ClockThứ Hai, 01/02/2016 14:29

Nuôi bò ở Lộc Hòa

TTH - Từ việc nuôi tự phát của một số người dân, khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi bò theo kiểu gia trại đã phát triển rộng khắp ở xã vùng đồi Lộc Hòa (Phú Lộc).

Lên Lộc Hòa hôm nay, không khó để nhận ra đời sống ấm no qua những ngôi nhà tầng, nhà ngói khang trang, xen lẫn những vườn đồi, vườn rừng xanh mướt. Khi hỏi về các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, ông Nguyễn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa giới thiệu: “Dân địa phương đang nuôi bò hiệu quả lắm”.

Tạo nguồn thu ổn định

Ông Nguyễn Long, thôn 5 kể, năm 2005, gia đình không có vốn mua giống nên chỉ nuôi rẽ với người thân (do một người đầu tư vốn mua bò, ông Long bỏ công chăm sóc, lãi chia đôi). Do vườn rộng, có đồng cỏ nên từ hai con, sau một năm, số bò đã nhân đôi. Giống bò cỏ ít bị bệnh nên tỷ lệ hao hụt dường như là số không. Đến năm 2010, đàn bò của ông Long nhân lên hơn 10 con vừa bé, vừa lớn, cáp giá thị trường lúc đó hơn 150 triệu đồng, tính ra mỗi năm, ông Long có không dưới 10 triệu đồng. Nói đến việc nuôi bò, ông Long rất hứng thú và cho rằng, ở Lộc Hòa chưa có mô hình chăn nuôi nào hiệu quả hơn nuôi bò. Hiện, ông Long vừa chăm vườn rừng, vườn đồi vừa kết hợp nuôi bò. Cuối 2015, ông Long tậu riêng 3 con bò giống giá 45 triệu đồng. Ông Long cởi mở: “Chỉ cần lấy công làm lãi, nuôi 3 con năm sau sẽ lấy thêm 3 con. Mỗi con bò giống chừng 2-3 tháng tuổi bán 15-20 triệu đồng, khỏe hơn trồng rừng keo, tràm”.

Ông Lê Đình, thôn 3, cũng là hộ gia đình nuôi bò đàn ở Lộc Hòa hiệu quả. Khoảng năm 2000, tích gom nguồn vốn, ông Đình mua đôi bò con nhằm đa dạng hóa vật nuôi trong gia đình. Cách nuôi bò với ông Đình rất đơn giản. Theo mùa vụ và thời tiết, rỗi rãi là ông chăn thả bò đến các khe suối, triền dốc. Lúc bận, ông nhốt tại chuồng, lấy nguồn cỏ từ vườn đồi về và phụ thêm rơm. Hàng năm số bò tăng dần theo cấp số cộng. Bốn năm nay, ông bán 6 con bê, theo giá hôm nay thì 20 triệu đồng/con. Hiện tại còn 6 con mẹ; trong đó có 3 con đang chửa, sẽ sinh vào tháng 3 tới. Theo lời ông Đình, sau khi số bò mẹ sinh con, ông dự tính mua một đôi bò lai, giá khoảng 40 triệu đồng để nâng chất lượng đàn bò của gia đình. “Nuôi bò sướng nhất là đầu ra. Bò thường hay bò lai đẻ ra nếu cần tiền, hô là có người đến mua ngay”- ông Đình hồ hởi. 

Hiện nay, ngoài cách nuôi thuần túy “nuôi con bán mẹ, nuôi mẹ bán con”, ở Lộc Hòa đã có nhiều gia đình nắm bắt cơ hội đã nuôi bò vỗ béo; điển hình là ông Nguyễn Thanh Bình thôn 1. Phương thức nuôi của ông Bình, ngoài gia trại, ông thường lùng mua bò gầy, bò thả của người dân về vỗ béo khoảng 2-3 tháng là bán lại cho các lò mổ ở Huế. Với hình thức này, ở vùng đồi Lộc Hòa đã có nhiều người gọi đùa ông Bình là: “Mua xương bán thịt”...

Nâng chất lượng đàn bò

Theo ông Đào Công Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, do điều kiện địa hình thuận lợi có khe suối, vườn đồi, vườn rừng nên nhiều bà con rất “mê” mô hình nuôi bò và dần phát triển khắp xã. Thống kê hiện nay ở Lộc Hòa có gần 900 con bò, riêng trong năm vừa qua tăng thêm 400 con. Đây là hướng phát triển, tạo nguồn thu ổn định của người dân.

Ông Quy báo tin vui, cuối năm 2015, Lộc Hòa mạnh dạn tiếp cận chương trình nâng chất lượng đàn bò do huyện Phú Lộc triển khai giai đoạn 2015-2018. Theo chương trình bà con được vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, giống cỏ, thức ăn cho bò. Ngoài ra, được cán bộ chuyên ngành chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phối giống khi bò đến giai đoạn sinh nở... Hiện nay đã có 15 hộ tham gia nuôi 33 con bò lai, với kinh phí hơn 650 triệu đồng, bình quân mỗi con 20-25 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Đào, thôn 2, người tham gia chương trình bò lai ở Lộc Hòa cho biết: “Việc cải tạo nâng chất lượng đàn bò tôi đã mong từ lâu. Trước đây có vài hộ trong khu vực đã nuôi thử nghiệm, bò lai chóng lớn, mắn đẻ nên tôi vay vốn ngân hàng nuôi hai con. Hy vọng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ thú y huyện và kinh nghiệm chăn nuôi của mình, chắc rằng nuôi bò lai phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa nói, việc phát triển đàn bò ở địa phương không chỉ mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định mà chính riêng nguồn phân của bò đã góp phần tăng năng suất cho cây lương thực và các loại rau màu ở địa phương. Nâng chất lượng đàn bò lai, là mục tiêu đang hướng đến của Lộc Hòa. Đây là một hướng đi không khó, bởi ngoài lợi thế địa hình cùng kinh nghiệm của người dân địa phương, còn có sự hỗ trợ tích cực của cán bộ thú y trong việc chuyển giao kỹ thuật từ chọn giống, chăm sóc, vỗ béo đến  vệ sinh chuồng trại...

Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò

Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền) là một trong số đó.

Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò
Phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới

Những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong sang chuồng trại...

Phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới
Từ vụ tai nạn giao thông liên quan đến bò

Đây là vụ án đau xót, cảnh tỉnh cho những người thả rông (hoặc không quản lý) vật nuôi trên đường, gây nên những vụ tai nạn thương tâm, hệ lụy khôn lường…

Từ vụ tai nạn giao thông liên quan đến bò
Măng cụt, sầu riêng Lộc Hòa

Sau nhiều năm chờ đợi, măng cụt đã được minh chứng là phù hợp với vùng đất Lộc Hòa (Phú Lộc), và vui hơn khi loại quả đặc sản Nam bộ “made in Lộc Hòa” lúc nào cũng không đủ để bán.

Măng cụt, sầu riêng Lộc Hòa
Return to top