ClockThứ Bảy, 25/06/2016 14:25

Nỗi đau mang tên HIV

TTH - Đau hơn cả nỗi đau mất người thân vì căn bệnh AIDS, các em phải đối mặt với sự ghẻ lạnh, kỳ thị của người thân. Chúng không có bạn, chỉ biết chơi lủi thủi một mình...

Các tổ chức từ thiện đến thăm các em có bố mẹ nhiễm HIV tại Phong Điền. Ảnh: Huế Thu 

Kỳ thị từ gia đình

Bố mất vì bị AIDS, mẹ bỏ xứ mà đi. Em Phan Ngọc B. (TP. Huế) 5 tuổi xanh xao, gầy guộc sống với bà nội trong nghèo khó. Ở tuổi 70, bà già yếu, nghèo khó và một đứa trẻ mà có thể chỉ ngày mai thôi “lá xanh rụng”... Cơ thể nhỏ bé của B. phải chống chọi với nỗi đau HIV và sự cô độc khi không có cơ sở nào nhận giữ cháu. Bà bộc bạch: “Tui chừng này tuổi rồi phải chứng kiến cảnh cháu chết dần, chết mòn vì bệnh tật, vì sự kỳ thị của người đời, chua xót lắm. Hồi cha nó mới chết vì AIDS, làng xóm không ai đến, thấy bà cháu tui là họ tránh. Người ta sợ lây bệnh đến độ, khi hấp hối, người thân, họ hàng cũng chỉ đứng cách xa hàng chục mét mà nhìn”.

Lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm. Thế nên, những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh. Trong khi đó, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng. Mặc dù nhiễm HIV các chị  vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đã đẩy họ và gia đình suy sụp nhanh hơn. Tôi được biết nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV chấp nhận phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những người cán bộ y tế họ không hề quen biết, cốt sao tránh khỏi lộ thông tin với bà con chòm xóm về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ mất những ích lợi về điều trị sớm nhằm giảm lây lan HIV.

Đau đớn hơn cả là con em họ phải chịu sự ghẻ lạnh của chính những người thân, bà con láng giềng. Nhiều chị không thể buôn bán làm ăn ở làng mình, nên phải bỏ xứ mà đi. Chị P.N.L (TP. Huế) rấm rứt: Con bé sang nhà ông bà nội chơi, thấy mọi người đang ăn cơm, nó cũng ngồi xuống  ăn. Ông nội  thả đũa, đứng lên, con mình thì cứ hồn nhiên ngồi ăn mãi…”.

Khó khăn khi đến lớp

Những người bị nhiễm HIV bị phân biệt đối xử là do cộng đồng thiếu hiểu biết về bệnh. Nhiều người không hiểu về con đường lây nhiễm nên đã vô tình đẩy những nạn nhân xấu số này vào đường cùng. Theo các chuyên gia về y tế, ngoài 3 con đường lây lan chính là đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con, còn mọi sinh hoạt khác, như ăn, uống, ngủ nghỉ, giặt chung quần áo... đều không làm lây lan virus HIV. Thực tế cho thấy trên thế giới và ở Việt Nam chưa có một trường hợp nào bị lây nhiễm HIV thông qua tiếp xúc thông thường và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trẻ bị nhiễm HIV hay là con của người bị HIV đều bị kỳ thị. Biết con mình rơi vào cảnh “tình ngay, lý gian”, nhiều bà mẹ đã phô tô kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con kẹp vào hồ sơ xin nhập học. Chị N.T.K (Phú Vang) bức xúc: “Bố cháu mất vì bệnh AIDS, mẹ con tôi đều âm tính với HIV, nhưng chẳng lẽ đi đến đâu tui cũng phải la lên: mẹ con tui không bị AIDS... để mọi người đừng kỳ thị. Thiếu đường tôi photo giấy xét nghiệm đeo vào cổ để minh oan cho các con, song chắc gì họ đã tin. Hai đứa trẻ không có bạn cùng xóm, chỉ chơi lủi thủi ở nhà.

Con đường đến trường của các em bị nhiễm HIV lại gập ghềnh gian khó hơn nhiều. T.T Y (Quảng Điền) mồ côi cả bố lẫn mẹ do cả hai đều chết bởi căn bệnh thế kỷ. Hiện, Y. đang sống với ông bà ngoại. Y được đi học, hòa nhập với các trẻ bình thường nhưng mỗi khi bạn bè muốn đến nhà em chơi là Y. lại  cương quyết từ chối. Em viện lý do, ba mẹ mình dữ lắm, không thích cho mình đem bạn về nhà’’. Trong chiếc cặp mà hàng ngày Y. vẫn mang đến trường, ngoài sách vở còn có thêm chai nước suối, bịch bông gòn, cuộn băng keo,  thuốc sát trùng. Tất cả thao tác cầm máu, sát trùng vết thương, băng bó thông thường, em đều đã được học để tự xử lý mỗi khi bị trầy xước, chảy máu.

Cô Huỳnh Thị Kim Lan ở Trung tâm Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức cho biết: Chúng tôi đặt ra những tình huống giả định và cách giải quyết để lường trước những khó khăn, trở ngại mà bé gặp phải khi hòa nhập. Chúng tôi dạy các em không được gây gổ đánh nhau. Mỗi khi bị trầy xước, các em phải tự sát trùng, băng bó, nếu bị chảy máu nhiều, phải chạy vào báo cho Ban giám hiệu.

Nhiều chị trải lòng, họ không đành lòng nhìn con mình lớn lên mặc cảm vì định kiến của người đời, nhất là ở các làng quê nhưng cũng không biết làm thế nào để thoát ra được.

HUẾ THU  - QUANG HUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông HIV/AIDS và giới thiệu các kênh xét nghiệm cho sinh viên Đại học Huế

Ngày 3/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Đại học Huế tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản và giới thiệu các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS. Thành phần tham dự gồm có 120 sinh viên và cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, chủ nhiệm các câu lạc bộ… của 9 trường thành viên Đại học Huế.

Truyền thông HIV AIDS và giới thiệu các kênh xét nghiệm cho sinh viên Đại học Huế
Ngăn chặn lây nhiễm HIV trong giới trẻ

Độ tuổi nhiễm HIV trẻ hóa khiến ngành chức năng lo lắng. Thực trạng này là mối đe dọa tới lực lượng lao động chính của xã hội và ảnh hưởng đến chất lượng dân số, sức khỏe nòi giống bởi đây là độ tuổi kết hôn, sinh con…

Ngăn chặn lây nhiễm HIV trong giới trẻ
Return to top