ClockThứ Tư, 05/08/2015 09:41

Phạm tội khi được tạm đình chỉ thi hành án

TTH - Phạm nhân được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật do bệnh tật hoặc do có con nhỏ là thể hiện sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Song, một số phạm nhân sau khi được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án không chịu ăn năn hối lỗi mà lại phạm tội mới...

Phạm nhân Nguyễn Đức Phương (35 tuổi, trú tại xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) từng bị Tòa án Nhân dân (TAND) TX Hương Thủy xử phạt 7 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Tại bản án ngày 5/5/2010, bị án chấp hành án tại Trại giam Bình Điền (xã Bình Điền, TX Hương Trà). TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định tạm đình chỉ chấp hành phạt tù đối với Phương ngày 21/9/2011 với lý do nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, thời hạn tạm đình chỉ cho đến khi sức khỏe hồi phục. 

Sau khi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, trở về địa phương thì Nguyễn Đức Phương lại tiếp tục phạm tội và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vinh, Nghệ An bắt về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cơ quan thi hành án hình sự, Công an huyện Đô Lương đã có công văn thông báo về hành vi phạm tội của phạm nhân Phương cho TAND tỉnh Thừa Thiên Huế biết, theo đó tòa án tỉnh đã quyết định đình chỉ việc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đối với Phương.
Trường hợp của Lê Thanh Hằng (23 tuổi, trú đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP Huế) cũng là một điển hình. Từ ngày 20/6/2012 đến ngày 12/1/2013, Lê Thanh Hằng dùng thủ đoạn gian dối với những người trông giữ xe và những người cho thuê xe, thực hiện 8 lần lừa đảo, chiếm đoạt 8 xe mô tô các loại, có tổng giá trị 112 triệu đồng, đem cầm lấy 28 triệu đồng. Năm 2014, Hằng bị TAND TP Huế tuyên phạt 3 năm tù về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Hằng được tại ngoại. Có điều kiện ở ngoài, Hằng không chịu chí thú làm ăn mà liên tiếp tổ chức nhiều phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nướng vào các sòng bạc. Cụ thể, từ tháng 12/2014 đến khi bị bắt, Hằng giả vờ làm người của căn tin ở Bệnh viện Trung ương Huế nhằm giăng bẫy lừa đảo với thủ đoạn tinh vi. Sau khi bị bắt, Hằng khai nhận thêm mình từng tổ chức nhiều “phi vụ” lừa đảo với số lượng hàng chục bộ bàn ghế, 30 tấn gạo và tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Toàn bộ tài sản lừa đảo có được đều đem đi bán với giá rẻ hơn nhằm lấy tiền đánh bạc và tiêu xài cá nhân. Do là một đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, tinh vi nên trong quá trình thực hiện hành vi của mình, Hằng không ngại tiếp cận với chủ sở hữu, sau đó không ra tay liền mà đợi một thời gian để tạo chứng cứ ngoại phạm. Hiện, Hằng đã bị cơ quan chức năng buộc thi hành án 3 năm tù mà thị “nợ” trước đó. Cơ quan công an TP Huế cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hằng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài 2 trường hợp điển hình nói trên, gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp khác đã tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Luật sư Võ Công Hạnh, Trưởng chi nhánh Công ty Luật hợp danh FVDN tại TP Huế cho biết: Theo Khoản 1 Điều  61, Bộ luật Hình sự  quy định hoãn chấp hành hình phạt tù khi người bị kết án bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm.
Luật sư Võ Công Hạnh nhấn mạnh: Việc quy định tạm hoãn chấp hành hình phạt tù là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt, người bị kết án đã lợi dụng chính sách này để kéo dài thời gian thi hành án, tiếp tục phạm tội, gây khó khăn cho lực lượng chấp pháp và tạo ra những hệ lụy cho xã hội. “Nhằm khắc phục và răn đe người bị kết án tiếp tục phạm tội, tại điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự ghi nhận việc tái phạm, tái phạm nguy hiểm và phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Mặt khác việc kéo dài thời hạn chấp hành hình phạt tù không làm thay đổi thời gian chấp hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Hình sự, trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới” - luật sư Võ Công Hạnh thông tin thêm.
Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top