ClockThứ Hai, 03/09/2018 08:12
GIÁO SƯ, BÁC SĨ ALAIN GARY-BOBO:

Nụ cười của bệnh nhân là niềm hạnh phúc của tôi

TTH - Hơn 20 năm trước, một chuyên gia y tế từ Đại học Montpelier, Cộng hoà Pháp đến Huế đã buốt nhói con tim khi chứng kiến bệnh nhân nghèo và tình trạng khan thiếu trang thiết bị ở Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW). Từ đó đến nay, ông thường xuyên về Huế san sẻ tình thương với bệnh nhân; đồng thời, hỗ trợ các phương tiện, máy móc, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhiều bác sĩ khu vực miền Trung. Ông là giáo sư, bác sĩ Alain Gary-Bobo.

Khám, tư vấn và điều trị phẫu thuật bệnh mắt miễn phí cho 2.000 bệnh nhânTrao cho em nụ cười364 trẻ được khám, cấp thuốc miễn phí điều trị các bệnh về mắt

Giáo sư, bác sĩ Alain Gary-Bobo

“Mệnh lệnh” từ trái tim

Qua giới thiệu của các bác sĩ ở Huế, mới đây tôi gặp ông tại Khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ (PTTH-TM), Trung tâm Điều trị theo yêu cầu Quốc tế (TTĐTTYCQT), BVTW Huế. Một người đàn ông lịch lãm, gương mặt đã nhuốm màu thời gian đang dò các bệnh án và chào tôi bằng nụ cười thân thiện. “Bạn cần thông tin gì ở tôi?”.  “Chỉ muốn biết vài thông tin của người phương xa đang dành những tình cảm cho Huế”. Tôi trả lời. Ông cười hiền, gần gũi.

Trước đây ở Đại học Montpelier, ông đã mến mộ, tâm giao với một người bạn đến từ BVTW  Huế sang nghiên cứu, đào tạo bác sĩ nội trú. Đó là giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế hiện nay. Hồi đó, qua GS Hiệp, ông khá rõ về Huế với những tên đất, tên làng, có nhiều hoàn cảnh bệnh tật do hậu quả của chiến tranh. Năm 1989, lần đầu tiên sang Việt Nam và khi đến thăm BVTW Huế, trái tim ông vương vấn với những hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo đang chờ phẫu thuật trong tình trạng thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị y tế.  Ông nói: “Thấy các đồng nghiệp điều trị bệnh tật lúc ấy với phương tiện máy móc lạc hậu mà thương vô cùng”.

Sau dịp đó, ông vận động người thân, bạn bè và dành dụm tiền lương cá nhân mua các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ cho BVTW Huế. Năm 2002, ông hỗ trợ một dàn máy phẫu thuật nội soi hiện đại mới xuất hiện trên thị trường Pháp. Lúc đó, GS Hiệp vừa tiếp cận lĩnh vực phẫu thuật nội soi ở nước ngoài về, ứng dụng thiết bị mới của ông đưa BVTW Huế trở thành địa chỉ có thương hiệu trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, điều trị những ca bệnh hiểm nghèo ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đó cũng là thời điểm tạo bước ngoặt lớn cho BVTW Huế từ việc phẫu thuật hở sang phẫu thuật nội soi thường quy, mỗi năm từ 500-600 ca, tăng gấp hàng chục lần so với trước.

Giáo sư, bác sĩ Alain Gary-Bobo (phải) trao đổi chuyên môn trước khi phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân tại BV Trung ương Huế

