ClockThứ Ba, 01/10/2019 14:35

Nỗi đau còn đó - kỳ 1: Chệch hướng

TTH - Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống. Những tổn thương hằn lên mối quan hệ chồng vợ, cha con, mẹ con... đã để lại những dấu tích buồn.

Giảm bạo lực gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng

Tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua hội thi

Năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 425 vụ BLGĐ  và năm 2018 giảm còn 353 vụ. Đây chủ yếu là các vụ việc gây bức xúc, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và lực lượng công an. Thực tế vẫn còn những vụ việc nhỏ, lẻ khó kiểm soát, hoặc các hình thức bạo lực về tinh thần, kinh tế, tình dục vốn tế nhị, khó nắm bắt.

Ám ảnh

Ở tuổi 65, chị P.T.TH. (Hương Trà) luôn sống trong dằn vặt, hối hận khi hai con chị đều không chịu lập gia đình bởi ám ảnh quá khứ của vợ chồng chị.

Đã ở tuổi 35 nhưng con gái chị vẫn chạy trốn hôn nhân, thẳng thừng cự tuyệt những chàng trai theo đuổi. Chị H. tâm sự: “Có lần tôi nhắc nhở, con tôi gằn giọng như oán trách: Lấy chồng để rồi giống mẹ à? Con không muốn bất cứ một đứa trẻ nào phải chịu đựng một quá khứ như chị em con nữa”.

Nhắc lại câu nói của con, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt người phụ nữ lớn tuổi. 

Chị kể, vợ chồng chị yêu nhau rồi kết hôn nhưng sau đó cuộc sống khó khăn, chồng chị lại hay rượu chè nên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Từ nhỏ, hai đứa con chị lớn lên trong những trận đòn roi, chửi bới của vợ chồng chị. Mỗi lần tức giận chị, chồng chị trút giận vào các con. Nhiều bữa ăn chưa kịp và cơm vào miệng, toàn bộ mâm cơm đã bị hất xuống đất, tiếp đó là sách vở, áo quần và đồ dùng trong nhà đều bị chồng chị xé, đốt. “Nhiều lần con tôi khóc xin ba mẹ đừng đánh nhau nữa, nhưng sau đó mọi chuyện vẫn cứ xảy ra”, chị H. đau đớn nhớ lại. 

Hôn nhân giữa vợ chồng chị H. cũng không cứu vãn được. Sau gần 15 năm chung sống, vợ chồng chị đã ly hôn. Sự đổ vỡ của vợ chồng chị H. khiến nỗi sợ hôn nhân hằn sâu trong tâm trí các con chị.

Tuổi 40, chị N.T.M. (Phú Vang) mới sinh đứa con đầu lòng. Lý do chị từng có ý định không lấy chồng là vì có một tuổi thơ không êm đềm. Chị M. rơm rớm nước mắt khi nghĩ về ngày còn bé: "Cứ mỗi lần không hài lòng việc gì là ba tôi hết la mắng, chửi bới rồi đánh đập. Ba tôi đánh mà không cần biết ai đúng, ai sai. Không chỉ mẹ, chị em tôi cũng thường hứng chịu những trận đòn vô cớ từ ba".

Chị M. rùng mình kể: "Có hôm uống rượu vừa về đến nhà, ba liền cầm phích nước nóng vứt thẳng vào người mẹ. Chị em tôi phải đưa mẹ đi cấp cứu trong đêm”. Tuổi thơ chịu đòn roi, chứng kiến ba bạo hành mẹ, lớn lên chị M. sợ rơi vào cảnh như mẹ mình. Chồng hiện tại của chị M. là người từng kiên trì theo đuổi chị từ nhiều năm trước. Qua thời gian tìm hiểu kỹ về nhau, cộng với tình cảm chân thành của người yêu đã xoa dịu ám ảnh hôn nhân trước đó của chị. Cách đây 2 năm, chị M. bước lên xe hoa.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế: Những đứa trẻ trải qua tuổi thơ bị bạo hành thường bị ám ảnh, gây ra các chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Biểu hiện thường thấy ở các trẻ bị bạo hành là sợ hãi, không muốn tiếp xúc với mọi người, ngược lại có trẻ lại trở nên hung hãn, bạo lực. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trong học đường. Nếu không may sống trong gia đình mà bản thân thường xuyên bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ thường sẽ có những suy nghĩ, những hành động khác biệt, lệch lạc. Không ít người khi trưởng thànhkhông muốn lập gia đình vì sợ tái diễn bi kịch.

