ClockThứ Hai, 06/03/2017 06:31

Phải đặt câu hỏi cho chính bản thân trước khi chọn ngành

TTH - Nhiều học trò lớp 12 đến từ các trường trung học phổ thông (THPT) trên toàn tỉnh có chung một băn khoăn đó là sau khi rời ghế giảng đường thì “biểu đồ” câu chuyện việc làm sẽ ra sao?

Tất cả những băn khoăn đó được các em học sinh tâm sự với các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học (ĐH) trong và ngoài tỉnh vào một buổi chiều cuối tháng 2 ở chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức tại Trường THPT chuyên Quốc Học.

Thạc sĩ Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế tư vấn tuyển sinh

Nhiều điểm mới cần lưu ý

PGS. TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT mở đầu buổi tư vấn bằng những thông tin mới cần lưu ý trước kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 sắp diễn ra. Kỳ thi năm nay khác biệt so với hai kỳ thi THPT quốc gia trước đó, chủ yếu ở chỗ mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD & ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp. Thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) từ ngày 1 đến 20/4.

Về đề thi, thí sinh chưa tốt nghiệp THPT không còn thi theo môn thi mà sẽ thi theo bài thi. Có 5 bài thi, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn sử, địa, giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi bốn bài thi, gồm ba bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn, bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội.

Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong đó bài thi tự chọn nào có kết quả cao hơn sẽ được dùng xét tốt nghiệp THPT. “Như vậy, so với những kỳ thi THPT quốc gia trước đây, thí sinh sẽ thi 6 môn để xét tốt nghiệp (chứ không phải 4 môn), các môn thi chủ yếu là trắc nghiệm (trừ môn văn) và tổng số môn được tổ chức thi là 9 môn chứ không phải 8 môn (thêm môn giáo dục công đân)”, PGS. TS Trần Anh Tuấn, chia sẻ.

Học ngành gì để không thất nghiệp?

Em Phan Thị Thanh (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đăng Lưu) đặt câu hỏi, có nhiều anh chị đi trước học các ngành “hot” thế nhưng ra trường vẫn thất nghiệp hoặc làm trái ngành, nhờ các thầy định hướng giúp em chọn ngành để có việc làm sau khi tốt nghiệp? Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT chia sẻ, rằng phải đặt câu hỏi cho chính bản thân trước khi chọn ngành. Chọn sao cho phù hợp với năng lực, kinh tế gia đình và quan trọng là nhu cầu nhân lực xã hội.

“Nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, ưu tiên phát triển du lịch, tài chính ngân hàng, văn hóa, công nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng, dệt may, công nghệ thông tin (CNTT), sinh học, công nghệ tự động hóa, kinh tế biển, trồng trọt, chăn nuôi… Cùng với đó là tập trung đào tạo các chuyên gia đầu ngành. Vấn đề cốt lõi vẫn phụ thuộc vào thí sinh, phải học giỏi, có kỹ năng mềm, ngoại ngữ tốt thì cơ hội việc làm sẽ rất cao”, ông Mỹ thông tin.

Em Nguyễn Hữu Nhân (học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ) lại băn khoăn sau khi tốt nghiệp ngành y việc làm sẽ ra sao, bởi lo lắng tỷ lệ bão hòa công việc hiện nay. GS.TS Võ Tam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược – ĐH Huế khẳng định, việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ của nhà trường sau khi tốt nghiệp 100% đều có việc làm. Riêng những ngành khác tỉ lệ đạt trên 94%, cho thấy chất lượng đào tạo và nhu cầu nhân lực của xã hội rất cao.

Những học sinh đam mê khối ngành CNTT băn khoăn khi hiện nay có một số trường mở ra lớp CNTT chất lượng cao. “Vậy ai sẽ được vào lớp này, việc học có khó hơn và làm việc ở đâu sau khi ra trường?” Một học sinh đặt câu hỏi. Thạc sĩ Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng ĐH Khoa học – ĐH Huế cho hay, sau khi tuyển sinh, nhà trường sẽ có kỳ thi sát hạch dành cho những ai đăng ký vào lớp chất lượng cao, tỷ lệ chọn 30/250 sinh viên. Khi trúng tuyển, 70% chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh với các giảng viên từ nước ngoài. “Còn về việc làm, ngành này có cơ hội rất lớn khi nhiều công ty phầm mềm, thiết kế game “bao tiêu” đầu ra. Đa số sinh viên ra trường đều có việc làm ngay”, thạc sĩ Diên chia sẻ.

Bên cạnh giải đáp những thắc mắc của học sinh, các chuyên gia còn có những lời khuyên chân thành rằng, trước khi quyết định lựa chọn ngành nghề để học, các em phải tìm hiểu thật kỹ để khẳng định ngành nghề đó có phải là niềm đam mê của bản thân hay không. “Hãy chọn đúng ngành mình đam mê và cố gắng học tập, theo đuổi đam mê đó, ra trường tỉ lệ có việc làm luôn cao”, PGS. TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD & ĐT nhắn gửi đến tất cả học sinh.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Mơ về bữa ăn bán trú

Cách đây 1 năm, Trưởng phòng Giáo dục A Lưới Hồ Văn Khởi hào hứng cho biết về đề án xây dựng bếp ăn bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng. Mong muốn, quyết tâm là có, song đến nay, ngoài bậc mầm non, toàn huyện A Lưới vẫn chưa có cơ sở nào tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Mơ về bữa ăn bán trú
Return to top