ClockThứ Sáu, 17/02/2017 05:46

Phải đi, mới đến

TTH - Nghị định 155 của Chính phủ ra đời là một cơ hội rất tốt để điều chỉnh các hành vi/thói quen rất đáng phàn nàn của dân ta....

Phạt nghiêm, nạn xả xà bần bừa bãi như thế này ở khu vực núi Bân, Ngự Bình sẽ chấm dứt

Cách đây mới ít hôm, tôi bắt gặp chiếc taxi từ đường Ngô Quyền quẹo sang Nguyễn Trường Tộ, đoạn đường đẹp như thơ nằm giữa 2 ngôi trường nổi tiếng Quốc Học-Hai Bà Trưng. Bác tài bỗng cho dừng xe, mở cửa rồi điềm nhiên..."dốc bầu tâm sự" ở một gốc cây trên vỉa hè ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Người qua kẻ lại thấy chướng mắt phiền lòng vô kể. Hành vi này chiếu theo Nghị định 155 của Chính phủ sẽ bị phạt 3 triệu đồng. Và phạt sẽ không oan ức gì hết, bởi cách "hiện trường" chỉ một quãng rất ngắn là WC công cộng miễn phí ở khu vực công viên trước Nhà văn hóa thiếu nhi với biển báo rõ ràng, bác tài taxi hẳn biết rất rõ, hà cớ gì phải "bức xúc" bên vệ đường?

Nghị định 155 được Chính phủ ban hành tháng 11/2016 (thay thế Nghị định 179/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bắt đầu chính thức có hiệu lực từ 1/2/2017. Các hành vi vi phạm đều bị xử phạt theo hướng tăng nặng, mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng (đối với cá nhân) và 2 tỷ đồng (đối với tổ chức). Nghị định 155 quy định cụ thể các hành vi bị xem là vi phạm, mức chế tài...ở đủ tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý... Và, bên cạnh những hành vi có tính "vĩ mô" như quản lý, xử lý chất thải độc hại, bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, phá dỡ tàu biển, vận tải chất thải, cản trở thi hành công vụ trong xử lý vi phạm... dư luận lại đặc biệt quan tâm đến những hành vi tuy tưởng là vụn vặt, nhưng nó lại rất "đời thường", bởi chúng diễn ra hàng ngày và rất phản cảm, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn làm tổn hại đến "chỉ số văn minh" của xã hội, của đất nước. Đó là nạn xả rác bừa bãi, phóng uế lung tung...Theo quy định, từ 1/2/2017, các hành vi này sẽ bị phạt tiền triệu, chẳng hạn đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi đúng chỗ, vứt tàn thuốc lá lung tung tại nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1-3 triệu; vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống  thoát nước: phạt 5-7 triệu...

Nạn niêm yết không đúng chỗ làm bẩn thành phố cũng sẽ triệt tiêu nếu bị xử mạnh

Nghị định đã có hiệu lực, mức chế tài đưa ra cũng hết sức nghiêm khắc, có phân định rõ ai là người đủ thẩm quyền xử lý... Tuy nhiên, theo quan sát của báo chí thì việc vi phạm dường như vẫn như cũ (?!!). Lý do được đưa ra là do chưa tuyên truyền nên nhiều người không biết; còn thiếu các điều kiện để thực hiện như không có...phiếu phạt; thiếu phương tiện để ghi lại bằng chứng; thiếu WC công cộng....Cứ như vậy thì biết đến bao giờ văn bản này mới đi vào cuộc sống? Chẳng lẽ nghị định chỉ ra đời... cho vui? Và xã hội ta cứ mãi chấp nhận mang tiếng chịu lời là kém văn minh? Bản thân tôi từng có những trải nghiệm rất...bực bội, là khi theo đoàn đi tham quan, công tác Lào, Thái Lan, Campuchia bằng đường bộ. Chạy xe cả quãng đường dài, có những đoạn qua rừng, hoặc đường nông thôn rất vắng, nhưng mọi người đều răm rắp chờ đến cây xăng hoặc điểm dừng giải lao mới đi giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Vậy mà vừa qua biên giới Việt Nam mọi sự đã khác ngay, cứ đi vài chục cây số là đã í ới yêu cầu bác tài dừng... "đi hát", xem như đó là chuyện bình thường, không một chút tổn thương, chẳng một tẹo "tự ái dân tộc"(!)

Theo chúng tôi, Nghị định 155 ra đời là một cơ hội rất tốt, cần phải nắm ngay lấy "cái gậy" này để điều chỉnh các hành vi/thói quen rất đáng phàn nàn của dân ta. Chưa tuyên truyền ư? Vậy thì bắt tay tuyên truyền. Cả ngàn cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, nếu đồng loạt ra quân thì kiểu gì mà không thấu tai từng người trong xã hội? Lực lượng chức năng được phân công cũng tham gia tuyên truyền và sẽ rất hiệu quả bằng việc nhắc nhở, cảnh cáo đối tượng vi phạm trong thời gian ban đầu nhất định (như việc nhắc nhở thời gian đầu đối với học sinh về đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện cách đây chưa lâu). Còn chuyện biên lai, các phương tiện khác, chúng tôi cho rằng cũng không cơ bản lắm, có thể đề xuất, tháo gỡ dần. Ngay như cả chuyện thiếu WC công cộng, bên cạnh tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư, trước mắt có thể huy động, bố trí các WC lưu động (như vẫn thường làm tại các kỳ lễ hội), hoặc vận động các nhà hàng, khách sạn mở cửa miễn phí như nhiều nơi đã thực hiện, kể cả ở Huế... Quan trọng là phải "ra tay" ngay, làm nghiêm túc, kiên quyết, đồng thời phối hợp với cơ quan báo chí nêu đều đặn kết quả xử lý, chắc hẳn mọi người sẽ không thể xem thường.

Xây dựng xã hội văn minh không đâu xa mà cần bắt đầu bằng việc chấn chỉnh những hành vi phản cảm trong cuộc sống hàng ngày như vậy. Với Huế - thành phố văn hóa, thành phố du lịch, thành phố xanh - việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm lại càng có ý nghĩa và cấp thiết hơn nữa.

Phải đi, mới đến - Cổ nhân đã nói vậy. Với Nghị định 155, phải làm, mới thấy kết quả...

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn
Return to top