ClockThứ Sáu, 25/09/2015 13:57

Ồ ạt thu gom quả mây bán cho thương lái

TTH - Thời gian gần đây, do quả mây rừng được giá, người dân ở huyện Nam Đông đã đổ xô lên rừng hái về bán cho các chủ đầu nậu để xuất sang Trung Quốc. Đây là sự mua bán “bất thường”, làm suy kiệt nguồn giống bản địa…

Một ngày, hộ gia đình chị Tùng thu mua khoảng 3 tạ quả mây của các hộ dân

Cạn kiệt nguồn giống

Từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều thương lái ở Nghệ An, Hải Phòng liên hệ trực tiếp với các chủ đầu nậu thu gom tại xã Hương Lộc, thị trấn Khe Tre (Nam Đông), để thu mua quả mây rừng với giá trên dưới 100 nghìn/kg (tùy loại). Các thương lái nhập quả mây mang ra các tỉnh phía Bắc để bán sang Trung Quốc.

Ông Hoàng Vinh, một hộ dân ở thôn 2 (xã Hương Lộc) cho biết: “Những năm trước quả mây chủ yếu được hái về ươm cây giống ở địa phương nên chỉ cần vào rừng là có. Thời gian gần đây, các chủ thu mua với giá cao nên bà con tận dụng vào rừng tìm quả mây. Nhiều người hái nên quả mây ngày một hiếm, phải vào các khu vực như Khe Tường thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã mới có.”

Vừa nói, ông Vinh dẫn chúng tôi về nhà xem 3 kg quả mây vừa mới hái từ rừng về hôm trước. Với số quả này, mang tới đầu nậu ông Vinh cũng kiếm được trên 300 nghìn đồng, thu nhập cao hơn đi khai thác các lâm thổ sản khác. “Thời gian đầu họ thu mua quả mây già, hạt chắc, bây giờ mây còn xanh non họ cũng thu mua. Trước đây, bà con mua về bỏ giữa đường cho xe cán lấy hạt. Bây giờ nghe đâu đưa ra Bắc đã có máy “đánh” quả cho tơi ra” - ông Vinh cho biết thêm.

Người dân Hương Lộc nhập quả mây rừng cho các đầu nậu

Mỗi chuyến đi rừng của các hộ dân tìm quả mây thường một đến hai ngày, kiếm được bình quân từ 5 - 10 kg. May mắn hơn, như hộ ông Trường Đình Đạo (thôn 3, xã Hương Lộc), chỉ sau một chuyến đi rừng đã kiếm được 25 kg. Vừa về đến nhà, ông đã mang mây đến “bán tươi” cho nhóm đầu nậu có tên Tùng, Thủy ở thôn 1 cùng xã. Ông Đạo thổ lộ: “Không biết thương lái thu mua quả mây làm gì, mang đi đâu. Thấy họ có nhu cầu thu gom, thậm chí vào tận cửa rừng mà giành nhau nên mấy người trong gia đình tui cũng lên rừng kiếm quả mây. Ngày may mắn có khi kiếm được vài triệu đồng.”

Vừa gom, vừa bán, vừa lo

Tiếp xúc với các đầu nậu thu gom quả mây ở Hương Lộc, thị trấn Khe Tre, mới biết những hộ dân này cũng mang tâm lý lo lắng, khi biết thu gom quả mây bán cho thương lái ở phía Bắc để đưa sang Trung Quốc. Hiện có 5 cơ sở thu gom mây ở Hương Lộc và thị trấn Khe Tre. Chị Tùng (thôn 1 xã Hương Lộc), đầu nậu thu mua lớn nhất ở địa phương này cho biết, các thương lái Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng đặt mua quả mây rừng rộ lên từ năm ngoái, nhưng chưa bao giờ giá cao như thời điểm này. Một ngày nhà chị Tùng thu gom được khoảng 3 tạ, chủ yếu người dân trong xã và một số vùng lân cận mang tới bán. Trước đây, mua mây già, quả chắc, bây giờ mây xanh non vẫn nhập được. Quả mây nghe đâu đưa sang Trung Quốc để làm trang sức. Một số thương lái đến mua quả mây vẫn thấy đeo đồ trang sức từ loại quả này.

Theo tìm hiểu, hộ chị Tùng thu gom quả mây bán cho một thương lái có tên Hùng ở Hà Nội. Có hôm ông Hùng phải ngủ tại sân nhà các đầu nậu để “canh cửa” không cho các hộ này bán cho các thương lái khác. Quả mây ở Nam Đông được thu gom đưa đi theo hai đường: Một mang về tập kết tại ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc); hoặc các đầu nậu gửi theo những chuyến xe ra vùng Nghệ An ở đó có thương lái trung chuyển ra Bắc để xuất sang Trung Quốc.

“Thu mua quả mây rừng giá cao như hiện nay đang tiềm ẩn sự mua bán bất thường. Việc khai thác ồ ạt quả mây rừng không bán cho các chủ vườn ươm tại địa phương để bảo tồn nguồn giống, cũng làm suy giảm nguồn giống bản địa.”- Tiến sĩ, Nhà nông học Lê Tiến Dũng, nói.

Chị Tùng thổ lộ: “Mình vừa thu mua, vừa bán nhưng “cân đối” hàng vì sợ bị ứ đọng. Bữa đầu vụ mình mua của bà con 130.000 đồng/kg, bán cho thương lái 150.000 đồng/kg. Thời gian sau thương lái không mua nữa, làm mình lỗ mười mấy triệu. Đến nay hàng “ăn” lại, giá đã nhích lên nhưng nói chung buôn bán mặt hàng chi xuất sang Trung Quốc mình cũng phải cẩn thận hết.”

Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông cho rằng: “Theo quy định, việc khai thác lâm sản đều phải có giấy phép. Tuy nhiên, cây mây là cây lâm sản phụ ngoài gỗ, việc người dân khai thác quả, chỉ tận thu, không chặt cây nên cơ bản tính chất của nó không phải là phá rừng.”

Ông Trai cũng chia sẻ thêm, các đầu nậu thu gom quả mây nên thận trọng, bởi trước đây, việc mua bán với thương lái Trung Quốc đã có nhiều bài học. Bà con Nam Đông và Hương Thủy đã từng khai thác mây đốt (từng đốt dài từ 3-5 m) và hạt sầu đông, nhiều đầu nậu cũng “ôm nợ” khi phía thương lái Trung Quốc không mua nữa.”

Ông Võ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đông cho biết: “Hiện việc đầu nậu thu gom quả mây rừng, phía phòng chưa nắm rõ thông tin. Sắp đến sẽ cho kiểm tra để làm rõ.”

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Return to top