ClockThứ Sáu, 09/02/2018 14:27

“Nối” sự đồng lòng

TTH - Nhiều con đường, ngõ hẻm của 3 thôn của xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) đã sáng ánh đèn điện. Để người dân đồng lòng, chung tay góp sức, cán bộ thôn, xã đã làm cầu nối bằng sự thuyết phục thấu tình, đạt lý…

Đoàn viên thanh niên thôn 1 chung tay kéo điện về làng

Ánh chiều tà dần tắt sau những lũy tre làng. Màn đêm bắt đầu buông cũng là lúc những ngọn đèn điện được bật sáng trên các con đường ở thôn 1, xã Vinh Hà.

Bà Nguyễn Thị Nhùng (75 tuổi) lưng hơi còng, bước nhẩn nha trên con đường sáng. Con đường sáng điện đã 6 tháng nay, nhưng niềm vui của bà vẫn mới. “Đường sáng, đi lại thấy sướng hơn, vui vẻ, phấn chấn hơn. Từ khi đường có điện, những khúc cua, ngõ hẻm được chiếu sáng, tai nạn xe cộ, nạn trộm cắp vặt giảm hẳn, nhất là quá thuận tiện trong những lúc chạy bão, lũ”- bà Nhùng nói.

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, người dân thôn 1 chia sẻ: “Khi tui và một số người khác còn phân vân không biết đồng tiền mình bỏ ra có phát huy được tác dụng hay không hoặc băn khoăn không biết sau này đóng tiền cho hệ thống chiếu sáng như thế nào, có nặng quá không, thì bằng những hành động rất cụ thể, thiết thực, bí thư chi bộ thôn, bí thư đoàn, phụ nữ thôn… đã “xóa” được những lo lắng đó”.

Trước khi đưa vấn đề ra trước dân, bí thư chi bộ thôn, đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh thôn… nhiều lần ngồi lại với nhau để thống nhất phương án, tính toán cụ thể, đồng thời tham khảo ý dân. Ông Đoàn Minh Xuân, Bí thư chi bộ thôn 1 nhớ lại: “Họp dân lần thứ nhất, có 30% số hộ chưa thông. Lần họp thứ hai, con số “chần chừ” giảm xuống còn 20% và đến lần họp thứ ba thì toàn bộ người dân trong thôn đã thông suốt, ủng hộ chủ trương của xã. Điều đáng mừng nhất là người dân mong muốn sớm xây dựng hệ thống chiếu sáng”.

Người đóng 100-200 nghìn đồng, người góp 500 nghìn-1 triệu đồng, tùy hoàn cảnh. Tinh thần của người dân trong thôn lan tỏa. Con cháu đang làm ở các tỉnh, ở nước ngoài cũng tự nguyện gửi về chung tay. Mọi khoản đóng góp và chi phí đều niêm yết công khai. “Cái gì phải mua mới mua. Điều gì làm được, lực lượng thanh niên trong thôn là chủ lực gánh vác hết. Lực lượng nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ thôn cũng tùy sức mà góp công. Thợ điện, thợ hàn, đổ bê tông, chôn trụ sắt…, tất cả đều do một tay đoàn thanh niên. Phụ nữ cũng ra hiện trường giúp rải dây hoặc nấu cho nồi nước, nồi chè động viên. Nhờ tinh thần đồng lòng đó mà ai nấy đều quên hết mệt, cố gắng làm tốt nhất, khẩn trương nhất, hoàn thành 4 nghìn mét đường điện chỉ trong 1 tháng. Và sau 3 ngày đóng điện, qua tính toán, mỗi hộ chỉ đóng 15 nghìn đồng/tháng chi phí tiền điện cho những con đường nên ai cũng yên tâm, phấn khởi”- anh Đoàn Văn Khanh, Bí thư đoàn thôn 1, một đảng viên trẻ tâm sự.

Ông Đặng Triều, Bí thư Chi bộ thôn Hà Giang cho biết, dù là thôn tái định cư, đặc biệt nghèo của xã, nhưng đến nay, Hà Giang đã thắp sáng toàn thôn từ sự tự nguyện đóng góp của người dân. “Ban đầu đa số không nhất trí. Do đó, ngoài những cuộc họp dân, chúng tôi về tận nhà để thủ thỉ phân tích, vận động. Hiểu ra đây là thôn xung yếu, hứng gió bão, nếu không sáng điện, mọi người rất khó hỗ trợ nhau trong thiên tai cũng như đảm bảo an toàn trong cuộc sống hàng ngày nên người dân đã vui vẻ, tích cực chung tay đóng góp. “Thôn sáng điện không chỉ thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn, mà còn là nét văn minh”, ông Nguyễn Đẻo (người dân thôn Hà Giang) nở nụ cười mãn nguyện.

Theo ông La Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Vinh Hà, bằng cách vận động thấu tình, đạt lý, lực lượng cán bộ thôn chính là cầu nối “nối” sự đồng lòng của người dân thành quyết tâm, cùng chung tay xây dựng hệ thống chiếu sáng trên toàn xã.

Quỳnh Anh - Văn Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ

Sinh năm 1989, yêu hội họa từ thời bé, năm 2010, Lê Duy Ngọc rời quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình vào Huế để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và tìm con đường chinh phục ước mơ.

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ
Đại học không phải là con đường duy nhất

Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay đã không tham gia đăng ký xét tuyển đại học năm 2023.

Đại học không phải là con đường duy nhất
Để con đường đến trường bớt chông chênh

Những học sinh nghèo hiếu học được tiếp sức để con đường đến trường bớt chông chênh. Đó là những tình cảm, sự sẻ chia của những cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Lộc dành các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Để con đường đến trường bớt chông chênh
Return to top