ClockThứ Bảy, 10/12/2016 13:23

Nỗi niềm giáo dục thường xuyên

TTH - Giáo dục thường xuyên là một phần của hệ thống giáo dục quốc dân. Vinh dự, trách nhiệm này không hề nhỏ với mỗi một thầy, cô giáo, nhưng đằng sau những tiếng cười mỗi ngày đến lớp, còn có những nỗi niềm...

Một tiết học tại Trung tâm GDTX Hương Thủy. Ảnh Quỳnh Lâm

Đối tượng vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (viết tắt là GDTX, và nay là trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên) đa dạng. Họ khác nhau về hoàn cảnh, độ tuổi… nhưng có một điểm chung: sức học yếu. Khác với trước đây, độ tuổi học sinh vào học bổ túc hiện giờcòn rất trẻ. “Lọt sàng thì xuống nia”, GDTX là cánh cửa gần cuối đón các em được đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Việc giáo viên soạn giáo án một đường, nhưng phải dạy một nẻo không là chuyện hiếm, bởi sức học các em yếu, khó đạt được mục tiêu của giáo viên đề ra. Chưa kể, vừa dạy vừa la, rồi lại phải dỗ (đúng nghĩa của từ dạy – dỗ). Rồi việc giáo viên chủ nhiệm đi mấy quán internet, quán cafe, tìm học sinh là chuyện thường ngày. Khổ nhất cho những giáo viên mới ra trường, nếu  không “cứng” ngay từ đầu thì khó lòng “dạy yên” ở những tiết sau, và biện pháp là phải luôn cầu cứu giáo viên chủ nhiệm, giám thị…

Những năm gần đây, việc tuyển sinh vào lớp mười ở các trường trung học phổ thông nói chung, các trung tâm GDTX nói riêng khá khó khăn. Trừ những trường chuyên và những trường thuộc tốp trên, phần đông các trường vùng ven, lớp học chỗ ngồi khá thừa thãi. Phổ thông đã vậy, mảng trung học thường xuyên càng “lay lắt”, hiếm hoi. Nhiều trung tâm tuyển sinh suốt cả mùa hè đến giữa tháng mười vẫn không quá mười hồ sơ.

Một trong những nhiệm vụ “xương sống” của các trung tâm GDTX là phổ cập và xóa mù chữ. Trước đây, học sinh đông, mảng này được phân riêng với mảng dạy khối bổ túc THPT, giáo viên nào đi xóa mù, phổ cập thì ít tiết lại, không chủ nhiệm và ngược lại. Giờ đây, học sinh ít, chỉ còn vài lớp bao gồm hai khối 11, 12 nên phần đa giáo viên đều làm chuyên trách công tác phổ cập và xóa mù chữ.

Trên lý thuyết, giáo viên ở các trung tâm GDTX có nhiệm vụ tham mưu với các phường, xã, trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn để huy động các đối tượng bỏ học hay không biết chữ tham gia các lớp xóa mù, phổ cập. Đảm nhận nhiệm vụ này, giáo viên chuyên trách như một con thoi đi tận ngõ, gõ tận nhà, thuyết phục để học viên đi học. Việc đi đêm, đi hôm bất kể trời mưa gió để vận động các o, các mệ, các chú, các em quay lại học là công việc gian nan, nhất là các đối tượng cần xóa mù.

Mở được một lớp đã khó, duy trì được lớp học lại càng khó hơn. Giáo viên chuyên trách phải thường xuyên liên lạc với học viên, nhắc nhở, động viên, khích lệ tinh thần ham học của họ. Mỗi học viên là một hoàn cảnh, số phận, nhưng điểm chung ở họ là nghèo. Để thuyết phục các o, các chị sắp xếp thời gian tuần học hai đến ba buổi đến lớp không phải dễ. Do đó giáo viên chuyên trách lắm lúc cũng phải dùng “chiêu trò” để thu hút học viên đi học. Lúc thì mua bánh trái, lúc tặng cây viết, cuốn vở, có những đồng nghiệp còn tặng kính để các học viên dễ nhìn… Một lớp xóa mù số lượng thường không nhiều, tối đa cũng chỉ được khoảng mười lăm đến hai mươi người, mặt khác sức học không đồng đều, đòi hỏi giáo viên chuyên trách phải thực sự kiên trì, nhẫn nại. Do thế, không có gì vui hơn khi thấy học viên học mãi không nhớ bảng chữ cái, nay viết được tin nhắn xin phép nghỉ học vì chồng con đau ốm hay nhà bận việc. Một trở ngại không kém phần khó khăn là áp lực chỉ tiêu trên giao. Lớp này học chưa xong, đã phải chạy đôn chạy đáo huy động lớp khác.

Và dù không nói ra, nhưng dường như giáo viên GDTX đang bị đánh đồng với... trình độ học sinh trong nhận thức của một bộ phận xã hội, trong khi phần lớn giáo viên GDTX đều tốt nghiệp đại học chính quy, bằng giỏi, khá, cùng với đó là những giáo viên không ngừng rèn luyện bản thân để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Họ suốt ngày tất bật: sáng đi dạy ở trường, chiều đi vận động, tối đi xóa mù.

Dẫu thế, với đặc thù công việc, giáo viên dạy xóa mù, phổ cập không sợ khó, không ngại khổ cũng như không dao động khi có ai đó nói rằng “thật lãng phí khi tốt nghiệp đại học, có trình độ, thạc sĩ lại đi dạy xóa mù”. Đơn giản, họ biết mình đang làm việc có ích cho xã hội.

Hồ Thị Quỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng

Công việc vất vả nhưng lương thấp, nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non mong muốn được các cấp quan tâm về chính sách để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống.

Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng
Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2022

Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; Yêu cầu với giáo viên dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT... là những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2022.

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 9 2022

TIN MỚI

Return to top