ClockThứ Hai, 04/01/2016 14:06

Nông nghiệp vào “sân chơi” lớn TPP

TTH - Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội, song cũng là thách thức đối với ngành nông nghiệp khi vươn ra “biển lớn”.

Thương hiệu trà rau má Quảng Thọ được thị trường ưa chuộng

Giàu tiềm năng

Đánh giá về tiềm năng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Vang cho rằng, nhiều loại nông sản hiện nay có cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước, đầu tiên có thể kể đến một số loại cây ăn quả, như thanh trà Thủy Biều, quýt Hương Cần… chất lượng, thơm ngon đặc trưng và đã có thương hiệu. Các loại rau màu, như rau má Quảng Thọ, rau an toàn Quảng Thành, hành lá Hương An… mang lại thu nhập cao, lãi từ 350 triệu đồng/ha trở lên. Gạo ngon Thủy Thanh, gạo chất lượng Phú Hồ cũng đã có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng. Vùng biển và đầm phá rộng lớn, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế, tươi ngon cũng là một lợi thế cạnh tranh cao…

PGS-TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học-Trường đại học Nông lâm Huế nhận định, tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, mặt nước, khí hậu trên địa bàn có thể phát triển sản xuất nông nghiệp trong tiến trình hội nhập. Các loại nông sản có lợi thế, giá trị kinh tế cao được đầu tư sản xuất hàng hóa, có cơ hội xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Khi thị trường xuất khẩu rộng lớn, thị trường chuỗi cung cấp mới hình thành sẽ giảm bớt áp lực phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Điều đó dễ nhận thấy sản phẩm cao su, hay một số nông sản khác hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi nước này gặp “vấn đề”, hạn chế thu mua thì các mặt hàng nông sản bị ế, hạ giá thấp. Vậy nên, khi thị trường tiêu thụ rộng lớn thì giá cả sản phẩm có cơ hội tăng cao, ổn định. Nếu như lâu nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thì khi hội nhập TPP, doanh nghiệp các nước có điều kiện đầu tư vào địa bàn khai thác, phát huy tiềm năng, tạo việc làm cho lao động và góp phần tăng nguồn thu ngân sách.

Tiến sĩ Lê Tiến Dũng (nguyên giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế) cho rằng, bên cạnh những cơ hội, lợi thế lớn, nông nghiệp Thừa Thiên Huế sẽ gặp nhiều thách thức trong tiến trình hội nhập TPP. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp chính là rào cản lớn, khó cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chưa sản xuất mang tính hàng hóa lớn là một trở lực đối với nông nghiệp tỉnh. Chất lượng sản phẩm “có vấn đề’, việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn còn phổ biến. Vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn, gia cầm cũng ảnh hưởng rất lớn trong việc cạnh tranh giữa sản phẩm nội địa và xuất khẩu…

Cần có “con thuyền lớn”

PGS-TS Trần Thị Thu Hà cho rằng, muốn vươn ra “biển lớn” thì ngành nông nghiệp cần phải có “con thuyền lớn” đảm bảo đương đầu với “sóng to gió lớn”. Điều đáng ghi nhận ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế mấy năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng đê bao, thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất trước yêu cầu mới. Nhiều công trình thủy lợi “đa mục tiêu” được đầu tư xây dựng, như hồ Tả Trạch, hồ Truồi, Thọ Sơn, kênh mương Tây Hưng, kênh Điền Hòa-Điền Hải… đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ mùa màng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhiều loại nông sản hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu nếu đầu tư đúng hướng, nhân rộng diện tích, sản xuất theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các vùng đất gò đồi, hay đầm phá, cả vùng đồng bằng đều có thể đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hồ Vang cho biết, trước xu thế hội nhập, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Công tác quy hoạch vùng sản xuất, chọn lựa và bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất được ngành nông nghiệp quan tâm. Các loại cây trồng được tập trung đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, song cần nghiên cứu và lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất, như cá mú, cá dìa, cá chình, cá hồng mỹ, đối mục, tôm chân trắng… Quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục kêu gọi, có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và tỉnh, nước ngoài đầu tư vào địa bàn khai thác, phát huy tối đa tiềm năng.

Theo TS Lê Tiến Dũng, để sản phẩm đảm bảo sức cạnh tranh khi hội nhập TPP, ngay từ bây giờ phải có chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cần nhanh chóng chuyển đổi sang tập trung, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao là một hướng cần được quan tâm sớm triển khai thực hiện; sớm quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, có chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình trang trại, công nghệ cao, gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân
Return to top