ClockChủ Nhật, 14/01/2018 14:31

“Nói thật, làm thật, tạo niềm tin cho người lao động ...”

TTH - “Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là con đường để người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng” là điều ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần. Ông Tuấn cho biết:

Cùng công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao độngĐồng hành cùng người lao độngĐề xuất người lao động được nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán 2018Người lao động vô tình thành “con nợ’’Tăng cơ hội cho người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Ông Hà Văn Tuấn

Thừa Thiên Huế có nguồn lực lao động (LĐ) khá dồi dào, cần cù, chăm chỉ, tuy nhiên, nhiều LĐ sau khi tốt nghiệp các hệ từ trung cấp đến sau đại học chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, công việc không ổn định, điều kiện lao động không tốt. XKLĐ là giải pháp giúp người lao động (NLĐ) có việc làm tốt, nâng cao kỹ năng nghề, mở mang tri thức, có cơ hội nâng cao đời sống, thậm chí làm giàu cho bản thân và gia đình.

Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm công tác XKLĐ. HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020.

* Tuy nguồn LĐ dồi dào nhưng tỷ lệ XKLĐ của Thừa Thiên Huế vẫn ở mức thấp. Theo ông nguyên nhân vì sao?

Đúng là so với toàn quốc, số lượng XKLĐ của Huế vẫn ở mức quá thấp, như Nghệ An mỗi năm đi XKLĐ từ 12-15 nghìn người, Hà Tĩnh 5-6 nghìn, Quảng Trị cũng xấp xỉ 1 nghìn người... Năm nay, Thừa Thiên Huế chỉ "xuất khẩu" được 664 người (tính đến ngày 22/12, theo số liệu do Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cung cấp).

Trước đây, phong trào XKLĐ chủ yếu đi thị trường Malaysia. Tuy vậy, giai đoạn 2007-2008, kinh tế thế giới bị khủng hoảng, việc làm ở Malaysia bấp bênh, thu nhập thấp, tiền Ringit của Malaysia mất giá đến 50% so với tiền Việt Nam nên nhiều LĐ thu nhập không đủ để lo cuộc sống và trả nợ. Cũng trong giai đoạn ấy, trên địa bàn Thừa Thiên Huế xảy ra một số trường hợp lừa đảo, một số doanh nghiệp (DN) thu tiền nhưng không đưa lao động đi và dù cơ quan chức năng đã vào cuộc khởi tố, bắt giam những người lừa đảo nhưng NLĐ vẫn không lấy lại đủ tiền khiến nhiều người có tâm lý chần chừ, chưa an tâm.

* Vậy làm sao để lấy lại niềm tin với NLĐ?

Sau khi xảy ra nhiều vụ “đổ bể” về XKLĐ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có nhiều văn bản siết chặt công tác này. Như, quy định một công ty muốn làm XKLĐ phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng, ký quỹ vào tài khoản của Cục Quản lý lao động ngoài nước ít nhất 1,5 tỷ đồng để cơ quan Nhà nước có kinh phí xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, quy định nếu DN nào có tỷ lệ trên 5% NLĐ hết thời hạn mà không về nước hoặc trốn ra ngoài làm việc vi phạm hợp đồng thì sẽ dừng cấp phép XKLĐ của công ty đó, yêu cầu DN phải phối hợp với địa phương và gia đình để động viên NLĐ chấp hành các quy định. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng tiến hành thẩm tra từng đơn hàng do các DN ký... Điều đó giúp chấn chỉnh để công tác XKLĐ tốt hơn.

Xuất khẩu lao động ngày càng được nhiều người lựa chọn để cải thiện cuộc sống

Ở Thừa Thiên Huế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội có rất nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến chính quyền các cấp và NLĐ. Chúng tôi xác định, muốn đẩy mạnh XKLĐ trước tiên phải tạo niềm tin cho NLĐ, xây dựng lại phong trào. Sở tổ chức họp nhiều lần với các DN để quán triệt phương châm, quan điểm về XKLĐ: Phải nói thật, làm thật, làm ăn chân chính, tạo niềm tin cho NLĐ. Phần lớn các DN đều xác định đây là công việc làm ăn lâu dài nên làm rất tốt, thời gian qua không có DN nào lừa đảo khi thực hiện các hợp đồng XKLĐ.

