ClockChủ Nhật, 26/11/2017 07:30

OECD: Mức độ hài lòng cuộc sống giảm

TTH - Báo cáo "How's Life" (tạm dịch: "Cuộc sống thế nào?") vừa được OECD thực hiện trên 35 quốc gia đã vẽ nên bức tranh hỗn hợp về sự hài lòng của người dân trong các nền kinh tế tiên tiến thành viên, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trụ sở chính của OECD tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: OECD

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, thế giới vẫn đang phải vật lộn để phục hồi từ cuộc suy thoái, ngay cả khi những chỉ số khác nhau như tuổi thọ có dấu hiệu tích cực hơn.

Mặc dù thu nhập bình quân hàng năm tăng lên 7% ở các quốc gia OECD kể từ năm 2005, nhưng tỷ lệ này vẫn chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của thập niên trước. Tương tự, trong khi tuổi thọ trung bình tăng gần 2 năm trong thập niên vừa qua và nhiều người có việc làm, thì thất nghiệp dài hạn vẫn tăng lên và mất an ninh việc làm cũng tăng 1/3.

Điều này dẫn đến sự hài lòng cuộc sống thấp hơn, làm giảm số cử tri bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử và niềm tin của người dân vào các Chính phủ sở tại. Chỉ có 38% tổng số những người được hỏi cho biết, họ tin tưởng vào Chính phủ của mình, giảm 4 điểm phần trăm kể từ năm 2006.

Nhật Bản: An toàn là trên hết

Số liệu tổng hợp chỉ ra những kết quả hỗn hợp của nền kinh tế lớn thứ hai của châu Á và là một trong những quốc gia an toàn nhất của thế giới. Ở mức 74%, tỷ lệ việc làm của Nhật Bản nằm trên mức trung bình của OECD là 67%; quốc gia này cũng có một trong những mức thấp nhất của tình trạng mất an ninh việc làm. Thu nhập khả dụng của hộ gia đình tăng 7% kể từ năm 2005, trong khi tỷ lệ việc làm cao hơn 5 điểm phần trăm và tỷ lệ thất nghiệp dài hạn giảm.

Dữ liệu cũng cho biết, chất lượng môi trường được cải thiện, mối liên hệ xã hội mạnh mẽ và mức độ an ninh cá nhân cao, với khoảng 71% số người được hỏi cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm. Tuy nhiên, so với các quốc gia thành viên OECD khác, mức độ căng thẳng công việc ở Nhật Bản vẫn còn cao, cả thu nhập trung bình và thu nhập sẵn có của hộ gia đình nằm dưới mức trung bình của OECD. Trong khi đó, số người bỏ phiếu và tỷ lệ phần trăm người trưởng thành cho rằng họ có tiếng nói trong những hành động của Chính phủ chỉ xếp ở vị trí thứ 3 từ dưới lên. 

Hàn Quốc: Mong muốn cuộc sống tốt hơn

Người dân Hàn Quốc đang mong muốn một cuộc sống tốt hơn, các công dân của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đặt sự hài lòng về cuộc sống lên đầu tiên, tiếp theo là an toàn và sức khoẻ.

Mặc dù thu nhập sẵn có của hộ gia đình tăng 23% kể từ năm 2005, thu nhập và sự giàu có vẫn thấp hơn mức trung bình của OECD, cùng với thu nhập và tỷ lệ việc làm. Mặc dù tình trạng mất an ninh thị trường lao động thấp, tỷ lệ căng thẳng công việc của người lao động xếp trong số những mức cao nhất trong OECD. Đáng chú ý, mức hỗ trợ xã hội và chất lượng môi trường của quốc gia này, đặc biệt là chất lượng không khí được xếp ở một trong những vị trí thấp nhất của OECD.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, giá cả nhà ở trở nên phải chăng hơn kể từ năm 2005, mặc dù nợ hộ gia đình tăng, với tỷ lệ thu nhập hộ gia đình dành cho nhà ở giảm 2,1 điểm phần trăm. Số cử tri bỏ phiếu tăng lên 77% trong cuộc thăm dò ý kiến năm 2017, tăng 14 điểm so với năm 2007, phản ánh mức độ tham gia của công dân cao sau một thời kỳ bất ổn chính trị.

