ClockThứ Bảy, 08/10/2016 05:56

Nỗi đau lên men thành con chữ…

TTH - Sinh ra ở xứ Nghệ, nếu cứ ở đó mà sinh kế, lập nghiệp và làm thơ tình yêu thì tôi dám chắc đã không thành đường nét, thành khí vị, thành dung nhan trong thơ như Lưu Ly bây giờ. Nói thế có quá lời chăng?

Đọc thơ Lưu Ly (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2014) - bây giờ thì cứ coi là nữ nhà thơ xứ Huế (nhưng gốc gác là xứ Nghệ) - tôi cứ có một liên hệ có thể là khập khiễng: chị gần với Megie Phạm (cũng ở Huế) trong văn xuôi - người viết tiểu thuyết tình cảm (có người gọi là “truyện ngôn tình”?!) rất thành công và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất, khi mới 25 tuổi). Nhưng làm sao lại so sánh thơ với văn xuôi được? Nhưng mà thực tế cho phép so sánh như vậy đấy. Tôi sẽ tường giải trong bài viết của mình về thơ Lưu Ly.

Bìa tập thơ “Giấc Mơ trong trái tim em” (song ngữ Việt – Anh). Ảnh: VĐN

Tình đắm say

Cả ba tập thơ của Lưu Ly gồm 89 bài thì có đến chín mươi phần trăm viết về tình yêu. Ngay cái nhan đề của tập thơ thứ nhất trình làng văn đã ngạt ngào, tràn trề tình yêu rồi: Bốn mùa yêu.

Tôi thích cách lí lẽ tình yêu theo kiểu của Lưu Ly: “Tình cờ/Anh bước vào cuộc đời em/Đầy gió/Mang hồn em đi bớt một phần đời/Ngoài kia mưa vẫn rơi/Chiếc lá mùa đông cuối cùng sót lại” (Tình cờ). Nhưng đó là thời thiếu nữ mê say mới lớn. Khi trưởng thành rồi, khi đã “hát khác xưa rồi và khóc cũng khác xưa” thì nào có tình cờ mãi mãi được đâu. Rồi đến lúc nhận ra “Rồi đến một ngày người cũng bỏ em đi/Góc phố cũ chỉ còn em với gió/Chuyện tình chúng ta chỉ còn trong con chữ (…)/Màu hạnh phúc ngời lên từ cuối chân trời…” (Hạnh phúc ở cuối chân trời).

Thơ tình Lưu Ly, theo ý tôi, sau Bốn mùa yêu mau chóng bước qua thời hoa niên, để sớm chạm vào suy nghiệm, trầm tư, lắng đọng. Thậm chí vì yêu mà một ngày: “Trái tim nát tan/Niềm tin vụn vỡ” (Biện luận). Thậm chí: “Mùa thu rụng ngoài sân/Chở tình yêu về đất” (Từ đó). Thi sĩ nào viết “Yêu là chết trong lòng một ít” thì quả là ứng vào Lưu Ly trong thơ. Nhưng có lẽ vì đã trở thành người xứ Huế nên trong cách sống và cách viết thơ tình yêu của Lưu Ly vẫn có nét gì đó tiết chế. Nghĩa là không bạo liệt, không nổi loạn, không bất cần, không cực lực, không ngoa ngôn, không tung hê tất cả. Vẫn có một cái gì đó dìu dặt, nhã nhặn, nền nã và kín đáo.

Con người và thơ Lưu Ly, tôi cứ hình dung, như hòn than ủ trong tro. Nóng rẫy đấy nhưng mấy ai biết. Nói thế có chủ quan? Tôi tin vào linh cảm nghề nghiệp của mình. Sinh ra ở xứ Nghệ, nếu cứ ở đó mà sinh kế, lập nghiệp và làm thơ tình yêu thì tôi dám chắc đã không thành đường nét, thành khí vị, thành dung nhan trong thơ như Lưu Ly bây giờ. Nói thế có quá lời chăng?

Ký tự “Anh”

Như trên đã nói, Lưu Ly trong thơ gần với Megie Phạm trong văn. Xin hai nữ sĩ đừng phật ý nếu tôi so sánh. Tôi đã được nữ sĩ Megie Phạm tặng đủ năm tập truyện mà từ cảm hứng, nhan đề, nhân vật đến câu chuyện đều xoay quanh chỉ một chữ “Anh”: Chàng và Em, Hoàng tử và Em, Giám đốc và Em, Người xa lạ và Em, Tôi và Em.

Còn trong thơ Lưu Ly thì tràn ngập chỉ một “Anh”: Tôi dùng phương pháp thống kê thủ công và đếm được chính xác 179 chữ Anh trong cả ba tập thơ (thứ tự từ 1 đến 3: 72, 69, 38). Chuyện tình duyên (tình sử) của Lưu Ly thật sự tôi không biết. Mà biết để làm gì cơ chứ? Đây là do đọc thơ rồi suy ra.

