ClockThứ Sáu, 07/10/2016 07:25

Nữ sinh viên bị máy cuốn tróc da đầu

TTH - Trong lúc thực tập, không may bị ngã vào mô tơ máy sục khí đang hoạt động, em bị cuốn tróc toàn bộ da đầu, đứt lìa tai trái, phải trải qua rất nhiều lần phẫu thuật. Đó là câu chuyện thương tâm của em Lê Thị Kim Oanh (xóm Trại, Trà Lộc, Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị, sinh 1995, là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Nông lâm Huế).

Người mẹ khốn khó thất thần vì thương con trải qua các cuộc phẫu thuật đau đớn vừa lo không có tiền tiếp tục chữa trị cho con.

Tai nạn khủng khiếp

Khi nghe lời “cầu cứu” của một bạn đọc gọi đến đường dây nóng Báo Thừa Thiên Huế, sáng 29/9, chúng tôi tìm đến phòng 412, Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Trên giường bệnh, tay vẫn “lùng nhùng dây dợ” vì đang truyền thuốc kháng sinh, Oanh ngủ mê mệt. Những người nuôi bệnh và cả những bệnh nhân cùng phòng đều nói rất khẽ, giữ yên lặng cho Oanh ngủ. Ai cũng thương Oanh bởi đêm qua và nhiều đêm trước nữa cô ngồi thức trắng vì đau, vì sợ trầy những miếng da vừa được ghép. “Con bé mới thiếp đi được một chút thôi. Khi ngủ nó mới tạm quên đi cái đau”. Bệnh nhân cùng phòng chia sẻ.

Mẹ của Oanh như người mất hồn. Bà rầu rĩ kể, cách đây 7 tháng, con gái bà vào thực tập tại một công ty ở tỉnh Bạc Liêu. Mới trong ngày thực tập thứ hai thì xảy ra tai nạn, Oanh được đưa đến Bệnh viện Cần Thơ cấp cứu, chữa trị. Sợ bà lo lắng, khi báo tin thầy giáo của Oanh không dám nói hết sự thật. Lúc lặn lội từ quê nhà Quảng Trị vào bệnh viện, chứng kiến tình trạng của con bà rụng rời quỵ xuống.

Oanh thức giấc bởi cánh tay đang truyền thuốc đau nhức. Dù đã 7 tháng trôi qua, nhưng em vẫn biến sắc, rùng mình khi nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng: “Lúc trượt chân ngã vào mô tơ, bị cuốn từ bụng lên vai và đầu, em bất tỉnh. Em tỉnh lại trong cơn đau đớn tột cùng. Lúc đó da đầu em bị lóc hết phủ xuống mặt, chỉ còn trơ sọ, máu me be bét. Em rờ tay lên thì không thấy tai đâu. Khi nghe mọi người bảo “tai đứt rồi”, em sợ lắm, hoảng loạn lắm, nhưng trước khi được chở đi cấp cứu, em vẫn cố nhờ mọi người tìm, ướp chiếc tai đã đứt lìa vào đá lạnh, may ra ghép lại được”.

Oanh kể, khi đến bệnh viện, kiểm tra thương tích và tình trạng sức khỏe của em các bác sĩ tiên lượng nếu phẫu thuật ghép da toàn bộ vùng đầu bị lóc (ca phẫu thuật sẽ khoảng 13, 14 tiếng đồng hồ) bệnh nhân có cơ hội sống chỉ 10%. Cũng có thể bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sống thực vật. Oanh cũng không có người thân ký cam đoan nên bệnh viện quyết định không tiến hành phẫu thuật. Thầy giáo của Oanh phải hết sức năn nỉ, bệnh viện mới chấp nhận ghép da 1/3 vùng đầu bị lóc, 2/3 còn lại phải chờ có thịt sọ mới tiếp tục ghép da. Vậy là trải qua 7 giờ đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ Bệnh viện Cần Thơ hoàn thành ca phẫu thuật (lấy da đùi của chính bệnh nhân để ghép). Tai trái bị đứt rời cũng được ghép nối trong lần phẫu thuật này. Nhưng vì thời gian ướp đá lạnh quá lâu nên tai trái sau khi ghép chỉ “sống” được 70%. Việc tái tạo một phần tai trái và ghép da đầu cho Oanh được thực hiện trong bốn lần phẫu thuật tiếp theo, kéo dài trong 6 tháng.

