ClockChủ Nhật, 16/07/2017 14:21

Ở Phú Yên mà nghe nhớ Huế

TTH - Người bạn học quê gốc Quảng Bình có 4 năm học đại học ở Huế cứ níu tay tôi thủ thỉ “Đi Phú Yên mà răng cứ nhớ Huế, chi lạ hè!”…

Vũng Rô - Nơi huyền thoại đoàn tàu không số

Những dãy đá xếp chồng lên nhau thật tuyệt vời. Cột hình vuông, hình tam giác, tứ giác, cột thấp chồng lên cho bằng cột cao, tất cả như có bàn tay sắp đặt, vừa khít để tạo thành một dải đá dài nằm xô nghiêng bên bờ biển. Ánh nắng chiều vàng ruộm nhuộm những đám mây trắng bồng bềnh trên cao, tha hồ cho trí tưởng tượng bay bổng. Tôi như trôi về miền quá khứ của tuổi thơ với những ngày nằm trên chòi canh sắn ở bãi biền nhà mình đoạn hạ nguồn sông Hương, ngắm bầu trời lúc hoàng hôn và hình dung ra đủ thứ, mà lạ là cái màu nắng vàng ấy luôn gợi liên tưởng đến cảnh lâu đài lộng lẫy trong cuốn phim thần thoại Nga Ruslan và Ludmila. Và miền cổ tích ấy đang hiện diện ở gành đá kỳ diệu ở Phú Yên.

Gành Đá Đĩa - di tích quốc gia ở Phú Yên đã cho tôi suy nghĩ về thế giới cổ tích khi đến Phú Yên như thế. Rằng có một vị thần biển đã xếp đá xây lâu đài hay một người khổng lồ đã tỉ mẩn sắp đặt những viên đá trong một trò chơi yêu thích của mình. Giả thiết nào cũng hợp lý, đâu phải dễ dàng để những viên đá đủ kích cỡ, hình dáng có thể “tương hỗ” cho nhau để tạo thành một khối. Thiên nhiên thật là kỳ diệu, đúng như câu nói của cha ông “bàn tay tạo hóa”.

Gành Đá Đĩa - di tích quốc gia ở Phú Yên

Phú Yên là miền đất còn nhiều dấu hoang sơ. Hoàng hôn trên đầm Ô Loan rộng mênh mông dễ đưa con người quay trở về với chính mình, đi vào sâu bên trong để nhận ra tiếng nói sâu thẳm về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, một tiếng nói chung thầm thì, phải thật tĩnh tâm mới lắng nghe được. Kỳ lạ là ở vào thời khắc ngày gần qua, đêm sắp đến. Trên mặt hồ rộng bao la là một sự bình yên đến nao lòng. Màn đêm buông chầm chậm, nghe tiếng gió lang thang như đang kể câu chuyện truyền thuyết về một tình yêu đẹp giữa nàng tiên tên Loan với chàng trai nghèo miền biển Phú Yên. Nàng tiên ấy cưỡi chim ô thước dạo chơi vùng trời Nam, duyên kỳ ngộ gặp chàng trai chăm chỉ, siêng năng và nàng đã ở lại trần gian cùng chàng. Câu chuyện được người phụ nữ làng chài kể cho tôi nghe trong mùi thơm dậy lên của cá nướng. Đêm trên đầm Ô Loan, sự gần gũi và thân thiện đến rất tự nhiên, mới gặp đây mà như đã quen thân lâu lắm rồi.

Đi từ 4 giờ sáng để lên ngọn hải đăng Đại Lãnh cao 140 mét so với mặt nước biển chờ mặt trời lên, cảm xúc thật khó tả. Gió vi vút xung quanh, nhìn xuống mênh mông một vùng nước, những mũi đất nhô ra biển, uốn lượn mềm mại.  Những đám mây lại được nhuộm hồng. Mặt trời từ từ nhô lên, tiếng reo “mặt trời lên rồi” của một em bé hồn nhiên, tinh khiết như ánh ban mai. Gió vẫn vi vút và tiếng máy ảnh liên tục bấm để ghi lại khoảnh khắc đầu tiên của một ngày mới tại một điểm đặc biệt của đất nước. Biển Đại Lãnh đón những tia nắng đầu tiên, trải dài vàng óng. Đúng là đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh.

Người bạn học quê gốc Quảng Bình có 4 năm học đại học ở Huế cứ níu tay tôi thủ thỉ “Đi Phú Yên mà răng cứ nhớ Huế, chi lạ hè!”, “Nhớ Huế cái chi”- “Ừ, cũng không phân biệt được nữa, hình như vì Huế và Phú Yên có điểm chung là còn nhiều thiên nhiên, nhiều dấu vết nguyên sơ”. Ngồi trên những hòn đá ở Bãi Môn, tôi nhìn sâu vào mắt bạn rồi nhìn làn nước biển xanh trong veo, lòng thầm đồng ý với bạn. Tôi nhớ về Lăng Cô, vịnh đẹp của thế giới, nhớ về những làng quê rợp bóng dừa xanh Mỹ Lợi, Mỹ Á ngày đêm bình yên trong tiếng sóng biển rì rào… Nhớ về đầm Chuồn, đầm Cầu Hai, phá Tam Giang. Bình minh trên biển Lăng Cô hay phá Tam Giang là những cảnh đẹp huyền diệu như trong cổ tích. Vẻ đẹp nguyên sơ không chỉ đến từ thiên nhiên mà còn đến từ con người. Những người dân ven biển, ven phá ở Thừa Thiên Huế cũng hiền lành, chân chất và rộng rãi như những ngọn gió ngoài khơi xa, họ vẫn đang sống cùng với những câu chuyện truyền thuyết về làng quê mình.