Bi kịch

BLGĐ còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ giết người, trong đó có những vụ việc do người phụ nữ bị bạo hành nhiều năm, không nhẫn nhịn được nhưng cũng không biết cách giải tỏa, đã ra tay giết chồng khiến họ từ nạn nhân trở thành hung thủ.

Câu chuyện ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền xảy ra cách đây 5 năm khiến những người thân trong gia đình nạn nhân vẫn còn đau đớn.

Ông N.Đ. thường xuyên rượu chè và khi về nhà lại hay gây gổ với vợ con. Trong một lần mâu thuẫn với chồng, bà T.T.D. đã dùng dùi gỗ đánh vào đầu ông Đ. khiến chồng ngất tại chỗ. Nghĩ là chồng đã chết, bà đưa lên giường nằm và đắp chăn cho chồng, sau đó lấy dây treo cổ tự tử. Ông Đ. sau đó được người dân đưa đi cấp cứu nhưng bị chấn thương sọ não nên cũng tử vong.

Nhiều người dân ở phường Phú Bình (TP. Huế) vẫn còn nhớ vụ việc dẫn đến chết người cách đây một năm trên địa bàn phường. Sau khi sử dụng ma túy, ông A. đòi quan hệ tình dục với con gái riêng của vợ. Bị vợ phản đối, ông A. đe dọa, đòi giết con chung. Nghe tin, người con trai đầu của chị T. lúc đó còn là sinh viên đã rủ bạn về tìm cha dượng để "tính sổ". Bị đánh, ông A. bỏ chạy, nhảy xuống sông và bị chết đuối.

Theo báo cáo từ Công an tỉnh, trong giai đoạn 2008-2018, công an các cấp khởi tố 34 vụ với 38 đối tượng liên quan đến BLGĐ; trong đó, tập trung hầu hết ở các hành vi: cố ý gây thương tích, giết người.

Cuối năm 2017, một vụ án xảy ra tại xã Hương Giang, huyện Nam Đông khiến nhiều người bàng hoàng. Vì ghen tuông, nghi ngờ vợ mình là chị L. có quan hệ tình cảm với người khác, H. đã siết cổ giết chết chị L., sau đó treo cổ tự sát. Cả anh H., chị L. đều là giáo viên.

Trong nhiều năm làm nghề, Luật sư, ThS. Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh vẫn ảm ánh về những vụ án khi bị hại, bị cáo là người một nhà.

Theo Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh: “Câu chuyện đẫm nước mắt như chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha, mẹ đều do sự tích tụ các mâu thuẫn, bị bạo hành kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời. Khi tình cảm không còn, những ấm ức, bực tức hay sự chịu đựng đã vượt ngưỡng, chỉ cần một hành vi “tức nước vỡ bờ” từ phía người kia đều có thể khơi nguồn một hành vi tội ác.

Bài, ảnh: Hải Thuận

Kỳ 2: Không là chuyện của riêng ai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ
Tập tàng mà nấu canh tôm

Trời nắng hanh hao, tần ngần một hồi trước quầy rau củ và lời mời chào của dì bán rau, ánh mắt tôi dừng lại trước mớ rau tập tàng non xanh nằm lẫn giữa đám xà lách và tần ô. Trời này mà húp một ngụm canh rau tập tàng nấu tôm thì cứ phải gọi là mát lòng mát dạ.

Tập tàng mà nấu canh tôm
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Người muôn năm cũ

Sinh thời, ba tôi rất hay nhắc về ông, và mỗi lần như vậy, nét mặt ba tôi bỗng rạng rỡ, phấn khích hẳn lên, bởi ngoài mối quan hệ thân thích, ông có “nhân thân đặc biệt” - bị mù từ bé nhưng trí tuệ, độ mẫn cảm hơn người. Tiếc thay, nghe đâu bỏ đó, bây giờ muốn tìm hiểu kỹ hơn về ông thì ba tôi và những người trong cuộc không còn nữa, chỉ biết dựng lại chân dung về một con người khá sơ sài qua những mẩu ký ức rời rạc, đứt quãng cùng thông tin từ một số chứng nhân gián tiếp.

Người muôn năm cũ
Return to top