ClockThứ Hai, 13/11/2017 10:45

Nói thách mất khách

TTH - Ngay tôi nữa, cũng không biết đã bao lâu rồi mình chưa ghé chợ Đông Ba – nơi mà ngày trước tuần nào cũng sấp ngửa ghé qua tìm món này món nọ.

Người quen bảo, lâu lắm rồi chưa qua chợ Đông Ba. Không biết bây chừ chợ có khác chi không? Tôi hỏi lâu là bao giờ, chị nói cũng không nhớ rõ nữa, chắc cũng phải hơn 2 năm không chừng. Thức ăn hàng ngày thì qua chợ gần nhà. Tuần lại đi siêu thị một lần. Hàng hóa thì đầy ra ở các shop trong thành phố. Mua quen người ta còn “ship” đến tận nhà – chị kể - mà hàng gạo, nước mắm, bột ngọt, mì gói, hành tỏi... cứ tháng người ta lại cho mang đến một lần và lần nào cũng y chóc loại mình thích. Lại còn được khuyến mại thêm vài thứ. Giá có nhỉnh hơn thì gọi trước giải thích cụ thể. Mua bán bây chừ tiện nên quên mất chợ. Với lại qua chợ sợ bị nói thách quá. Mình biết trả hớ không mua là nghe tiếng nặng tiếng nhẹ ngay. Người ta còn đốt vía trước mặt mình nữa. Ngại lắm.

Ngay tôi nữa, cũng không biết đã bao lâu rồi mình chưa ghé chợ Đông Ba – nơi mà ngày trước tuần nào cũng sấp ngửa ghé qua tìm món này món nọ. Bạn bè đồng nghiệp từ các nơi khác về đều nhờ người dắt qua chợ, tìm những món hàng Huế để mua về làm quà. Nhìn cũng thấy túi của bạn bè không mấy nặng. Hỏi thì được những cái cười qua qua, giờ vào chợ Huế tìm quà Huế cũng khó à nha. Nhiều thứ cũng bán đầy chợ ở trỏng, với lại cũng ngại quá vì người ta nói giá, mình trả cỡ nào rồi họ cũng bán. Cùng một món hàng mà mỗi người mỗi giá vậy đó. Kể cũng có phần ức chế à nha...

Có thể không phải là tất cả, song đôi khi những điều như vậy cũng làm chúng tôi cảm thấy có phần áy náy. Có một số đoàn, không biết tiếng tăm sao đó đã nhờ dẫn đến tận nơi sản xuất thay vì qua chợ để vừa xem được các công đoạn chế biến và mua hàng ngay tại chỗ, dù các cơ sở này cũng không phải là nhiều. Nhiều khi những điều này cũng làm cho “chủ nhà” là chúng tôi không kém phần lúng túng.

Tôi nhớ ngày trước, người ta cũng hay nói về văn hóa nói thách. Coi nó như một phần sinh động trong đời sống mua bán hàng ngày. Nhưng bây giờ, nói thách chỉ để cho vui thôi, tạo không khí thôi và khi mua bán có sẵn bảng niêm yết giá khách sẽ hài lòng và trở lại. Lại nhớ cụm từ xây dựng chợ văn minh, tiểu thương văn hóa đã được phát động nhiều năm trở về trước, bắt đầu từ những kỳ Festival đời đầu không biết đã bị lãng quên?

Mới đây, thông tin từ một tờ báo cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, trước sự phản ánh và bức xúc của du khách về tình trạng nói thách lên nhiều lần, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn đã kiểm tra, xử lý 410 vụ liên quan đến niêm yết giá và đã xử phạt 221 triệu đồng.

Tất nhiên là nếu có niêm yết giá và điều này được công khai tới người tiêu dùng, thì sẽ không thể có cơ hội cho việc nói thách. Nhưng cơ quan quản lý không thể lúc nào cũng có mặt ở chợ này chợ kia để quản lý về giá, nên điều cơ bản nhất là tiểu thương phải thấy được sự mất nhiều hơn, dài lâu hơn khi người mua không muốn quay trở lại và đó mới là cơ chế tự ý thức cần được trao đổi, để thay đổi...

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số

Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường.

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số
Salmonella và gì nữa?

Hôm qua 22/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã có kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm...

Salmonella và gì nữa
Giảm thiểu tổn thất

Cơn mưa rạng sáng ngày 22/3 mang đi cái nắng và sự oi bức của những ngày đang xuân – một hiện tượng mà nhiều người cho rằng thuộc diện cực đoan sớm của thời tiết.

Giảm thiểu tổn thất
Return to top