Anh này là một trang nam nhi, một người đàn ông đích thực, một hiệp sỹ, một tao nhân mặc khách. Một mẫu người lí tưởng nên không có thực. Nó là tiếng vọng của một tình yêu lớn. Một niềm khát khao lớn. Nó là nhân ảnh. Tóm lại Anh này là một biểu tượng, một ẩn dụ… có sức thôi miên, ám gợi, liên tưởng và tạo dư ba. Nếu nói thơ cần đến liên tưởng và dư ba thì cái Anh này chính nó đã tạo nên trong thơ Lưu Ly một mạch ngầm, một dòng thông thủy, kết nối với các mạch khác. Nó là những khoảng lặng, nốt nhấn cần thiết để neo giữ thơ trong ký ức độc giả.

Lưu Ly neo lại trong ký ức độc giả những “ngọt ngào và đắng cay” của tình yêu. Đọc đến tập thứ thơ tình yêu thứ ba Giấc mơ của trái tim em của Lưu Ly, không biết người khác cảm nhận thế nào, riêng tôi vẫn cứ yêu thích cái trong sáng vô ngần của tình yêu. Dẫu cho không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Dẫu cho không phải đã hết đắng đót. Nhưng mà gieo một lòng tin. Tin vào sự chân thành, thánh thiện, bất tử và vô cùng vô tận của tình yêu.

Điệu nói

Có thể là vô thức hoặc có ý thức, tôi nghĩ, ngay từ tập thơ đầu tay Lưu Ly đã xác lập cho mình một điệu nói trong thơ. Tôi thích điệu nói giản dị, chân thành của Lưu Ly ngay từ những bài thơ đầu tiên trình làng văn: “Em sẽ yêu chiều gió hơn anh/Bởi vì khi xa em gió cũng còn hờn nhớ/Lúc cuồng phong khi vật nài than thở/Bởi khi yêu gió cũng rất chung tình…” (Với gió).

Nhưng mà cái điệu “chơn” (chân) này không thể lạm dụng, không thể khai thác và sử dụng mãi. Người phụ nữ khi trưởng thành ý thức được “em hát khác xưa rồi và khóc cũng khác xưa”.

Đến tập thơ tình yêu thứ ba Giấc mơ của trái tim em (song ngữ Việt – Anh 2016), cách tập thơ đầu 10 năm có lẻ, tôi nghĩ, mọi chuyện đều phải khác trước. Tất nhiên. Trong thơ tình yêu của Lưu Ly độc giả không khó tìm ra những vết thương lòng đôi khi rớm máu. Nhưng mà dường như nhân vật (trữ tình) nữ trong thơ có cái khả năng kỳ diệu là thuần hóa những nỗi đau. Mà đã có cái năng lực này rồi thì mọi chuyện ở đời nếu có xảy ra đều được nhìn nhận và hành xử một cách bình tĩnh, thấu tình đạt lý.

Không đau sao được khi đọc những câu thơ không chỉ là ứa lệ bình thường: “…cuối cùng/Em vẫn là người nằm ngoài trái tim anh/Tự thắp lửa dối lòng mình thêm lần nữa/Xé rách nhớ mong/Cồn cào ký ức/Mùa nối mùa…/Vẹn nguyên/…cuối cùng/Em vẫn là người nằm ngoài trái tim anh/Tự hát ru mình những điều không thể khác (…)/Nhưng…Anh ơi!/Em/Không biết phải làm thế nào với vết dầu loang trên biển???/-Vỡ ra từ trái tim mình!!!” (…Và những mùa đi).

Có thể là lần đầu trong thơ tình yêu tôi thấy cách ví von độc đáo nỗi đau với “vết dầu loang trên biển”. Đây không phải là giọng của kẻ thất tình. Đây là giọng của người phụ nữ nửa đời nhìn lại trên tinh thần suy nghiệm, nghiền ngẫm sự đời thường là nước mắt soi gương. Thường là một cuộc bể dâu.

Vĩ thanh

Hôm dự Hội thảo quốc gia “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”cuối tháng 8/2016, có một ý kiến có vẻ như chia đôi dư luận: Văn học đã trải qua 4 thời kỳ, tương ứng với 4 tính chất: Nghi lễ (thời cổ đại), quà tặng (thời trung cổ), hàng hóa (thời tư bản) và phục vụ (thời cách mạng)?! Nếu cứ chiếu theo quan điểm đó thì xếp thơ Lưu Ly vào “ô” nào đây? Khó quá! Nghi lễ thì không phải rồi. Hàng hóa lại càng không. Phục vụ e không phải. Vậy thì chỉ còn là QUÀ TẶNG. Vâng! Thơ chính là quà tặng tinh túy, quý giá, vô vị lợi nhất ở đời này. Vậy thì hãy đón nhận thơ tình yêu của Lưu Ly. Đón nhận và đọc. Đọc và trải nghiệm. Trải nghiệm và chia sẻ. Để rồi có thể tri âm tri kỷ.

BÙI VIỆT THẮNG

(Đọc thơ Lưu Ly từ Bốn mùa yêu, Gọi em ở cuối thiên đường đến Giấc mơ của trái tim em

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top