ClockThứ Năm, 16/02/2017 14:07

Nuôi cá lóc tự phát - Hậu quả nhãn tiền

TTH - Nuôi cá lóc trong bể xi măng từng mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên năm nay, giá cá lóc giảm, thương lái chỉ mua số lượng ít, thậm chí không mua khiến nhiều bể cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán.

Giá giảm mạnh

Với nhiều ưu điểm: không cần diện tích lớn, có thể tận dụng diện tích đất vườn để xây dựng bể nuôi, thức ăn chủ yếu là cá tạp tươi; giá không thấp hơn nhiều so với cá lóc tự nhiên, mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng được người dân các địa phương trong tỉnh tập trung đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này hoàn toàn tự phát, không có quy hoạch. Cùng với đó, lượng cá từ các tỉnh phía nam nhập về khá lớn khiến giá cá lóc thương phẩm giảm mạnh nên đầu ra khó khăn.

Ông Hoàng Hùng, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cho biết: Năm trước, cá lóc thương phẩm ở mức 75 ngàn đến 80 ngàn đồng/kg. Với 5 bể nuôi cá, sau 7 tháng nuôi, mỗi năm cho ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ trước thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, giá cá lóc liên tục giảm, hiện chỉ còn 50 ngàn đến 60 ngàn đồng/kg. Mọi năm, thời điểm này các hồ nuôi cá lóc phục vụ tết đã bán hết nhưng hiện nay gia đình ông vẫn còn 4 hồ với hơn 10.000 con.

Chỉ nuôi 1 hồ với diện tích chừng 50m2, mọi năm gia đình chị Phạm Thị Vân ở Quảng Điền thu lãi được gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, cá phát triển chậm, trọng lượng không đạt như mọi năm, giá giảm, thương lái không thu mua. Chi phí thức ăn tươi trong năm khá cao, trung bình mỗi ngày gia đình phải bỏ ra gần 200 ngàn đồng chi phí thức ăn nên hồ cá gia đình chị có khả năng lỗ.  Đầu ra chật vật, hàng ngày, chị Vân tự thu cá rồi đưa đi các chợ bán, mỗi ngày chừng 15 đến 20 kg.

Theo thương lái, giá cá lóc bắt đầu giảm mạnh từ tháng 12/2016. Không chỉ cá lóc nuôi mà ngay cả cá lóc đồng cũng có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do cá lóc từ các tỉnh phía nam nhập về ồ ạt, giá chỉ dao động 40-45 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá cá lóc thương phẩm trong tỉnh từ 10-15 ngàn đồng/kg.

Thiếu kỹ thuật, ảnh hưởng xấu đến môi trường

Do phát triển tự phát, các hộ nuôi còn gặp khó trong phòng và chống bệnh cho cá. Anh Hoàng Mạnh Linh, một người nuôi cá lóc tại xã Điền Hải, huyện Phong Điền cho biết, cá lóc nuôi thường xảy ra dịch bệnh, nhiều nhất là bệnh ghẻ, làm hao hụt sản lượng từ 30-50 % đàn. Anh Linh mong cơ quan liên quan có hướng hỗ trợ thông tin hoặc tổ chức các lớp tập huấn về nuôi cá lóc cũng như giới thiệu các đối tượng nuôi mới cho người dân trong vùng. 

Từng định hướng nhân rộng mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, xã Quảng Công hiện đang loay hoay với việc quy hoạch. Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công chia sẻ: Trên địa bàn có 4 hộ phát triển mô hình với trên 8 bể nuôi cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nhân rộng mô hình này cần đánh giá lại nhiều mặt. Trong đó, công tác xử lý nước thải nuôi cá chưa được đầu tư làm ảnh hưởng đến môi trường, xã đã  tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của cử tri về vấn  đề này. Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chỉ cung ứng cho thị trường nội tỉnh, giá cả rất bấp bênh. Chính quyền địa phương đang tập trung vận động các hộ nuôi tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, tiến tới quy hoạch vùng nuôi tập trung, hướng người dân phát triển đa dạng nhiều chủng loại thủy sản nhằm giảm bớt áp lực về đầu ra.

Trước đó, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền từng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, tác động xấu đến môi trường, nguy cơ dịch bệnh cho cá. Việc nuôi cá lóc tự phát còn tiềm ẩn rủi ro về thị trường, do loại thủy sản này hiện chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh nên mở rộng diện tích sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp.

Theo lãnh đạo ngành thủy sản tỉnh, việc người dân nuôi tự phát rất khó kiểm soát. Để hạn chế tình trạng mất giá, người nuôi cần chủ động trong khâu tiếp cận thị trường cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong xử lý nguồn nước. Các địa phương cần định hướng cụ thể cho từng mô hình nhằm giảm bớt áp lực về sản lượng trong cùng một thời điểm khiến thị trường tiêu thụ khó khăn.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa tết – một góc nhìn

Cứ tầm 28 đến 30 tháng Chạp lại rộ lên chuyện hoa tết ế ẩm, chuyện chủ hàng treo biển “đại hạ giá, “xả hàng”, rồi tiếp đó, là chuyện “đập chậu, bỏ hoa”… Nhưng ế ẩm, lời - lỗ thế nào, chỉ người bán mới rõ nhất

Hoa tết – một góc nhìn
Anh trưởng thôn mê nuôi cá

Tự học hỏi, tìm tòi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp, đến nay anh Hồ Văn Phúc (Hồng Thái, A Lưới) đang sở hữu 12 lồng cá. Bình quân mỗi năm, nghề này mang lại lợi nhuận cho anh khoảng 150-200 triệu đồng.

Anh trưởng thôn mê nuôi cá
Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa

Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa không còn là chuyện lạ, nhưng nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa mang lại hiệu quả là chuyện mới đối với người dân.

Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa
Nuôi cá phục vụ du lịch ở A Lưới

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai thành công mô hình phát triển nuôi thủy sản ở miền núi A Lưới gắn với du lịch sinh thái, với các loại cá rô đầu vuông, cá koi và ếch.

Nuôi cá phục vụ du lịch ở A Lưới
Return to top