ClockThứ Năm, 24/03/2016 05:11

Ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương: Bức xúc kéo dài

TTH - Một số doanh nghiệp, nhà máy tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương (Hương Thủy) gây ô nhiễm môi trường, nhưng chậm khắc phục hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực… Sự việc này khiến người dân nơi đây hết sức bức xúc.

Bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Bà Nguyễn Thị Phượng, trú tại 61 Giáp Hải, thuộc tổ 9 (tổ cũ 11), phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy bức xúc, từ khi hình thành Cụm Công nghiệp Thủy Phương và các doanh nghiệp, nhà máy đi vào hoạt động thì khí thải, nước thải ở khu vực này trở nên ô nhiễm nặng nề. Từng cột khói đen sì của các nhà máy xả thẳng lên bầu trời. Phía dưới, nước thải của các nhà máy làm cho các con suối trở thành một màu nâu đỏ.  Mùi tanh nồng, hôi thối từ đây xộc thẳng vào nhà dân, nhất là khi có gió thổi về khu dân cư. Trước đây, gia đình bà có nuôi cá ở khu vực tổ 12 (cũ), nhưng vì ô nhiễm, cá chết hàng loạt nên bà phải bỏ nuôi cá, chuyển sang nghề khác. Nước giếng người dân không thể dùng được nữa, vì tắm bị ghẻ lở, mẩn ngứa đầy người. Theo ghi nhận, phần lớn ô nhiễm là do nước thải, khí thải từ các nhà máy sản xuất nhựa và giấy. Các nhà máy này hoạt động hết công suất từ 6h sáng đến 22h trong ngày. Nước thải ra khu vực Miệu Cơn Ràng, theo các khe đổ về suối cầu Đôi, khiến con suối này ô nhiễm nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Gạo, Tổ trưởng tổ 9 (tổ cũ là 10 và 11) cho biết, về vấn đề ô nhiễm môi trường do sự xả thải của các doanh nghiệp, nhà máy, người dân đã nhiều lần phản ánh ở các cuộc tiếp xúc cử tri. Đã có nhiều cuộc thanh, kiểm tra của các ngành chức năng, nhưng tình hình không được cải thiện, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn. Dẫn chúng tôi ra suối cầu Đôi, ông Gạo khẳng định: Trước đây con suối này sâu hơn 1m, nước trong xanh và có nhiều cá, lũ trẻ có thể tắm, người dân có thể giặt rửa, nhưng nay thì rác thải đã bao trùm cả con suối, chẳng ai dám bén mảng tới.

Ô nhiễm môi trường ở suối Cầu Đôi do nước thải một số công ty, nhà máy ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương gây ra

Ông Trương Văn Công, Chủ tịch UBND phường Thủy Phương xác nhận: “Trong quá trình hoạt động, sản xuất trên địa bàn phường, có 5 doanh nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân. Theo đó, khí thải của các nhà máy làm ô nhiễm môi trường không khí, nước thải làm ô nhiễm môi trường các khe và con suối nhỏ trên địa bàn như: cầu Đôi, cầu Đen cho đến cả hồ Châu Sơn. Nhiều lần UBND phường phối hợp với các đơn vị chức năng của thị xã Hương Thủy, của tỉnh kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, việc khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở này chưa được nhiều. Hiện nay, phường đang tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng của thị xã, tỉnh đầu tư thêm kết cấu hạ tầng của cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp xử lý được rác thải, nước thải; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Cần có giải pháp quyết liệt

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kết luận có 4 cở sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Thủy Phương gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo kết luận, Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý xả nước thải có các thông số màu vượt 26,9 lần, BOD5 vượt 18,5 lần, TSS vượt 10,9 lần, COD vượt 9,8 lần, sắt vượt 2,8 lần; thải khí CO vượt 1,8 lần. Công ty TNHH Hà Xuyên (sản xuất và tái chế giấy) xả nước thải có các thông số COD vượt 1,7 lần, màu vượt 14,5 lần; thải khí có thông số H2S vượt 1,9 lần; không xây lắp công trình xử lý khí thải như cam kết. Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thùy Dương xả nước thải có các thông số BOD vượt 15,1 lần, COD vượt 17 lần, TSS vượt 8,9 lần, sắt vượt 1,8 lần, Amoni vượt 4 lần, Tổng N vượt 3,4 lần, màu vượt 39,6 lần. Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thế Phương xả nước có các thông số màu vượt 9,1 lần, BOD5 vượt 4,7 lần, COD vượt 4 lần, TSS vượt 4,3 lần; xây lắp không đúng công trình xử lý nước thải.

