ClockThứ Ba, 23/08/2016 06:13

Ông “Bụt” của bệnh nhân

TTH - Bệnh nhân Hồ Thị Lan Tuyết, dân tộc Cơ Tu, ở xã Hương Nguyên, huyện A Lưới điều trị ở Bệnh viện TW Huế đã 4 năm, giờ đã khỏi bệnh. Hết tiêu chuẩn điều trị và ra viện, nhưng cháu và chị gái Hồ Thị Tin không muốn về nhà, vì gia đình các cháu rất nghèo. Ở lại đây, Tuyết được chăm sóc sức khỏe và có điều kiện học tập tốt hơn. Hai chị em được các bác sĩ, điều dưỡng Phòng Huyết học-ung thư, Khoa Nội tổng hợp II, Trung tâm Nhi khoa tận tình chăm sóc, giúp đỡ. Hai chị em được cán bộ khoa và Ban Giám đốc BVTW Huế đồng ý cho ở tạm giường bệnh.

Bác sĩ Hà cùng bệnh  nhân và người nhà phòng Huyết học-ung thư

Tôi đến phòng điều trị, nơi ở của hai chị em Tuyết hỏi thăm bệnh nhân đặc biệt này. Nhiều người nhà bệnh nhân trìu mến chỉ về phía giường của Tuyết. Cháu bé khoảng 6 tuổi, kháu khỉnh, da đen, hơi gầy, nhưng nhanh nhẹn chạy ra cửa đón tôi với nụ cười ngây thơ, dễ thương.

- Chào con. Chị con đâu ? Tôi hỏi.

- Dạ. Đó tề. Chị ơi! Tuyết hồn nhiên gọi chị.

Cô bé có tên là Tin vừa đi học về, ngỡ ngàng nhìn tôi với ánh mắt hiền từ. Tin xinh xắn và hiền lành. Cô gái không kể chuyện vất vả chăm em gái bị ung thư máu suốt ba năm nay, mà chỉ kể về lòng tốt của bác sĩ chuyên khoa II Châu Văn Hà, Trưởng khoa Tổng hợp II, Trung tâm Nhi khoa, BVTW Huế đã giúp hai chị em vừa điều trị khỏi bệnh, vừa có điều kiện học tốt.

 Năm 2013, Tuyết lên 3 tuổi, tự nhiên bụng bị sưng to, da xanh xao, thường bị sốt cao. Bệnh viện A Lưới chẩn đoán thiếu máu. Điều trị mãi không khỏi và được chuyển về BVTW Huế. Các bác sĩ cho biết Tuyết bị ung thư máu. Cũng lúc, Tin vừa học xong lớp 9. Gia đình em khó khăn. Cha phải lao động để nuôi cả nhà. Sau một thời gian chăm sóc con, mẹ của Tin sinh em bé, Tin vừa học xong lớp 9, quyết định không thi vào lớp 10 để thay mẹ chăm sóc em gái. Sau những giây phút bận rộn chăm em, cô bé 15 tuổi buồn lắm, thương em gái đau đớn, chống chọi với những cơn đau do bạo bệnh. Một nỗi buồn khác cũng đang cứa sâu vào tâm hồn. Từ nay, em phải từ bỏ mái trường thân yêu, thầy cô, bạn bè để chăm em gái và không biết bao lâu em gái Tin mới khỏi bệnh. Tin không biết và cũng chẳng tin rằng, phép màu nhiệm đang đến với hai chị em, mà sau này Tin nói đó là ông bụt xuất hiện. Ông chính là bác sĩ Châu Văn Hà, người được phụ huynh, bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư máu ở đây tin yêu, mến phục. Trăn trở cùng nỗi đau của bệnh nhân, bác sĩ Hà vận dụng những kiến thức học được ở nước ngoài, tự nghiên cứu thêm tài liệu để cùng đồng nghiệp chữa bệnh cho các cháu nhỏ. Mỗi bệnh nhân phải điều trị từ 3 năm đến10 năm mới khỏi bệnh nên gia đình bệnh nhân tốn kém nhiều tiền, của. Có nhiều gia đình phải bỏ điều trị dở dang vì không có kinh phí. Bác sĩ Hà cùng đồng nghiệp vận động Tổ chức Chăm sóc trẻ em châu Á tài trợ tiền tàu, xe cho bệnh nhân và người nhà ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên đến BVTW Huế khám, chữa bệnh. Xin Hội Chữ thập đỏ BV cho bệnh nhân quá nghèo thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế và bữa ăn hàng ngày. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị đã giảm. Trước đây 50%- 60%, giờ chỉ còn 4%. Mọi người kể: Thuốc Leurase duy nhất hỗ trợ chữa khỏi bệnh ung thư máu, chỉ có ở Singapore. Mỗi hộp giá 1 triệu đồng. Bác sĩ Hà quyên góp nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh được 30 triệu đồng, gửi mua được 30 hộp, cho 15 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bác sĩ Hà tiếp tục thuyết phục Ban Giám đốc BV mua tiếp 60 hộp cho 20 bệnh nhân.

