri, thích lắm”.

Sẻ chia với bệnh nhân nghèoChia sẻ tấm lòngHơn 500 phần quà cho bệnh nhân Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo là niềm vui của nhóm “nồi cháo tự tâm”

A Trập không phải là bệnh nhân duy nhất ở đây nói thật lòng khi nhận những phần cháo miễn phí do nhóm “Nồi cháo tự tâm” phát định kỳ vào 4 giờ chiều chủ nhật hàng tuần tại Bệnh viện huyện A Lưới với mong muốn góp chút sức giúp đỡ người nghèo. Đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, được ăn một bát cháo đầy đủ dinh dưỡng với họ không phải là chuyện thường xuyên; nhất là vào mùa mưa, các thôn bản dễ bị chia cắt do sông, suối ngập nước...

Nhóm “Nồi cháo tự tâm” thành lập giữa năm 2016, ban đầu có 9 thành viên (tất cả đều là nữ), hầu hết là giáo viên và chủ cơ sở kinh doanh nhỏ ở A Lưới. Sau một thời gian, vì những lý do khác nhau, nhiều chị đã rút lui và đến nay chỉ còn 4 người nhưng vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Chị Lê Thị Thu Hoài, sinh năm 1979, người gắn bó với nhóm từ những ngày đầu đến nay, cho biết: “Nhiều lần đến thăm người thân, chứng kiến một số bệnh nhân và người nhà mặt mày xanh xao vì đói. Sau những lần rút túi giúp đỡ họ ít tiền đủ cho một vài bữa ăn, tôi vẫn có cảm giác xót xa vì còn nhiều người nghèo cần được giúp đỡ. Đem trăn trở kể với người quen, không ngờ nhận được nhiều sự đồng cảm và thế là chúng tôi cùng chung tay nghĩ cách làm việc thiện có hệ thống hơn”.

Kinh phí cho mỗi nồi cháo từ 400 đến 600 nghìn đồng tùy theo số lượng bệnh nhân đăng ký hàng tuần. Việc phát cháo chỉ diễn ra trong vòng từ 30 phút đến 1 tiếng; nhưng để có nồi cháo ngon, các chị phải đi chợ từ sáng sớm để mua được nguyên liệu tươi ngon. Cô Đảng, giáo viên Trường TH Hồng Bắc, một trong những thành viên tích cực của nhóm, nói: “Hôm nào gặp may mua được hàng của người địa phương nuôi, trồng đem bán thì nồi cháo đậm đà hơn nhiều”. Nhà chị Hoài gần bệnh viện nhất nên được chọn làm địa điểm nấu cháo. Buổi trưa, ai nấy tranh thủ về nhà lo việc nhà  xong lại vội tập trung để sơ chế rồi nấu. Mỗi tuần chỉ nấu một lần nên nguyên liệu ít thay đổi, chủ yếu vẫn là thịt heo, xương, các loại rau củ theo mùa... 

Như đã giao hẹn ngầm nên các chị có mặt rất đúng giờ để bệnh nhân không phải chờ, bệnh nhân nào ốm nặng không thể đi lại, các chị mang cháo đến tận nơi nên khối lượng công việc khá nhiều, các chị phải huy động thêm người thân, bạn bè đến giúp. Anh Nguyễn Quang Chung, chồng thành viên Võ Thị Thanh Thúy, dí dỏm: “Ở nhà việc chi cũng để cho vợ, tới đây múc cháo nhiều thành chuyên nghiệp luôn. Nhưng cứ thấy khuôn mặt hạnh phúc của người nghèo khi nhận phần cháo, rồi cũng họ trao đổi những lời hỏi thăm chúng tôi cũng vui lây nên mong chờ đến ngày chủ nhật để làm công việc yêu thích”.

Ngoài việc tự nguyện đóng góp chi phí nấu cháo, các thành viên trong nhóm còn vận dụng các mối quan hệ với người thân, bạn bè và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tìm mạnh thường quân để quyên góp tiền, quần áo sách vở cũ... tạo nguồn quỹ ổn định mỗi năm trao hàng chục suất quà, tiền mặt cho những hộ nghèo, người già neo đơn, gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo vào các dịp lễ, tết...

Không thạo tiếng Kinh, bà Kăn Lầy, người dân tộc Tà ôi, năm nay 60 tuổi, nhà ở xã A Ngo là một trong những người thường xuyên nhận quà của nhóm “Nồi cháo tự tâm” lặp lại câu thường nói với các chị: “Cảm ơn các con”. Bà Kăn Lầy một mình nuôi người con trai năm nay đã 28 tuổi nằm bất động từ nhỏ do nhiễm chất độc da cam, tuổi ngày càng cao nên cuộc sống rất khó khăn.

Nấu cháo tặng bệnh nhân đã thành thói quen với nhóm “Nồi cháo tự tâm”. Nhiều Chủ nhật rơi vào dịp lễ, tết… bệnh nhân về nhà nên không phải nấu cháo, các chị lại thấy thiếu thiếu và niềm vui ấy cũng đã lan tỏa đến các nhân viên y tế, điều dưỡng và bác sĩ trong bệnh viện.Bài, ảnh:

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

TIN MỚI

Return to top