Từ kết luật của Thanh tra Sở TN&MT, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý trên 120 triệu đồng, Công ty TNHH Hà Xuyên trên 114 triệu đồng, Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thùy Dương trên 92 triệu đồng. Thanh tra Sở TN&MT ra quyết định xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thế Phương là 57 triệu đồng. Ngoài ra, các quyết định trên cũng buộc các công ty, doanh nghiệp này phải trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường; đồng thời yêu cầu các đơn vị này khắc phục hậu quả trong vòng 30 ngày. Tuy vậy vấn đề ô nhiễm vẫn cứ tiếp tục kéo dài đến nay.

Ông Phan Bồng, Phó Trưởng Phòng TN&MT thị xã Hương Thủy cho biết, kể từ khi có quyết định xử phạt của UBND tỉnh, Phòng TN&MT thị xã đã tái kiểm tra 2 lần các đơn vị gây ô nhiễm, có đơn vị đến lần thứ 3. Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất các loại giấy Như Ý đã chấp hành quyết định xử phạt; đồng thời, đầu tư xây dựng lò hơi công nghệ mới với kinh phí hơn 1 tỷ đồng để thay thế hệ thống cũ. Qua đó, giảm thiểu được khí thải, bụi thải, giảm được ô nhiễm môi trường. 3 đơn vị còn lại chưa chấp hành quyết định xử phạt của UBND tỉnh. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thùy Dương đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thế Phương đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Riêng Công ty TNHH Hà Xuyên chưa có chuyển biến gì sau khi có quyết định xử phạt của UBND tỉnh. Hiện nay, UBND thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo Phòng TN&MT thị xã tiếp tục theo dõi việc khắc phục hậu quả gây ô nhiễm và thúc đẩy việc thực hiện xử phạt của các công ty, doanh nghiệp. Riêng Công ty TNHH Hà Xuyên, đề nghị Thanh tra Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt bổ sung, thậm chí rút giấy phép sản xuất kinh doanh.

Ông Bồng cho biết thêm, ngoài 4 đơn vị trong Cụm công nghiệp Thủy Phương gây ô nhiễm môi trường đã bị tỉnh ra quyết định xử phạt, còn có 2 đơn vị là Xí nghiệp xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế và Cơ sở tái chế Nhựa Phạm Văn Việt (hộ cá thể) gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa khắc phục. Hiện nay, Phòng đang lập báo cáo trình UBND thị xã Hương Thủy, UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.

Theo Quyết định số 4076/QĐ-UBND ngày 1/12/2005 của UBND tỉnh, Cụm Tiểu thủ công nghiệp-Làng nghề (TTCN-LN)Thủy Phương được phê duyệt với quy mô 134 ha. Tại Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 13/1/2014 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 đến 2020, Cụm TTCN-LN Thủy Phương được đổi tên thành Cụm công nghiệp Thủy Phương với quy mô 74,8ha. Đến nay, đã có 23 doanh nghiệp, nhà máy đi vào hoạt động. 6 doanh nghiệp đã có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh và đang đầu tư xây dựng nhà xưởng. 3 doanh nghiệp đang thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. 12 doanh nghiệp đang lập thủ tục bồi thường đất theo quy định.

Bài và ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài

Ngày 9/12, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV đầu tư & phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN Phú Bài - TX. Hương Thủy) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài
Hệ lụy của thời trang nhanh

Thuật ngữ “thời trang nhanh” hay thời trang “mì ăn liền” dùng để chỉ những loại hàng may mặc giá rẻ, sản xuất hàng loạt và nhanh chóng để bắt kịp các xu hướng thời trang mới nhất. Ngày càng có nhiều bạn trẻ sử dụng thời trang nhanh đã gây nên một sức ép lớn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy của thời trang nhanh
Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút

Tuyên truyền vận động là cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với chế tài thích đáng, nghiêm túc thì có lẽ vấn nạn rác thải nơi các ngôi chợ sẽ... “muôn đời vẫn thế”.

Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút
Nhựa dùng một lần trở thành mối đe dọa lớn

Những chiếc túi nhựa, hộp xốp, chai nước… (gọi chung là đồ nhựa dùng một lần) là những vật dụng mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày bởi sự tiện dụng và giá thành rẻ. Tuy vậy, chúng lại tiềm ẩn mối đe dọa đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

Nhựa dùng một lần trở thành mối đe dọa lớn
Chống nắng, chống luôn san hô

Dặm một chút son, trước đó là một lớp kem chống nắng mỏng để ra đường – đó là cách mà tôi thường dùng mỗi ngày. Thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là người đơn giản và bằng cách này, có lẽ cũng thuộc dạng thân thiện với môi trường. Vài năm trở lại, đó cũng là hai thứ mà tôi luôn mang theo trong túi xách của mình mỗi ngày.

Chống nắng, chống luôn san hô

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top