ClockThứ Hai, 25/12/2017 20:51

Phan Bội Châu, một chí sỹ yêu nước thương nòi

TTH.VN - Cụ Phan Bội Châu - một chí sỹ, danh sỹ yêu nước, là một người tài năng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Cụ sinh ngày 26-12-1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Viếng mộ cụ Phan Bội Châu. Ảnh: Phan Thành

Cha là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn. Ông nổi tiếng thông minh từ bé. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội "Sĩ tử Cần Vương" (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.

Năm Canh Dần 1890,  Phan Bội Châu thi đỗ Giải Nguyên trường thi Nghệ An. Từ đó Phan Bội Châu thực hiện hoài bão lớn của  đời mình: “Lấy sóng gió làm gối, sương tuyết làm cơm” đi tìm đường cứu dân cứu nước, giao kết với chí sỹ khắp nơi. Năm Giáp Thìn 1904 vận động thành lập hội Duy Tân, năm 1905 Phan Bội Châu cùng với Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, rồi sang Nhật Bản để gây dựng phong trào Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam yêu nước sang Nhật Bản học tập. Năm Mậu Thân 1908 Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản, sau đó ông trở lại Trung Quốc, rồi sang Thái Lan xây dựng căn cứ hoạt động ở nước ngoài.

Sau cách mạng Tân Hợi năm 1911, Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc thành lập “Hội Việt Nam Quang Phục” và hội “Chấn Hoa Hưng Á”, ngay trong năm đó, Phan Bội Châu bị Long Tế Quang bắt giam ở Quảng Châu. Sau khi ra tù, ông tích cực hoạt động cách mạng. Đến năm Giáp Tý 1924, Phan Bội Châu bị mật thám bắt cóc tại Thượng Hải, thực dân Pháp bí mật giải Phan Bội Châu về Việt Nam và định thủ tiêu, nhưng việc bại lộ, chúng phải đưa Phan Bội Châu ra xử trước Hội đồng đề hình của chúng, kết án Phan Bội Châu tù khổ sai chung thân.

Trước sự việc trên, Nhân dân cả nước đã đấu tranh đòi thực dân Pháp phải ân xá cho Phan Bội Châu. Viên toàn quyền Varence buộc lòng phải ra lệnh ân xá cho Phan Bội Châu, nhưng chúng đưa cụ Phan về “an trí” ở dốc Bến Ngự (Huế) và từ đó cụ Phan còn có biệt danh là “Ông già Bến Ngự”. Như vậy, cuối năm 1925 cụ Phan bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, tư tưởng yêu nước của cụ đã bén vào ngọn lửa yêu nước vẫn cháy trong lòng người dân xứ Huế; hai năm  1926 – 1927 đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của người dân lao động, thanh niên và học sinh Huế. Cảnh nhà cụ Phan ở Bến Ngự thường là nơi tụ tập của nam nữ thanh niên học sinh. Những ngày thứ năm, chủ nhật, tuổi trẻ đến đây đông đúc để được thấy cụ, để nghe những lời bảo ban ân cần của cụ. Cụ Phan còn diễn thuyết ở trường Đồng Khánh, trường Quốc Học cùng trong một ngày (17-3-1926); tiếp đến ngày 28-6-1926, cụ diễn thuyết ở Nữ Công Học Hội do bà Đạm Phương - mẹ của nhà hoạt động yêu nước Hải Triều làm giám đốc với lập luận sinh động, sâu sắc, hùng hồn.

Đầu năm 1927, khi thanh niên học sinh Huế đến chúc cụ Phan 60 tuổi, cụ đã tặng các bạn trẻ bài thơ đầy tâm huyết: “Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/ Xúm vai vào xốc vác gánh giang san/ Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho an/ Dây thành bại quyết ghé phen liên hiệp lại... Dựng gan óc để đánh tan sắt lửa/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ!”

Ngưỡng mộ “Ông già Bến Ngự” anh thanh niên Nguyễn Vịnh đã rủ bạn mình là Phạm Oanh lên Huế tìm cụ Phan Bội Châu. Tại nhà Cụ Phan, Nguyễn Vịnh và Phạm Oanh đã gặp Phan Đăng Lưu, rồi Nguyễn Chí Diểu. Những lời giải thích của hai nhà cách mạng tiền bối về tình hình thế giới và trong nước, về mục đích cách mạng đã giúp cho Nguyễn Vịnh sáng tỏ nhiều băn khoăn, đánh dấu một bước phát triển trong tư tưởng. Từ đó, người thanh niên giàu nhiệt huyết Nguyễn Vịnh đã giác ngộ cách mạng như một lẽ tự nhiên và sau này đã trở thành Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lỗi lạc.

