ClockThứ Bảy, 25/11/2017 13:31

Phá sản, tái nghèo & đổ nợ

TTH - Anh Nguyễn Bình (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) lau vội bàn tay sũng ướt và run run ký phiếu nhận quà hỗ trợ sau lũ lụt. Nước rút, lũ qua nhưng nước mắt thì ở lại với người đàn ông 44 tuổi ấy, khi có đến khoảng 80% lượng cá, 60% lượng hoa vợ chồng đang sản xuất bị mất trắng. Gia đình đứng trước nguy cơ phá sản, tái nghèo và đổ nợ.

Lũ qua, trước mắt là khó khăn

Tính thiệt hại sau lũ, thị xã Hương Thủy “không là gì” so với vùng Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà. Đáng tiếc, mức độ ấy lại thực sự nghiêm trọng khi thiệt hại dồn về một số ít hộ gia đình sản xuất nông nghiệp với 2 loại sản phẩm chính là hoa và cá lồng phục vụ Tết Nguyên đán.

Ông Bình kiểm tra khả năng sinh trưởng của hoa cúc

Hộ anh Bình thuộc diện thiệt hại nặng nhất xã Thủy Vân, thậm chí của cả thị xã Hương Thủy khi cá và hoa đều tan tác. Cố để không bị lạc giọng, anh Bình quay mặt hẳn về phía vườn hoa, khô khốc: “Một ngàn chậu cúc, ba ngàn chậu đồng tiền, hai trăm chậu hoa hồng ngập hẳn trong nước. Ngâm quá lâu nên khi nước rút hoa cũng chết theo luôn rồi, vậy là hết Tết. Sáu lồng cá thả đầu năm hết 18 triệu đồng tiền giống. Chừ, cá đã trôi hết và để lại số nợ đến 90 triệu đồng tiền bột. Nước chảy mạnh quá, cá chịu không nổi chết đầy lồng, không cách chi cứu kịp”. 

Năm 2014, anh Nguyễn Bình - thôn Vân Dương, vẫn còn có tên trong danh sách hộ nghèo của xã Thủy Vân. Năm 2015, nhờ trúng hoa Tết, vợ chồng thoát được nghèo, bắt đầu quyết tâm vươn lên. Đầu năm 2017, tranh thủ các nguồn vay ưu đãi, vợ chồng anh gom góp 400 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, dốc sức chăm trồng nhiều loại hoa phục vụ Tết và tranh thủ mặt nước sông Cùng thả nuôi thêm cá lồng. Thời không thuận, bão số 10 hồi tháng 9, vợ chồng anh mất gần 1,5 tấn cá. Đến trận lũ sau cơn bão số 12, cả hoa và cá đều tả tơi theo con nước. Hơn một tuần sau nước lũ rút, vườn hoa của anh vẫn ngổn ngang. Những khóm hoa đồng tiền chỉ còn lưu dấu vết bằng những thân lá tàn tạ, bị đổ hắt bên đường để lấy chậu làm đôn bảo vệ những chậu hoa cát tường mới ươm khỏi nguy cơ lũ mới. Hàng trăm chậu hoa cúc “sống giả” cũng như bòn rút hết nguồn sinh lực cuối cùng để chống chọi với những tia nắng vàng vọt đang lên. “Tình hình ni, coi như mất hết. Buồn quá, bông ba chi tui đều thả. Nhưng thả cũng không yên, lại làm. Nhưng đụng mô cũng thấy nợ, tay chân cứng hết, cô ơi!”, anh Bình luẩn quẩn.

Cũng may, ngay trong đêm nước lên, vợ chồng anh huy động anh em cứu được mấy trăm chậu cúc lên vùng đất cao. Sau lụt, anh cũng bắt tay đổi hàng chục chậu hồng thối gốc bằng giống hoa cát tường mới ươm được 5 - 7 mắt lá. Dưới sông, anh gom bắt những con cá khỏe mạnh còn sống bán cũng được hơn 7 triệu đồng… Nhưng, đó gần như là những gì còn lại của gia đình tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân cho biết, thiệt hại kinh tế chỉ rơi vào những hộ có sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi cá lồng và trồng hoa mùa Tết. Nắm rõ tình hình khó khăn của người dân, nhưng ngân sách địa phương hạn hẹp nên đến nay chính quyền xã vẫn chưa thể hỗ trợ gì cho những trường hợp như anh Bình, ngoài việc kết nối họ với những phần quà cứu trợ khẩn cấp từ khắp mọi miền.

