ClockThứ Bảy, 14/05/2016 05:24

Nông trại “3 trong 1”

TTH - Ấp ủ từ thời gian học tiến sĩ ở Nga, trở về nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế quyết định mở Nông trại hữu cơ Bạch Dương - nơi đây vừa sản xuất rau hữu cơ, vừa triển khai những ý tưởng nghiên cứu và là điểm thực hành của sinh viên.

Cà chua hữu cơ ở Nông trại hữu cơ Bạch Dương

Dẫn chúng tôi đi thăm nông trại hữu cơ Bạch Dương, TS.Đức bảo: “Ở đây sống chung với sâu, làm cỏ bằng tay chứ không phun thuốc trừ sâu hóa học”. Quanh những thửa rau trên nông trại, một số sinh viên đang cặm cụi vun luống, xới đất và tự tay nhổ từng cây cỏ - một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những ruộng sau bên ngoài nông trại, nơi nông dân đang tích cực phun thuốc trừ sâu trên những luống rau của mình. “Rau hữu cơ là vậy, nó khác với rau an toàn và rau ngoài chợ, TS.Đức giải thích. Rau hữu cơ thực hiện hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp cân bằng sinh thái và thuốc thảo dược (loại thuốc do TS.Đức tự làm từ gừng, tỏi, ớt, lá cây xà cừ,... ủ rồi bón để tiêu diệt sâu - PV) chứ không sử dụng thuốc hóa học, phân bón hóa học”.

Không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào nên rau hữu cơ có thể ăn ngay tại vườn (trong ảnh TS.Đức đang ăn cà chua ngay tại vườn)

Nghiên cứu chuyên sâu về chất hữu cơ trong đất đã nhiều năm, từ lâu TS.Nguyễn Văn Đức đã mong muốn có một trang trại hữu cơ để vừa sản xuất vừa nghiên cứu và quan trọng nhất là có chỗ cho sinh viên thực hành, triển khai những ý tưởng của cả thầy và trò. Lý do thứ hai cho sự ra đời của nông trại Bạch Dương là “bây giờ thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, là người làm khoa học phải làm điều gì đó”, TS.Đức nói. Nghĩ là làm, sau khi về nước, TS.Đức đã thuê hơn 3,5ha đất ở phường Hương An (thị xã Hương Trà) để làm nông trại hữu cơ. Đây là vùng đất xám bạc màu vì thế TS.Đức đã phải mất nhiều công sức để cải tạo lại đất và xây dựng hệ thống vườn lưới, hệ thống nước tưới,... Đến nay, sau hơn một năm đầu tư công sức và tiền của, một trang trại khá bài bản đã thành hình với gần 6 sào lạc, 4 sào bắp, 2 sào cà chua, bầu bí, đậu, rau khoai, mùng tơi, xà lách, hoa phong lan,... “Chỉ riêng về các loại rau hữu cơ, mỗi ngày nông trại cho thu hoạch 20-30kg, chủ yếu xuất bán cho người quen đặt mua qua facebook (Nguyen Van Duc) và giáo viên trong Trường đại học Nông Lâm Huế”, TS.Đức nói.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ: www.ifoam.org) với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học; sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Trên nông trại hữu cơ Bạch Dương, TS.Đức và những sinh viên của mình ở khoa Nông học cũng đang thực hiện các mô hình nghiên cứu về cây như chọn tạo giống cây như đậu đen, đậu côve, hoa hướng dương, rau đay, bầu bí chịu hạn.

Nguyễn Thị Quý, sinh viên năm 4, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế chia sẻ. “Em đang làm đề tài tốt nghiệp Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân bón hữu cơ vi sinh lên cây cà chua trên đất xám bạc màu tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Thầy Đức là người hướng dẫn trực tiếp cho em ngay tại ruộng. Ngoài đề tài nghiên cứu này, em cũng tham gia trồng và chăm sóc các loại rau ăn lá, đậu, cà chua, lạc, bắp,... ở nông trại Bạch Dương để có thêm nhiều kinh nghiệm cho việc học tập. Việc được thực hành và triển khai đề tài nghiên cứu tại nông trại rất hữu ích cho sinh viên Nông lâm như em vì nếu không có nông trại của thầy, tụi em sẽ phải tự liên hệ nơi để làm hoặc đi thuê đất rất tốn kém mà lại không có người hướng dẫn trực tiếp. Cây có sống, chết hay bị bệnh thì không biết làm thế nào”.

“Hiện khu đất làm nông trại này là đất thuê, thời gian không được dài nên mình chưa thể đầu tư nhiều và bài bản. Mình đang làm thủ tục mua khu đất gần đây để có sự đầu tư lớn hơn và làm trang trại hữu cơ ổn định lâu dài. Mình cũng dự định trong thời gian tới sẽ mở một quầy thực phẩm hữu cơ tại Trường đại học Nông Lâm Huế nơi sẽ cung cấp đầy đủ không chỉ rau quả mà các các loại thịt (heo, gà,...) hữu cơ cho người dân”, TS.Đức cho hay.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông trại hữu cơ của anh Nghĩa

Anh Nguyễn Đăng Nghĩa là một trong những người đầu tiên ở Huế mạnh dạn đầu tư mô hình nông trại hữu cơ ở xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc.

Nông trại hữu cơ của anh Nghĩa
Return to top