Trong thời gian 15 năm sống ở Huế, cụ Phan Bội Châu còn nghiên cứu về phong trào Cộng Sản. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện trong lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Phan Bội Châu tại Hà Nội ngày 26/12/1997, đã cho biết trong nhà của Phan Bội Châu ở Huế có treo ở giữa tấm ảnh của Lênin. Trước đó từ lâu khi còn ở Trung Quốc, Phan Bội Châu còn viết một cuốn tiểu sử Lênin. (1)

Trung tướng Phạm Hồng Cư, bạn thân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ cộng tác với phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bà Đặng Bích Hà, đã kể lại thời kỳ thiếu niên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thăm "Ông già Bến Ngự" đang bị Pháp giam lỏng tại Huế, trong nhà Phan Bội Châu treo ba bức ảnh: Thích-ca Mâu-ni, Tôn Trung Sơn, Lê nin. Ba bức ảnh này nói lên phần nào quan điểm triết học và chính trị của ông. (2)

Cụ Phan sống ở Huế cho đến năm Canh Thìn 1940 thì mất, hưởng thọ 73 tuổi, nhân dân cả nước vô cùng thương tiếc và nhiều nơi đã để tang cụ. Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà văn hóa và nhà tư tưởng lớn tiêu biểu ở nước ta trong khoảng hai chục năm đầu thế kỷ 20. Tư tưởng yêu nước thương nòi của ông là một trong những bộ phận quan trọng trong di sản lịch sử tư tưởng Việt Nam và niềm tự hào của dân tộc ta. Ông nổi tiếng là nhà yêu nước chân chính, nhà thơ, nhà văn hóa dân tộc được tôn kính, mến mộ, đặc biệt là tầng lớp trí thức trẻ yêu nước đương thời.

Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều thăng trầm, dù chưa đi đến thành công, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của cụ Phan trước thực dân, đế quốc còn cháy mãi trong lòng dân tộc Việt, vẫn tiếp tục góp phần nuôi dưỡng Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chúng ta luôn trân trọng và khâm phục tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm bất chấp mọi hiểm nguy vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước của “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” như Nguyễn Ái Quốc đã nói.

(1) Tạp chí Xưa & Nay, số 48, tháng 2 năm 1998, tr.9-10.

(2)Phạm Hồng Cư (xuất bản năm 2004). “2”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.   Việt Nam: Nhà xuất bản Thanh Niên. tr. 11.

Phan Công Tuyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bên ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự”

Đi qua cây cầu vắt qua sông An Cựu, lên dốc Bến Ngự đến khu di tích lưu niệm chí sĩ Phan Bội Châu, trong đó có ngôi nhà cũ của cụ Phan Bội Châu - nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người mà dân Huế gọi với cái tên thân thương “Ông già Bến Ngự”.

Bên ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự”
Một bức thư giàu lòng yêu nước

Theo sắc lệnh của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, những gia đình có hơn ba người con đầu quân (đi Vệ Quốc đoàn) sẽ được ghi công và ân thưởng.

Một bức thư giàu lòng yêu nước
KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2023)
Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước

Lâu nay, giới học giả và báo chí nói rất nhiều về mối quan hệ giữa chí sĩ Phan Chu Trinh với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người tìm đường cứu nước, đặc biệt là thời gian ở Pháp. Vậy, mối quan hệ đó như thế nào, bắt nguồn từ đâu và chí sĩ Phan Chu Trinh đã giúp đỡ những gì cho Nguyễn Ái Quốc…?

Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước
Sống lại những ký ức về vị vua yêu nước ở xứ lưu đày

Vua Hàm Nghi – Hồi ức con đường El Biar là công trình nghiên cứu tâm huyết của ông Gérard Chapuis, kể về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở Algérie, từ lúc nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày (1888) đến lúc mất (1944) vì căn bệnh ung thư dạ dày hiểm ác. Công trình được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chọn tuyển và NXB Thuận Hóa ấn hành, vừa mới ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 3 năm 2023.

Sống lại những ký ức về vị vua yêu nước ở xứ lưu đày
Return to top