Dù ở xa hàng nghìn cây số nhưng nghe tin bệnh nhân tham gia phẫu thuật nội soi hàng năm tăng cao ở BVTW Huế, ông xúc động vô cùng. Từ đó, ông thường xuyên sắp xếp công việc để đến Huế cùng đồng nghiệp ở BVTW Huế trao đổi chuyên môn, hỗ trợ phương tiện dụng cụ máy móc ở khoa này, khoa kia, góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Nhớ lại chuyện cũ, ông nêu từng mốc thời gian có mặt ở Huế. Từ dạo đầu tiên đến năm 2015, ông có mặt ở Huế 7 lần. Mỗi lần đến là một hành trình lặng lẽ nhưng tạo dấu ấn khó quên cho đồng nghiệp và bệnh nhân đang điều trị. Rõ nhất trong chuyến thăm BVTW Huế năm 1998, ông tiến hành phẫu thuật tái tạo vú sau ung thư vú cho bệnh nhân và chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều bác sĩ tại Huế. Đây là kỹ thuật đầu tiên có mặt ở BVTW Huế. Từ đó tên tuổi ông gắn với lĩnh vực PTTH-TM tại Việt Nam. Điều làm ông vui mừng hơn là khi nghe thông tin những phụ nữ cách đây 20 năm được ông phẫu thuật, tái tạo vú tại BVTW Huế giờ sức khỏe vẫn tốt.

Đề cập đến chi phí mỗi dịp về Huế, ông lại cười, bảo chuyện đó chỉ đo đếm bằng lương tâm của một con người đang sống bên kia đại dương nhưng luôn nặng lòng với Huế.

Dành thời gian cho Huế

Trong buổi trò chuyện, tôi hiểu thêm về những người thân, bạn bè dù đã động viên, ủng hộ việc ông làm nhưng ai cũng lo bởi môi trường khí hậu, đến chuyện ăn uống đi lại sinh hoạt chưa phù hợp và những lúc đau ốm không người thân bên cạnh.

Song, vì tình yêu với Huế lớn hơn những điều nhỏ nhặt đó nên ông vượt qua tất cả. Vừa nghỉ hưu thì ông được nhận lời mời của GS Phạm Như Hiệp sang làm cố vấn chuyên môn kỹ thuật PTTH-TM tại TTĐTTYCQT, BVTW Huế. Không chỉ về phương diện tình cảm, tâm giao đồng nghiệp, mà những chuyến trở lại Huế của ông bắt đầu dày hơn có lẽ do duyên định. Gần đây, tại BVTW Huế, ông không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp mà còn tham gia lớp CME (đào tạo liên tục) kỹ thuật PTTH-TM vùng mặt, hàm cơ xương khớp... cho các học viên sau đại học khu vực miền Trung. Những lúc rỗi, ông lại tìm hiểu những hoàn cảnh mắc bệnh hiểm nghèo để hỗ trợ thuốc men, phương tiện cá nhân và động viên tinh thần giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Những ngày tháng 8 này, ông Gary-Bobo luôn giản dị với trang phục pijama xanh cùng với các đồng nghiệp ở TTĐTTYCQT triển khai chương trình tư vấn, PTTH-TM cho bệnh nhân. Bình quân, mỗi ngày không dưới 20 trường hợp; trong đó phẫu thuật 2-3 trường hợp do phương tiện, thiết bị dụng cụ ông mang từ Pháp sang để hỗ trợ, như đèn chiếu, dao mổ siêu âm không làm chảy máu...

Chia sẻ trước lúc vào phòng phẫu thuật, ông nói: “Nhiều người thiếu may mắn nên có gương mặt, hình hài không lành lặn do bệnh tật bẩm sinh hoặc ảnh hưởng chiến tranh. Chính điều ấy khiến tôi luôn trăn trở và hy vọng hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi sẽ giúp họ thoát khỏi mặc cảm vì bệnh tật để hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Với tôi, nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân chính là niềm hạnh phúc”.

TS.BS Lê Thừa Trung Hậu, Phó Giám đốc TTĐTTYCQT, BVTW Huế, Trưởng Khoa PTTH-TM chia sẻ: “Góp phần san sẻ yêu thương cùng đồng nghiệp và bệnh nhân nghèo ở BV Trung ương Huế không phải là điều dễ dàng đối với một GS.BS hàng đầu ở Pháp. Nếu ông Gary-Bobo không có trái tim lớn và tình yêu nghề, quý mến đồng nghiệp BVTW Huế sẽ khó làm được những công việc ý nghĩa như thế”.

Bài, ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1.000 người

Chiều 11/3, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Mắt của đơn vị sẽ tổ chức khám sàng lọc glôcôm cho gần 1.000 người. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn diễn ra từ 11 đến 17/3 nhân “Tuần lễ Glôcôm thế giới”. ​

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1 000 người
Return to top