ClockThứ Tư, 24/07/2019 14:00

Nỗi niềm cán bộ truyền thanh cơ sở

TTH - Với mức phụ cấp mỗi tháng ít ỏi nhưng những người làm công tác truyền thanh (TT) xã vẫn luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.

Báo chí cần chủ động hơn trong tác nghiệp

 Anh Lê Viết Công ghi âm chương trình cho đài truyền thanh xã

Cán bộ, nhân viên đài truyền thanh (ĐTT) là người trực tiếp viết tin bài, biên tập chương trình, vận hành hệ thống máy móc... công việc không thể gọi là nhàn nên đòi hỏi người làm phải yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao.

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Hơn 7 năm qua, cứ 5h sáng, ngày nắng cũng như mưa, ông Võ Văn Lành, công chức văn hoá xã hội, phụ trách ĐTT xã Vinh Thanh (Phú Vang) có mặt tại UBND xã tiếp âm chương trình của đài tỉnh, đài huyện, phát chương trình địa phương.

Mỗi tuần ĐTT Vinh Thanh có nhiệm vụ sản xuất 2-3 chương trình thời sự địa phương, mỗi chương trình dài 30 phút, đọc 4-5 tin phản ánh tình hình kinh tế- xã hội, 1 bài viết hay thông báo, phổ biến pháp luật.

Ông Lành cho hay, dù xã có thành lập ban biên tập, yêu cầu có sự tham gia viết tin bài của cán bộ các bộ phận nhưng do không có chế độ nhuận bút, cơ chế hỗ trợ nên lực lượng này chỉ làm việc chuyên môn chứ hầu như không tham gia viết. Vì vậy, các công đoạn từ A đến Z sản xuất chương trình, xử lý trục trặc, sự cố đều do tôi cùng một nữ phát thanh viên “tự biên, tự diễn”. Vất vả là thế nhưng ngoài lương, chúng tôi không được hỗ trợ gì thêm.

Tại ĐTT xã Hương Phong (TX. Hương Trà), một mình anh Lê Viết Công “gánh” tất tần tật công việc. Ngày thường đã vậy, những đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh, thiên tai hầu như cán bộ ĐTT phải trực suốt ngày để đọc thông báo, hướng dẫn của xã nên càng đòi hỏi thời gian nhiều.

“Đã nhiều lần mình đề xuất xã “tuyển” thêm một người để phòng khi ốm đau không có ai làm nhiệm vụ, nhưng xã cũng chịu vì ngân sách không cho phép”, anh Công nói.

“Làm nhiều việc, không có ngày nghỉ nhưng lương có mấy mô chị” là nỗi niềm chung của những người làm công tác TT cơ sở. Như anh Công, là công an viên, kiêm nhiệm ĐTT nên lương của cán bộ bán chuyên trách ĐTT chỉ 1,0 cộng với tiền hỗ trợ làm chương trình khoảng 600 ngàn đồng/tháng.

Trưởng ĐTT Phú Vang Nguyễn Thị Ánh Na bày tỏ: “20/20 ĐTT xã, thị trấn trên địa bàn được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chế độ nhuận bút cho cán bộ ĐTT cơ sở hoàn toàn không có. Đây là điều trăn trở nhiều năm nay của chúng tôi. Ở những đơn vị “có điều kiện” sẽ vận dụng cách này hay cách khác để hỗ trợ, nhưng ở những xã khó khăn thì đành chịu”.

Theo quy định, ĐTT cơ sở có các nhiệm vụ: tiếp âm, tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và ĐTT huyện; sản xuất và phát sóng chương trình TT; phối hợp, cộng tác tin, bài với ĐTT- Truyền hình huyện; lưu trữ các các chương trình TT tự sản xuất; thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND xã, thị trấn giao…

Khó chồng khó  

Hiện nay, đối với các đài huyện, qua khảo sát của sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hầu hết các thiết bị, máy móc đa phần đã cũ kỹ, lạc hậu, chưa được quan tâm đầu tư thay đổi công nghệ phù hợp. Số lượng biên chế còn bất cập, tuỳ thuộc vào mỗi UBND huyện.

Trong cùng một tỉnh, số lượng biến chế cũng khác nhau, như ĐTT thành phố có gần 20 người nhưng chỉ hoạt động TT; đối với đài Phú Lộc hoạt động vừa TT- truyền hình chỉ có 8 biên chế và 1 hợp đồng; ĐTT Hương Trà có 5 biên chế và 2 hợp đồng... chưa kể có nhiều chỉ tiêu biên chế không thống nhất. Hầu hết cán bộ các đài xã là cán bộ bán chuyên trách, thu nhập, phụ cấp rất thấp, không đảm bảo cuộc sống, vì vậy, các đối tượng này thường xuyên luân chuyển, chuyển đổi nếu tìm được công việc phù hợp.

Trưởng phòng Thông tin - Xuất bản - Báo chí Sở TT&TT Hoàng Thị Hồng Gấm bày tỏ: “Để duy trì hoạt động, xây dựng một chương trình, bản tin phát thanh hàng ngày, đối với đài xã là thực sự khó. Dù sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách đài xã nhưng những đối tượng này không lâu sau đã chuyển công việc, đưa người mới vào. Người mới chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên càng khó để đài hoạt động hiệu quả. Kết quả, có những đài cơ sở chỉ làm nhiệm vụ đến giờ bấm nút tiếp sóng đài huyện, đọc một số thông báo rồi… thôi”.

“Năm 2017, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23 quy định chế độ nhuận bút, thù lao cho cán bộ đài TT cấp huyện, xã xây dựng theo khung nhuận bút của Bộ TT&TT nhưng thực tế, do một số huyện còn khó khăn nên rất khó để áp dụng việc chi trả theo quy chế. Đa phần các huyện đều đề xuất mức nhuận bút thấp để đủ khả năng chi trả cho đài huyện”, bà Gấm nói.

Ngoài một số ĐTT chưa phát huy hiệu quả, hệ thống TT ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò trong công tác thông tin, tuyên truyền các vấn đề thời sự của đất nước, địa phương. Đồng thời, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất, phòng chống thiên tai, chung sức xây dựng nông thôn mới… Các chương trình phát thanh từng bước đổi mới về nội dung, phong phú về cách thể hiện, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng

Công việc vất vả nhưng lương thấp, nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non mong muốn được các cấp quan tâm về chính sách để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống.

Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng
Return to top