ClockThứ Hai, 01/05/2017 12:39

Nụ cười đọng mãi...

TTH - Là trưởng nam trong nhà, theo truyền thống của người Việt, từ ngày ba tôi qua đời thì mọi việc liên quan đến lễ nghĩa của gia đình từ cưới xin, chạp giỗ, tang ma... tôi đều được "ưu tiên" cáng đáng. Thú thật, vừa việc xã hội, vừa việc nhà, đôi lúc có những việc trôi qua rồi mới nhớ. Trường hợp này thường rơi vào dịp kỵ giỗ của những người bà con hơi xa xa. Những lúc như thế, lại phải "chữa cháy" bằng trực tiếp đến thắp hương sau và xin lỗi, xin cảm thông... Rút kinh nghiệm, tôi lập hẳn một file "việc nhà" và "treo" ngay ở màn hình chính PC. Sáng bật máy, đầu tiên là vào liếc thử xem hôm ấy có "sự kiện" gì không, xong mới yên tâm bắt đầu một ngày làm việc mới.

 

Vậy nhưng trong những cái giỗ "xa xa" như vậy, có một cái giỗ của một người mà tôi gọi bằng ông lại hiếm khi khiến tôi quên. Đơn giản là bởi cái giỗ ấy  thường trùng với những ngày tháng Tư lịch sử, và còn bởi lẽ một trong những việc mà ông được thực hiện trước khi về với cõi vĩnh hằng cũng gắn với một sự kiện mang tầm vóc lịch sử của dân tộc: Cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc năm 1976.

Có lẽ, phải là những người thuộc lứa tuổi như ông - lứa tuổi đã có những ngày dài sống kiếp nô lệ, lứa tuổi đã phải gồng mình đi qua máu lửa 2 cuộc chiến  tranh dài đằng đẵng mới cảm nhận hết giá trị thiêng liêng của hòa bình, thống nhất và độc lập dân tộc. Trong ký ức của thằng con nít là tôi vẫn còn như in hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ vẫy cờ hò reo, nói cười, và cả khóc nữa trong những ngày lịch sử của năm 1975, khi bộ đội về giải phóng. Và rồi thấy ông đến chơi với nội tôi, cùng quây quần bên ấm trà còn có nhiều người đàn ông khác cùng trang lứa. Trong câu chuyện râm ran không dứt của họ, rất nhiều lần tôi nghe họ xác quyết, rằng hòa bình rồi, chỉ cần vậy thôi, cho dù có ăn muối cũng sướng! Đó không chỉ là lời nói suông, mà là những lời nói tận đáy lòng...

Sau giải phóng chừng một năm, do tuổi cao, ông lâm bệnh. Đến ngày Tổng tuyển cử 25/4/1976, dù đã rất yếu, nhưng ông vẫn bảo người nhà yêu cầu tổ bầu cử đưa thùng phiếu đến để ông được thực hiện quyền công dân. Đời ông có 2 lần bỏ phiếu ý nghĩa nhất. Lần thứ nhất ông được tham gia Tổng tuyển cử 6/1/1946, được làm người dân của một nước độc lập tự tay bỏ lá phiếu bầu Quốc hội cho đất nước mình. Lúc ấy ông ngoài 40 tuổi; và lần này được làm cử tri của một Việt Nam độc lập, hòa bình và thống nhất. Sau thực hiện quyền công dân ít hôm, ông thanh thản ra đi, trên môi như vẫn còn đọng nụ cười mãn nguyện.

Bốn mươi hai năm sau ngày hoàn toàn thống nhất, đất nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để bây giờ trở thành một Việt Nam có vị thế chững chạc trên trường quốc tế. Một Việt Nam đã không còn quá phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc mà còn đang vươn đến mục tiêu cao cả hơn, đó là văn minh, là giàu mạnh, là dân chủ và công bằng xã hội. Sáng nay ngày giỗ, dâng nén hương lên hương hồn ông, tôi thấy ông như cũng đang mỉm cười trong di ảnh...

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top