Du lịch Huế cũng là về miền cổ tích. Ai đã từng đón bình minh trên đỉnh Bạch Mã, Lăng Cô hay ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang, trên sông Hương hay đồi Vọng Cảnh mới cảm nhận được thiên nhiên nguyên sơ mà Huế đã giữ gìn cho đến hôm nay. Trở về với thiên nhiên là xu hướng du lịch đang được du khách khắp nơi trên thế giới chọn lựa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, Phú Yên đang đẩy mạnh phát triển các chương trình, dự án du lịch sinh thái, du lịch văn hóa thể thao, cố gắng giữ môi trường sinh thái tự nhiên.

Với Huế thì du lịch biển, đầm phá đang ngày càng “nóng”. Những tour khám phá thiên nhiên đang trở thành lựa chọn số 1 của du khách, nhất là giới trẻ. Việc xây dựng ý thức văn hóa du lịch sinh thái cũng được triển khai thông qua những thông điệp rõ ràng. Trên bãi biển Thuận An có nhiều tấm biển ghi dòng chữ “Chỉ để lại dấu chân của bạn trên cát” được đặt khắp chiều dài của bãi biển.

Ở  Phú Yên mà nhớ về Huế, những liên tưởng từ biển nối biển, từ người nối người, và cả từ hương vị ẩm thực nữa, như một mạch nguồn không dứt. Biển ở đâu cũng là quê hương, người ở đâu cũng là đồng bào. Tình yêu đất nước, yêu tổ quốc đâu có ranh giới vùng miền. Chúng tôi thắp nhang ở đền thờ liệt sĩ hy sinh ở Vũng Rô trong huyền thoại tàu không số và tôi nhận ra tình yêu Tổ quốc của người dân Việt cũng là một miền cổ tích với những anh hùng thầm lặng “Trong lịch sử chiến tranh giữ nước, cha ông đã từng mở nhiều con đường để nối hậu phương với tiền tuyến nhưng có lẽ chưa có con đường nào có sức mạnh thần kỳ, tầm vóc to lớn và đầy tính huyền thoại như đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển” (PGS. TS. Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Quân đội).

Về miền cổ tích Phú Yên để nhớ miền cổ tích của quê hương Thừa Thiên Huế, sợi dây ấy cũng chính là tình nghĩa đồng bào, tình dân miền quê biển.

Bài, ảnh: HẠ AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một bé gái bị chó cắn phải khâu 50 mũi

Chiều ngày 14/3, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết đang tiếp nhận điều trị một bệnh nhi (BN) bị chó cắn nghiêm trọng phải khâu 50 mũi, trong đó có nhiều vết thương ở mặt.

Một bé gái bị chó cắn phải khâu 50 mũi
Nhớ Huế là nhớ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa

Nguyên Hà, một thầy giáo ở Kiên Giang năm nào cũng vậy, vào mỗi dịp hè anh đều có chuyến du lịch đến Huế. Khi thì đi cùng gia đình, khi thì với bạn bè, cơ quan. Chọn Huế làm điểm du lịch nhiều lần bởi theo anh Hà, Huế không bao giờ hết hấp dẫn với du khách. Mỗi lần đến Huế là một lần khám phá thêm nét duyên thầm mà quyến rũ. Bên ly cà phê trong quán Mai Uyển bên dòng sông Hương xuôi về Vỹ Dạ, anh say sưa nói về Huế, về tình yêu mà anh dành cho đất và người cố đô: “Mình yêu Huế từ những tác phẩm viết về Huế khi còn đi học phổ thông. Bao lần đến Huế vẫn cứ thích cảm giác bình yên. Giữa nhịp sống sôi động, Huế vẫn giữ cho mình nét riêng không nơi nào có được”.

Nhớ Huế là nhớ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa
Phía những ngọn đồi

Nhớ năm ấy, tại ngôi làng nhỏ Georgethal của nước Đức, chúng tôi chịu đựng cái lạnh trong nỗi nhớ nhà quay quắt. Tôi hay thơ thẩn ra khu rừng phía nhà ga. Ở đó, cạnh đường ray có một mũi tên gỗ chỉ về phía tây - phía có con đường sắt xuyên sâu vào cánh rừng rồi mất hút. Tôi nhớ nhà, nhớ Huế.

Phía những ngọn đồi

TIN MỚI

Return to top