ClockChủ Nhật, 01/01/2017 20:17

Nông dân học… trồng rau

TTH - Bắt nhịp xu hướng, nhiều nông dân vốn quen với việc đồng áng, trồng hoa màu thông thường đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Để làm đúng kỹ thuật, bài bản, họ phải đi học từ những lớp “vỡ lòng” về nghề nông dù tuổi đời, tuổi nghề đều đã ngoài 50.

“Cắp vở” đi học

Thoạt nhìn những luống rau được trồng “cách ly” trên miệt vườn Kim Long (TP. Huế) rộng chừng 3.000m2, cứ tưởng đây là một mô hình trình diễn. Hóa ra, vườn rau do nhóm hộ nông dân ở tổ 3, phường Kim Long trồng theo phương pháp hữu cơ từ dự án “Vườn rau hữu cơ”, do Hội Nông dân thành phố, Hội Nông dân phường Kim Long và Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) triển khai từ hơn nửa năm nay.

Nông dân ở Kim Long (TP. Huế) chăm sóc rau sạch

Đang thoăn thoắt nhổ cỏ, bà Nhớ cười xuề xòa: “Để có rau ngon, rau sạch phải kỳ công lắm. Tưởng dễ, nhưng muốn làm được, phải cắp vở đi học. Mấy chục năm là nông dân thứ thiệt mà chừ phải đi học làm nghề nông, nghe thì ngược đời mà là chuyện thật!”.

Đúng là để trồng rau hữu cơ đúng kỹ thuật, bài bản, nhiều nông dân phải đi học. Bác Trần Hữu Thìn trò chuyện: “Vốn dĩ làm công việc tay chân xưa nay, gắn bó với từng cọng rau, nắm đất, nhưng để trồng được rau hữu cơ, bọn tui phải theo học khóa đào tạo hẳn hoi, trải qua kỳ thi sát hạch và đi tham quan học tập ở Hội An… mới làm được, chứ không hề đơn giản như trồng rau thông thường. Cũng nhờ có học mới vỡ vạc ra nhiều điều bổ ích, tưởng lạ hóa quen. Khi bắt tay làm càng nảy ra nhiều cái hay mà mình chưa biết tận dụng”.

Trải qua khóa học 20 ngày và được các chuyên gia từ Hà Nội, Quảng Nam truyền đạt, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, 8 hộ nông dân bắt tay vào thực hành. Được phường cho mượn đất, họ lập những vườn rau hữu cơ. Tổ trưởng Tổ Vườn rau hữu cơ phường Kim Long- Nguyễn Văn Trường kể: “Học xong khóa tập huấn, chúng tôi phải đi thi kiến thức với 40 câu hỏi của đơn vị tổ chức đưa ra. Nếu trả lời đúng 80% số câu hỏi mới được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo kỹ thuật về trồng rau hữu cơ. Không chỉ yêu cầu đạt về kiến thức, còn được khám sức khỏe, nếu đạt mới được tham gia dự án”.

Thấy chúng tôi thắc mắc về một vài cách làm khác lạ so với trồng rau thông thường, bác Trường giải thích cặn kẻ, trước khi chọn khu đất này để lập vườn trồng rau hữu cơ, phía dự án phải thử mẫu đất, mẫu nước. Sau khi thẩm định chất đất, nguồn nước, nếu phù hợp mới được đưa vào canh tác. Bác Trương Đình Thử, Tổ phó Tổ Vườn rau hữu cơ cho biết, mặc dù có sẵn nước sông Bạch Yến ngay sát chân vườn rau, nhưng không được bơm lên để tưới, vì dự án quy định phải dùng nước máy để tưới cho đảm bảo, dùng nước sông sợ bị nhiễm bẫn. “Ngay cả khu đất trồng rau hữu cơ cũng được nằm tách biệt và được bao bọc “khép kín” bằng hàng rào cây cỏ voi. Làm vậy để tránh sự tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật…”, bác Thử giải thích.

Vận dụng thực tế

Với sự giúp sức từ các tổ chức, dự án, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh được tập huấn và thực nghiệm với mô hình sản xuất rau an toàn. Điển hình như Dự án Nhịp cầu châu Á- Nhật Bản (Bridge Asia Japan- BAJ), Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, và gần đây là Tập đoàn Quế Lâm… đã tạo nên làn sóng sản xuất và cung ứng sản phẩm rau hữu cơ ra thị trường. Ông Phạm Văn Tần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các tổ chức phối hợp trực tiếp với nông hộ đã làm rất tốt, rất có trách nhiệm để đưa rau hữu cơ đến tay người tiêu dùng. Trồng theo hình thức hữu cơ nên rất tốt cho đất, môi trường. Hướng đi này rất triển vọng, đáp ứng xu thế về chất lượng nông sản hữu cơ hiện nay và trong tương lai, giúp nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp bền vững.