Trở lại câu chuyện của hai chị em Tin . Biết Tin bỏ học để chăm em gái, bác sĩ Hà áy náy. Tin kể: “Bác sĩ Hà bảo cháu về trường xin hồ sơ học bạ, giấy khai sinh và một số giấy tờ liên quan để xin cho cháu học lớp 10 ở Huế. Cháu cũng làm theo, nhưng không tin là điều ấy có thật. Học lớp 10 là phải thi. Hoàn cảnh cháu rất khó để thực hiện được”. Vậy là bác sĩ Hà lặng lẽ đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để xin cho cô bé học lớp 10. Hôm cầm tờ giấy báo nhập học từ tay bác sĩ Hà, Tin xúc động run hết cả người. Nhưng vẫn còn nỗi lo không nhỏ. Học phí một tháng 1 triệu đồng. Đó chỉ là mơ ước của cha, mẹ em ở nhà khi trông chờ thu nhập từng củ sắn, hạt thóc. Làm sao có tiền để học? Câu hỏi xoay vần trong Tin.

Ông “bụt” Hà lại hiện ra. Bác sĩ Hà có kế hoạch từ trước nên đã xin học phí cho Tin. Bạn của bác sĩ Hà ở TP Hồ Chí Minh giúp Tin học phí trong suốt 3 năm học. Buổi đầu tiên đến lớp, Tin cứ nghĩ mình đang có giấc mơ đẹp. Một cô bé “lọ lem” ở vùng núi cao, giờ được sống và học tập giữa lòng thành phố, không phải là giấc mơ sao? Từ BVTW Huế, chỗ Tin ở đến đường Phan Chu Trinh để học, đi bộ mất 15 phút, nhưng thương Tin vất vả, không đảm bảo sức khỏe để chăm em nên bác sĩ Hà lại quyên góp được 2 triệu đồng mua xe đạp cho Tin đi học.

Thấm thoắt 4 năm trôi qua. Lan Tuyết đã khỏi bệnh. Đến ngày xuất viện, hai chị em Tin xin được ở lại, lấy BVTW Huế làm nhà để tiếp tục sống và học tập. Bác sĩ Hà ban đầu cũng chẳng biết xử lý sao. Nhận hai chị em ở lại thì bệnh nhân nặng không có giường điều trị. Cho các em về thì Tin sẽ thất học và bệnh của Tuyết sẽ tái phát vì nhà ở của bệnh nhân không đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh. Bác sĩ Hà phải thuyết phục nhân viên trong khoa và xin phép Ban Giám đốc BVTW Huế cho hai chị em ở lại khoa. Sắp đến mùa tựu trường,Tuyết lên 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp một. Bác sĩ Hà đang chuẩn bị hồ sơ xin cho bé đi học.

“Từ khi bé Tin ở lại chăm em và đi học đến nay, cha mẹ cháu đã “khoán trắng’ con cho khoa, cho bác sĩ Hà.”. Bác sĩ Hà cho biết. “Tôi phải thay mặt cha mẹ để chăm lo và dạy dỗ hai cháu chứ biết làm sao bây giờ. Tôi đang hướng cho bé Tin học Trường cao đẳng Y tế. Thi vào trường đó, điểm ngang ngửa với các đối tượng khác, không được ưu tiên.Tin phải tự mình cố gắng mới có kết quả tốt. Vấn đề lo nhất là hiện tại hai cháu không có chỗ ở để thuận tiện cho việc học tập”. Bác sĩ Hà lo lắng. Phòng điều trị bệnh, nơi hai chị em Tin đang ở là nơi dành cho bệnh nhân, không phải là chỗ học tập. Hàng ngày, Tin phải học nhờ ở phòng của bác sĩ trực viện.

Tôi mong có một ngày, hai chị em Tin có thêm ông “bụt” hoặc “bà tiên” nào đấy cùng chia sẻ với bác sĩ Hà, giúp hai cô bé có chỗ học tốt hơn và chúc ước mơ trở thành cán bộ điều dưỡng của Tin sẽ đạt được.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn
BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI HUẾ:
Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện

Cùng với tăng cường hiệu quả quản lý sau khi được chuyển giao về địa phương, Cấp ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải (BV GTVT) Huế chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Đây là cơ sở tiền đề trong lộ trình đơn vị phấn đấu nâng hạng bệnh viện.

Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện
Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân
Xuân kết nối, tết sẻ chia với bệnh nhân

Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức cho hàng trăm người bệnh khó khăn trước thềm năm mới. Sự hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần tạo nguồn động viên, giúp họ thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật…

Xuân kết nối, tết sẻ chia với bệnh nhân
Tạo “văn hóa hiến tặng mô tạng” từ trong bệnh viện

Có nhiều rào cản từ hành lang pháp lý đến thực tiễn hiến tặng mô tạng người cho chết não tại Việt Nam. PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm) chia sẻ:

Tạo “văn hóa hiến tặng mô tạng” từ trong bệnh viện
Return to top