ClockThứ Ba, 20/03/2018 10:43

Nỗi lo tụt hậu

TTH - Trong khi GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2017 là 2.385 USD, thì Thừa Thiên Huế đạt 1.626 USD; thấp hơn cả Quảng Trị (1.731 USD) và Hà Tĩnh (1.757 USD).

Tư nhân và kỳ vọng đóng góp 65% GDPBộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình về số liệu GDP “thần kỳ“

Tăng trưởng GDP chưa có đột biến

Từ năm 2017, Tổng cục Thống kê đảm nhiệm tính các chỉ tiêu phát triển kinh tế hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không để các địa phương tự thực hiện. Điều đó nhằm bảo đảm cho các con số thống kê sát thực tế hơn, không trùng lặp.

Theo đó, năm 2017, tăng trưởng GDP của Thừa Thiên Huế đạt 7,76%, thuộc nhóm các địa phương đạt mức tăng trưởng khá; là một trong 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách đạt hơn 5.000 tỷ đồng (Thừa Thiên Huế năm 2017 đạt gần 6.800 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đó là tỷ trọng giá trị dịch vụ, công nghiệp ngày càng lớn và ổn định. Tuy nhiên quy mô kinh tế của tỉnh còn “quá bé” như lãnh đạo tỉnh đã đánh giá, tăng trưởng GDP những năm qua cũng chưa có đột biến, nên kinh tế của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn. Năm 2017, Chính phủ còn phải cân đối 23% ngân sách cho tỉnh.

Trong khi GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2017 là 2.385 USD, thì Thừa Thiên Huế đạt thấp hơn rất nhiều: 1.626 USD; thấp hơn cả Quảng Trị (1.731 USD) và Hà Tĩnh (1.757 USD). Đành rằng GDP bình quân đầu người còn phụ thuộc vào số dân mỗi địa phương, nhưng từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng GDP bình quân đầu người của tỉnh ta xấp xỉ khoảng 2.000 USD, hoặc bằng bình quân của cả nước. Vì vậy nhiều người không khỏi “giật mình” khi các con số GDP bình quân đầu người năm 2017 công bố. Một bài báo trên Thừa Thiên Huế điện tử đã cho rằng nó đã tạo nên một “dư chấn” trong dư luận của tỉnh.

Chưa có nhiều doanh nghiệp lớn

Quả thật là cũng đã thời kỳ kinh tế tỉnh nhà có bước phát triển đáng mừng, nhưng so với nhiều địa phương trong nước, chúng ta còn phải cố gắng nhiều. Nói một cách khách quan là: sự phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm được những nhà đầu tư tầm cỡ quốc gia, quốc tế, để tạo nên những bứt phá trên một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh cũng chưa phát triển.

2018- năm “bản lề” rất quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020. Thừa Thiên Huế chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là từ 7,5-8%. Năm 2017, GDP của tỉnh đã đạt 7,76%, như vậy có thể nói tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2018 dự tính cũng như năm 2017. Chính vì vậy mà chỉ tiêu GDP bình quân đầu người năm 2018 cũng chỉ ở mức 1.750 USD.   

Riêng về sản phẩm hành hóa, bia Huda là một thành công; một thời gian dài chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta còn chậm trong việc tạo ra những sản phẩm khác có vị trí chủ lực trong nền kinh tế. Hiện thu ngân sách không còn phụ thuộc nhiều vào bia Huda, nhưng sản phẩm có số thu lớn, “cho ra tấm, ra món” còn ít và chưa thật ổn định.

Dự án cảng Chân Mây từ hơn 20 năm trước từng được xem là “đầu ra” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với nền kinh tế tỉnh. Dẫu vậy cảng Chân Mây vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, bị cạnh tranh rất lớn từ các cảng biển ở các địa phương bạn. Không có “hậu phương” công nghiệp mạnh như cảng nước sâu Dung Quất, Chu Lai, Vũng Áng, Tiên Sa nên thời gian tới, cảng Chân Mây tiếp tục sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với “độ dày” của cảng biển miền Trung đang “mạnh ai nấy làm”.

Những thế mạnh về du lịch như: Quần thể di tích Cố đô Huế, cảnh quan hệ thống đầm phá độc đáo của Đông Nam Á, vịnh đẹp thế giới Lăng Cô (đẹp thứ 20 thế giới), các thế mạnh về du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, rừng, ẩm thực, nghỉ dưỡng, Festival Huế v.v… đều đã được khẳng định nhưng nhiều tiềm năng vẫn chưa khai thác tốt. Số ngày bình quân lưu trú của khách du lịch chưa tăng qua nhiều năm...

Điều đáng mừng là trong năm 2018, nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh được triển khai hoặc hoàn thành. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã đến Thừa Thiên để tìm cơ hội đầu tư. Điển hình là du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp Laguna tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD.

Với sự năng động của cấp ủy chính quyền trong tỉnh; sự đồng thuận, quyết tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân, tin rằng kinh tế tỉnh ta sẽ phát triển nhanh và bền vững; đẩy lùi nguy cơ tụt hậu so với các địa phương trong nước.

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top