Cần chủ động đồng hành

Ông Nguyễn Thành Trung nói: “Quan tâm và rất muốn hỗ trợ nhưng ngân sách địa phương không có nên trước mắt, chúng tôi cũng chỉ có thể động viên bà con. Chúng tôi sẽ tranh thủ vận dụng để anh Bình và những trường hợp thiệt hại khác có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chương trình nông thôn mới từ cấp trên chuyển về. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay qua các kênh ưu đãi tại địa phương”.

Theo ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy, tuy nhiệm vụ cấp bách là hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau lụt và đảm bảo các điều kiện để sản xuất nông nghiệp vụ đông, nhưng mọi sự hỗ trợ nếu có, đều phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ. Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu cho hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để có thể nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ theo Nghị định này, đối với người dân thì hoàn toàn không dễ.

Để nhận được sự hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, có nhiều quy định ràng buộc mà người dân phải đáp ứng. Trong đó, điều kiện then chốt mà có lẽ bất cứ hộ dân nào cũng khó gỡ là phải “Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi. Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng”.

Thực tế, việc đăng ký kê khai ban đầu cụ thể về quy mô đầu tư, sản lượng… trong sản xuất nông nghiệp không phải là yêu cầu bắt buộc như một loại “giấy phép”, thì làm sao hộ sản xuất có thể bổ sung hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khi rủi ro xảy ra. Chưa kể còn ràng buộc thời gian kê khai và xác nhận kê khai. Thêm nữa, Nghị định 02/2017/NĐ-CP mới có hiệu lực thi hành từ 25/2/2017, thay thế nhiều quy định trước đó về nội dung điều chỉnh tương tự, hẳn nhiều chính quyền địa phương còn chưa kịp nắm để quản lý cũng như tuyên truyền, “chuẩn bị tinh thần” cho người dân. Cuối cùng, người dân khó vẫn hoàn khó. Thiết nghĩ trong điều kiện này, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền những quy định này sâu rộng, rút kinh nghiệm cho những mùa sau, việc cấp bách là chính quyền các cấp địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện phải chủ động tìm giải pháp gỡ khó giúp dân. Gỡ khó về mặt chế độ chính sách và cả việc chủ động huy động, kết nối người dân bị thiệt hại nặng với các nguồn vốn lãi suất thấp. 

Sau thiên tai, biết cả cuộc sống lẫn khả năng sản xuất nông nghiệp của người dân không dễ khắc phục ngày một ngày hai, nhưng lời nhắn của anh Bình cứ day dứt mãi: “Vợ chồng tui chỉ còn biết "níu" vào những đứa con đang chăm ngoan ở tuổi ăn tuổi học mà cố gắng và cũng chỉ biết cậy nhờ vào chính quyền mà thôi...”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết Mỹ đã hứng chịu nhiều trận lũ lụt, hỏa hoạn và các thảm họa khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ USD (mỗi thảm họa) trong năm 2023 và nhiệt độ trung bình của nước này cao thứ năm trong lịch sử.

Mỹ hứng chịu con số kỷ lục về thảm họa “tỷ USD” trong năm 2023
Malaysia: Hơn 28.000 người phải sơ tán do lũ lụt

Johor và Sabah vừa trở thành những tiểu bang mới nhất ở Malaysia hứng chịu lũ lụt, nâng tổng số khu vực bị ảnh hưởng lên 6 tiểu bang, với số người sơ tán tính đến 6h sáng 27/12 (giờ địa phương) tăng lên 28.310 người, so với 25.938 người được ghi nhận trước đó vào tối 26/12.

Malaysia Hơn 28 000 người phải sơ tán do lũ lụt
Gieo lại mầm xanh

Trận mưa lũ giữa tháng 11 vừa qua, khiến nhiều vùng sản xuất rau màu bị thiệt hại nặng nề. Đua với thời gian, ngay khi nước rút, tranh thủ ngày tạnh ráo, bà con nông dân dọn dẹp bùn non, bắt tay gầy dựng lại vườn tược, tỉa dặm và trồng mới rau màu cho kịp nông lịch.

Gieo lại mầm xanh
Return to top