Chăm sóc rau hữu cơ bằng thủ công

Qua các khóa tập huấn do các tổ chức trong ngoài tỉnh, tổ chức phi chính phủ phối hợp với các nhà chuyên môn, nhiều nông hộ từ thành thị cho đến các vùng nông thôn đã nắm bắt những kiến thức đã được học và áp dụng trồng các loại rau, quả hữu cơ như: đậu cô-ve, mướp, bí đao, rau khoai, mồng tơi, dền, cà tím… Những giống rau, quả này được trồng xoay vòng luân phiên mỗi vụ, vừa dễ cung ứng cho thị trường, vừa giúp cải tạo đất, xới xáo đất tơi xốp. Ngoài các giống rau, quả truyền thống, các hộ dân còn sưu tầm thêm một số giống rau, quả mới để làm phong phú thêm vườn rau hữu cơ. Mức thu nhập bình quân mỗi ngày từ trồng rau hữu cơ cao hơn so với trồng rau màu thông thường từ 20- 25%. 

Ban đầu trồng, nhiều nông hộ vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư cơ sở, cộng với do chưa có kinh nghiệm, nên rau chậm lên, màu sắc không bắt mắt. Bà Hoàng Thị Nhớ ở phường Kim Long kể: Đợt đầu cho thu hoạch, gia đình mang ra chợ bán, nhưng ai cũng chê rau tra (già) vì họ không phân biệt được rau hữu cơ khác với rau thường. Sang mấy đợt hái sau, trường mẫu giáo, căn-tin nhà trường đến tận vườn cân mua, nên những hộ trồng rau hữu cơ ở đây không cần phân bua, giải thích nhiều, họ nhìn cách chúng tôi trồng là yên tâm về chất lượng, an toàn.

Điều kiện tối thiết nhất khi trồng rau hữu cơ là tuyệt đối không bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ bón phân hữu cơ và dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng, ớt giã và trộn với rượu để diệt sâu rầy. Việc làm sạch cỏ cũng chỉ được nhổ bằng tay. Để kích thích cây tăng trưởng, bà con dùng đu đủ, chuối và đường trộn đều xay nhuyễn để bơm cho rau. Đây là những kinh nghiệm học được qua khoá tập huấn và kỳ thi “sát hạch” mà những hộ trồng rau hữu cơ đều thuộc nằm lòng.

Quanh những luống rau hữu cơ, hộ nào cũng trồng xen kẽ hoặc trồng bao quanh bởi một số loài hoa cúc, vạn thọ, hướng dương, mào gà… để “dẫn dụ” bướm, côn trùng bay đến, tạo nơi đẻ trứng cho sâu rầy, tránh bay vào sinh sống phá hoại rau trồng. Bác Trần Hữu Thìn khoe: “Giờ là hoa mào gà, vạn thọ đang khoe sắc, sắp tới đây, khi hoa hướng dương nở sẽ làm cho vườn rau hữu cơ càng đẹp, càng sạch sâu không kém! Chúng tôi đang nhen nhóm ý tưởng kết hợp thêm mô hình du lịch sinh thái trong nay mai”.

Thực tế hiện nay, diện tích sản xuất rau hữu cơ còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, nên các nông hộ khó kết nối với các đơn vị phân phối lớn. Do vậy, nhiều địa phương có kế hoạch nhân rộng diện tích, đồng thời quản lý chặt quá trình sản xuất, tạo đầu ra thuận lợi cho bà con. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các tổ chức, nông hộ là được cấp giấy chứng nhận rau hữu cơ, nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh “đánh đồng” về chất lượng và giá cả cào bằng như rau thông thường.

Ông Phạm Văn Tần cho rằng, hiện nay, nước ta chưa có quy chuẩn để cấp giấy chứng nhận cho rau hữu cơ, mặc dù nhiều cá nhân, tổ chức rất có nhu cầu. Hiện, chi cục chỉ quản lý trồng rau VietGap, còn rau hữu cơ vì chưa có tiêu chuẩn, nên đơn vị chưa thể kiểm tra, quản lý mà chỉ đồng hành, dự báo, hướng dẫn quản lý dịch hại, quy trình sản xuất…

 Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế

Các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân (HVND) tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top