ClockThứ Ba, 24/01/2017 12:56

Phải có công bố quốc tế mới được công nhận giáo sư, phó giáo sư

Quy định nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được thay đổi. Trong đó, điểm mới nhất là yêu cầu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có công bố quốc tế.

Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý.

Đến năm 2019, mỗi ứng viên tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải có 01 bằng độc quyền sáng chế

Theo điểm mới nhất của dự thảo, với tiêu chuẩn chức danh giáo sư, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 02 (hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 01 (một) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 01 (một) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 01 (một) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 (một) bài báo khoa học theo quy định.

Tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, đến năm 2019, ứng viên là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 01 (một) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 01 (một) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 (một) bài báo khoa học theo quy định.

Dự thảo mới cũng đã đưa ra điểm quy đổi bài báo khoa học, báo cáo khoa học và kết quả ứng dụng khoa học công nghệ

Một bài báo khoa học có phản biện và được công bố trên tạp chí trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN được tính tối đa 1,0 điểm; nếu công bố trên tạp chí nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISSN tế được tính tối đa 1,5 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus được tính tối đa 2,0 điểm.

Hội đồng Giáo sư nhà nước lựa chọn, phân loại các tạp chí khoa học được tính điểm, công bố trên trang thông tin điện tử của Hội đồng và Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học quốc gia có phản biện, được chọn đăng toàn văn trong tuyển tập công trình khoa học của hội thảo được tính tối đa 0,5 điểm. Báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học quốc tế viết bằng tiếng Anh có phản biện, được chọn đăng toàn văn trong tuyển tập công trình khoa học của hội thảo được tính tối đa 1,0 điểm.

Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế được tính tối đa 2,0 điểm; giải pháp hữu ích, giải thưởng quốc gia, quốc tế thuộc các ngành Kiến trúc, Y-Dược, Nghệ thuật, Thể dục thể thao được tính tối đa 1,0 điểm.

Công trình khoa học quy đổi nếu có nhiều tác giả thì số điểm được chia theo giá trị đóng góp của từng người tham gia, trường hợp không thể xác định được cụ thể đóng góp của mỗi người thì chia đều cho từng người. Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giải thưởng quốc gia, quốc tế nếu đã tính điểm công trình khoa học quy đổi như quy định tại Điều này thì không được tính điểm cho các công trình khoa học quy đổi khác.

Tăng điểm ngoại ngữ

Dự thảo yêu cầu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn” được xác định khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật hoặc Trung Quốc trong đào tạo.

Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL IBT với điểm tối thiểu là 65 hoặc IELTS với điểm tối thiểu là 5.5 có thời hạn không quá 02 (hai) năm tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

Từ năm 2018 đến 2020, tăng thêm 5.0 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT, tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS.

“Giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn” tức là trao đổi (nghe, nói), trình bày, thảo luận trôi chảy, tự nhiên và độc lập, không sử dụng từ điển, không có sự trợ giúp của người khác; đọc hiểu và viết được các bài báo bằng tiếng Anh về các vấn đề liên quan đến chuyên ngành của ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top