ClockThứ Ba, 15/01/2019 06:00

Nuôi cá xen ghép vùng nước lợ

TTH - Được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thí điểm thành công, mô hình nuôi cá trắm xen ghép rô phi của ông Nguyễn Chuân ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) mang lại hiệu quả kinh tế. Mỗi lồng cá cho lãi từ 15-20 triệu đồng/năm.

Nuôi xen ghép cá dìa, thu nhập hàng trăm triệu đồngNuôi cá xen ghép bằng lồng của Đan Mạch mang lại hiệu quảLo xa kiểu xen ghép

Môi trường vùng đầm phá tại khu vực xã Quảng Thái cũng như Điền Hòa (Phong Điền) rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng xen ghép rô phi. Cá phát triển nhanh, nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng rong tảo trên vùng đầm phá nên hạn chế tối đa chi phí đầu tư. Phương thức nuôi tương đối dễ, các biện pháp chăm sóc, cho ăn, phòng trừ dịch bệnh cơ bản giống với các mô hình nuôi thông thường.

Người dân Quảng Thái nuôi cá lồng trên đầm phá

Một chủ hộ khác tham gia mô hình là ông Trần Thiện ở cùng xã cũng khẳng định, kỹ thuật nuôi cá trắm xen ghép cá rô phi bằng lồng trên vùng nước lợ hoàn toàn nằm trong khả năng của người dân. Điều mà bà con trăn trở là nguồn rong trên vùng đầm phá đang ngày càng cạn kiệt, một phần do khai thác quá mức để làm nguồn thức ăn cho cá, một mặt biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường làm cho nguồn rong suy kiệt. Mưa bão diễn biến bất thường, gây thiệt hại cũng khiến người nuôi cá lồng lo lắng. Một trong những băn khoăn, trở ngại mà lâu nay người nuôi cá lồng thường gặp phải là tình trạng lái buôn ép giá khi được mùa, song đành phải bán để có tiền tái đầu tư, một phần do thiếu nguồn thức ăn nên không thể tiếp tục nuôi chờ tăng giá.

Theo ông Trần Thiện, nguồn giống cá trắm cỏ và rô phi lâu nay chủ yếu mua ở các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, thậm chí các tỉnh khác. Người dân chưa thể tự sản xuất, ương dưỡng tại chỗ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng con giống khi phải vận chuyển đường xa. Vì vậy tỷ lệ sống sau khi thả giống không cao, thường đạt từ 70-75% nên năng suất, sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng. “Các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, hỗ trợ, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ương giống tại chỗ cho người dân nhằm nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng xen ghép trên vùng đầm phá nước lợ”, ông Thiện kiến nghị.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Lê Ngọc Bảo đánh giá, mô hình nuôi cá trắm xen ghép rô phi phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đầm phá tại địa phương; bước đầu đã có hàng chục hộ trên địa bàn đang phát triển, nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả. Định hướng của xã thời gian đến sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát huy, khai thác tiềm năng để nuôi cá lồng xen ghép. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang khảo sát, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân nguồn rong suy kiệt để có biện pháp xử lý, tái tạo nguồn thức ăn cho thủy sản, đồng thời bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, hầu hết các vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thích hợp với việc phát triển nuôi các đối tượng nước lợ. Riêng vùng đầm phá khu vực cửa Lác thuộc các xã Quảng Thái, Điền Hòa có độ mặn thường xuyên thấp dưới 10‰, những năm gần đây còn thấp dưới 5‰, thích hợp để phát triển các loài cá nước ngọt với hình thức nuôi lồng cố định, trong đó có cá trắm cỏ và rô phi.

Tại các khu vực có nguồn rong tự nhiên phong phú, tạo nguồn thức ăn, thuận lợi để phục vụ cho việc nuôi cá trắm cỏ. Việc phát triển nuôi cá trắm cỏ sẽ giúp người dân có thêm sinh kế, giảm việc sử dụng các biện pháp khai thác hủy diệt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, khi phát triển nuôi cá trắm cỏ thì lượng phân thải, cũng như thức ăn dư thừa khá lớn nên để hạn chế chất thải trong quá trình nuôi, cần thiết phải thả ghép thêm cá rô, vì đây là đối tượng sử dụng mùn bã hữu cơ làm thức ăn.

Ông Phi khuyến cáo, để giúp việc nuôi ghép cá trắm cỏ và rô phi bằng lồng thành công, người dân cần đặt lồng nuôi ở những nơi có nguồn nước thông thoáng, sạch sẽ, không bị nhiễm phèn, không chịu ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp... Cá giống được chọn thả nuôi phải đồng đều kích cỡ, khoẻ mạnh, không xây xát, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn; giống phải được ương tại vùng đầm phá, đảm bảo dễ thích nghi với điều kiện môi trường vùng nuôi, ít bị xây xát do vận chuyển xa nên tỷ lệ sống sẽ cao hơn...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh trưởng thôn mê nuôi cá

Tự học hỏi, tìm tòi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp, đến nay anh Hồ Văn Phúc (Hồng Thái, A Lưới) đang sở hữu 12 lồng cá. Bình quân mỗi năm, nghề này mang lại lợi nhuận cho anh khoảng 150-200 triệu đồng.

Anh trưởng thôn mê nuôi cá
Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa

Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa không còn là chuyện lạ, nhưng nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa mang lại hiệu quả là chuyện mới đối với người dân.

Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa
Hướng mở từ cây dược liệu trên vùng đất khó

Tận dụng vùng đất hoang hóa, đất rú cát, nhiều hộ dân ở Quảng Điền đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Đây thực sự là hướng đi có triển vọng để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hướng mở từ cây dược liệu trên vùng đất khó
Phải có dấu ấn liên kết vùng

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng.

Phải có dấu ấn liên kết vùng
Return to top