Ngặt nghèo

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ, để em Oanh có cơ hội chữa trị, trở lại với cuộc sống bình thường. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Cáp Thị Thẩm (0165.601.5629) hoặc em Lê Thị Kim Oanh (0168.714.3291) hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế.

Bà Cáp Thị Thẩm (mẹ của Oanh) vừa đứt ruột đứt gan chứng kiến cảnh con đau đớn vô cùng sau mỗi đợt phẩu thuật, vừa rối như tơ vò lo vay mượn tiền. “Tui sống một mình làm ruộng, làm thuê. Đến năm 35 tuổi, tui quyết định “kiếm” con nuôi. Làm mẹ đơn thân tui càng vất vả hơn bội phần, nhưng bù lại tui hạnh phúc vì có con. Hôm đầu tiên nhìn thấy con sau tai nạn, suýt chút nữa thì tui ngất xỉu”. Bà Cáp lau nước mắt kể, 6 tháng Oanh nằm viện, phẫu thuật ở Bệnh viện Cần Thơ, mọi chi phí hết 100 triệu đồng. Cũng may, công ty nơi Oanh đến thực tập và thầy giáo, bạn bè hỗ trợ giúp đỡ 50 triệu đồng. Số chi phí còn lại bà phải nhờ vay mượn khắp nơi.     

Đã vậy, một số mảnh da ghép không “sống” được, đầu Oanh liên tục rỉ dịch vàng. “Thấy không ổn, tui bảo với Oanh đưa con ra Huế điều trị. Oanh lo ra Huế thì không còn sự hỗ trợ của công ty (nơi Oanh thực tập), một mình tui sao chịu nổi gánh nặng chi phí. Nhưng tui nói với con, miễn con được điều trị tốt, có phải đi xin mẹ cũng làm. Vậy là con tui đã nhập viện ở đây (Bệnh viện Đại học Y Dược Huế) 20 ngày nay. Các bác sĩ nói vết thương bị nhiễm trùng. Sau khi điều trị ổn định, con tui vừa được ghép lại da đầu. Việc điều trị còn dài lâu, cần nhiều tiền lắm. Bác sĩ còn cho biết, sau này sẽ thực hiện các “khâu” để tóc con tui mọc trở lại, nhưng không biết tui có lo nổi chi phí không” - bà Thẩm lo lắng ngậm ngùi.

Nhìn đứa con gái tội nghiệp đang phải chịu đau đớn khắp cơ thể (đầu đau đớn vì đầu mới ghép da, hàng ngày thay băng rớm máu, hai chân đau đớn vì vết thương “bóc” lấy da, những cánh tay đau đớn vì liên tục truyền kháng sinh), bà Thẩm lặng đi. Đã vậy, người mẹ nghèo còn chưa biết tính làm sao để có tiền tiếp tục chữa trị cho con.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Sinh viên Trường ĐH Nông lâm bán bánh, bán cam giúp bạn ghép thận

Sau hơn 4 ngày kêu gọi, nhóm sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế đã bán được hơn 3.000 cặp bánh gai và 4 tấn cam gây quỹ ủng hộ bạn cùng trường đang bị suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận. Chương trình vẫn đang được tiếp diễn và cần sự lan tỏa.

Sinh viên Trường ĐH Nông lâm bán bánh, bán cam giúp bạn ghép thận
Cựu chiến binh Vị Xuyên cần giúp đỡ

Nhiều năm trước, có lúc gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng do sức khoẻ, dịch bệnh cuộc mưu sinh của gia đình ông cứ dập dềnh trong nghèo khó.

Cựu chiến binh Vị Xuyên cần giúp đỡ
Cháu Vương Quỳnh Như cần giúp đỡ

Trong một lần về xã Phú Gia (Phú Vang), cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Phú cho biết, có trường hợp em Vương Quỳnh Như (sinh năm 2011), hiện đang học lớp 4/2 có hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.

Cháu Vương Quỳnh Như cần giúp đỡ
Quỹ Sen xanh: Xin giúp gia đình chị Trang vượt qua hoạn nạn

Vừa nuôi hai con gái trưởng thành, vừa thay cha mẹ chăm hai người anh trai năm nay đều đã ngoài năm mươi tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động từ nhỏ. Nhưng vợ chồng anh chị Nguyễn Ngọc Sở và Dương Thị Trang vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc vì các con ngoan hiền cho đến năm 2016, tai họa cứ liên tục ập đến với họ.

Quỹ Sen xanh Xin giúp gia đình chị Trang vượt qua hoạn nạn

TIN MỚI

Return to top