Sở cũng tổ chức nhiều hội nghị để bảo lãnh với NLĐ rằng, tất cả những DN được chúng tôi giới thiệu đều đã được thẩm tra các đơn hàng, thẩm định năng lực. Các bộ phận nghiệp vụ của Sở giám sát liên tục hoạt động của các DN bằng cách lắng nghe, thu thập thông tin. Đồng thời đề nghị NLĐ và chính quyền các cấp thông tin lại cho sở, nếu DN không thực hiện đúng cam kết ban đầu sẽ bị dừng tham gia chương trình XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội luôn đồng hành với lãnh đạo chính quyền các cấp, với NLĐ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của NLĐ trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động.

* Ông vừa nói, so với các tỉnh, thành khác ở miền Trung thì số lượng XKLĐ của tỉnh ta quá chênh lệch. Nếu nói nguyên nhân do xảy ra các vụ lừa đảo thì hẳn tâm lý người LĐ những địa phương ấy cũng bị ảnh hưởng?

Phải thừa nhận một điều người dân ở các vùng khác "táo bạo" hơn. Hơn nữa, các địa phương đó đã tạo được phong trào rộng rãi, ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có những gia đình đi XKLĐ 6-7 người. 

Để đẩy mạnh XKLĐ, chúng tôi đã bàn với các huyện, thị xã, thành phố là mỗi địa phương nên chọn một số xã, phường trọng điểm tập trung xây dựng phong trào. Quảng Điền có Quảng Công, Phú Lộc có Vinh Hưng, Phú Vang có Vinh Thái... có tỷ lệ đi XKLĐ cao. Cứ một người đi XKLĐ là đời sống một gia đình thay đổi, người dân nhìn vào thành quả của những gia đình này và đi theo. Quan trọng là người LĐ phải quyết tâm dấn thân làm giàu.

Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền liên tục, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tư vấn cho từng người lao động” để thông tin về XKLĐ đến được với lãnh đạo hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến thôn, tổ dân phố, đến được với NLĐ để mọi người thấy được XKLĐ là cách để người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng một cách nhanh nhất.

* Điều nhiều người quan tâm nữa là làm sao để nâng cao chất lượng LĐ, đáp ứng các tiêu chí đi XKLĐ, thưa ông? 

Chất lượng LĐ của Thừa Thiên Huế không hề thua kém các tỉnh, thành khác. Một lợi thế là lao động Thừa Thiên Huế cần cù, ra nước ngoài ít vi phạm pháp luật nên nhiều đối tác nước ngoài rất muốn nhận LĐ của Thừa Thiên Huế.

Sau khi tuyển dụng, công ty sử dụng LĐ ở nước ngoài và DN đưa LĐ đi xuất khẩu sẽ phối hợp đào tạo, kiểm tra tay nghề theo tiêu chuẩn của họ. Điều NLĐ cần chuẩn bị là sức khỏe, các kỹ năng mềm, văn hóa bản địa và học ngoại ngữ, nhất là với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu ngoại ngữ khá khắt khe.

* Mục tiêu XKLĐ cũng như thị trường LĐ trọng điểm của tỉnh trong những năm tới như thế nào, thưa ông?

HĐND tỉnh đặt ra chỉ tiêu từ năm 2017 đến 2020 XKLĐ được 2.600 người. Năm 2017 đã đi được 664 người (kế hoạch là 330 người), chỉ tiêu năm 2018 là 500 người nhưng Sở phấn đấu đạt khoảng 1.000 người, vượt con số mà HĐND tỉnh đã đề ra.

Những năm tới, XKLĐ của Thừa Thiên Huế tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, điều kiện lao động tốt, ổn định, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước châu Âu. Người LĐ có trình độ dân trí thấp hơn thì đi thị trường Trung Đông. Ở đây công việc đơn giản hơn nên người LĐ dễ tiếp cận. Tùy theo nhóm đối tượng để tư vấn thị trường phù hợp.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ ra nước ngoài làm việc có thời hạn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo... về kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, các kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, làm hộ chiếu..., cho vay 100% kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay. Những đối tượng LĐ không thuộc các diện hỗ trợ trên thì UBND tỉnh hàng năm trình HĐND tỉnh trích một phần ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay.

Tín hiệu vui là nhận thức của NLĐ về XKLĐ đã có chuyển biến tốt. Phong trào XKLĐ trên địa bàn tỉnh hiện đã được hâm nóng trở lại. Từ 2011-2016, cả tỉnh chỉ có 865 người đi XKLĐ thì riêng 2016 đi được 207 người, 2017 đã đi 664 người. Ở những nơi chúng tôi có tổ chức tư vấn, nhận thức của cán bộ các cấp đã thay đổi. Từ thành quả của những người đã đi XKLĐ, cán bộ và người dân nhìn vào đó đã thay đổi cách nghĩ. Tôi hy vọng trong năm 2018, phong trào XKLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo nên bước ngoặt mới.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần
Return to top