Australia: Tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Người dân Australia đánh giá sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là mối quan tâm hàng đầu của họ, đứng trước sức khỏe và sự hài lòng cuộc sống.

Nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới vẫn có ưu thế vượt trội về một loạt các chỉ số, bao gồm cả thu nhập khả dụng của hộ gia đình và tài sản của hộ gia đình đều tăng trong thập kỷ vừa qua.

Mặc dù hoạt động tốt trong việc làm và thu nhập, người dân Australia vẫn ở dưới mức trung bình của OECD trong sự cân bằng công việc và cuộc sống. Điều này được phản ánh trong dữ liệu cho hay, họ có ít hơn 30 phút thời gian nghỉ ngơi, so với các đồng nghiệp ở nước ngoài và hơn 13% người lao động thường xuyên làm việc từ 50 giờ trở lên mỗi tuần.

Tình trạng mất an ninh thị trường lao động vẫn còn ở đỉnh điểm của giai đoạn khủng hoảng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp kéo dài tăng gấp đôi kể từ năm 2007. Việc bùng nổ nhà ở tại Sydney và Melbourne cũng dẫn đến chi phí nhà ở tăng. Bên cạnh đó, chỉ 64% người dân cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm, so với mức trung bình của OECD là 69%.

New Zealand: Không hài lòng

Người New Zealand xếp hạng sự hài lòng cuộc sống, sức khoẻ và giáo dục là 3 ưu tiên hàng đầu của họ.

Quốc gia có 4,7 triệu người này có tỷ lệ việc làm cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp dài hạn thấp hơn mức trung bình của OECD, bên cạnh việc được hưởng lợi từ mức độ mất an ninh thị trường lao động và căng thẳng công việc thấp hơn. Thu nhập thực tế tăng 14% so với một thập kỷ trước, thu nhập hộ gia đình cũng tăng lên. Hỗ trợ xã hội là một trong những mức cao nhất trong OECD, trong khi tỷ lệ chất lượng môi trường quốc gia được đánh giá tốt.

Tuy nhiên, tương tự như Australia, chỉ có 65% người dân cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm. Khả năng chi trả nhà ở cũng không khả quan, với tỷ lệ thu nhập chi tiêu cho chi phí nhà ở tăng lên 26,2% vào năm 2014, tăng từ 25,8% trong năm 2005.

Qua đó, Tổng Thư ký của OECD cho rằng: "Thách thức cấp bách của các nhà hoạch định chính sách là tìm cách để có thể tham gia hiệu quả cùng tất cả người dân, cải thiện phúc lợi và giúp khôi phục lòng tin của họ. Chúng ta cần đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển thực sự có tính bao quát và chuyển đổi thành cuộc sống tốt đẹp hơn, mà không để lại ai phía sau".

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ The Diplomat, South East Asia & OECD)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Nền kinh tế toàn cầu năm nay đang trên đà phát triển tốt hơn so với cách đây chỉ cách đây vài tháng nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho sự suy yếu của khu vực đồng euro, dự báo mới nhất ngày 5/2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Trung Đông đang gây ra mối đe dọa cho tăng trưởng toàn cầu vì sự gián đoạn vận chuyển trên Biển Đỏ có thể làm tăng giá tiêu dùng.

OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
OECD dự báo GDP của Thái Lan sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2024

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% trong năm tới, được thúc đẩy bởi tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ và thị trường lao động phục hồi.

OECD dự báo GDP của Thái Lan sẽ tăng trưởng 3,6 trong năm 2024
OECD: Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại một chút trong năm tới do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thấp hơn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

OECD Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024
Return to top