ClockThứ Bảy, 19/06/2010 22:14

Phát huy được lợi thế, báo địa phương sẽ có công chúng rộng rãi

TTH - Không thể so sánh với các tờ báo lớn về phạm vi, số lượng phát hành, nhưng báo chí địa phương vẫn có những đóng góp của mình trong việc chuyển tải thông tin về các vấn đề , sự kiện ở địa phương, vùng miền...  Ở đây, tính địa phương được xem như một lợi thế? Đó là vấn đề đầu tiên mà Báo Thừa Thiên Huế đã đặt ra trong toạ đàm bàn tròn với tổng biên tập (TBT) các báo An Giang, Đồng Nai, Gia Lai và Thừa Thiên Huế nhân Kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
 Anh Trần Huy Thanh, TBT báo Đồng Nai: Tôi đồng ý tính địa phương là lợi thế của các báo đảng bộ địa phương. Tất nhiên bên cạnh việc phải thông tin những vấn đề, sự kiện nổi bật của cả nước, mỗi tờ báo phải giữ được bản sắc của địa phương mình, phải thông tin cho công chúng những vấn đề, sự kiện riêng có của địa phương. Phải làm cho công chúng hiểu chỉ có thể tìm được các thông tin đặc thù trên các báo địa phương.
 
Anh Tân Văn Ngữ, TBT báo An Giang: Đúng là phạm vi, số lượng phát hành của báo Đảng bộ tỉnh – trong đó có báo An Giang - không thể bằng các báo lớn, nhưng có lợi thế là phát hành đến tận vùng sâu, vùng xa, đến 100% chi, đảng bộ cơ sở, đến hàng ngàn nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của tỉnh. Tác dụng tuyên truyền và sức lan tỏa của báo An Giang trên địa bàn tỉnh chắc chắn không có tờ báo lớn nào bằng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài báo An Giang, chưa có tờ báo nào phát hành ở An Giang hơn 10.000 tờ/kỳ; lại chỉ tập trung ở tỉnh lỵ, ở các thị trấn, thị tứ phát triển, về vùng sâu, vùng xa rất ít.
 
Anh Trần Huy Thanh - TBT báo Đồng Nai Anh Tân Văn Ngữ - TBT báo An Giang
 
 Anh Đinh Khắc An, TBT báo Thừa Thiên Huế Anh Đoàn Minh Phụng - TBT báo Gia Lai
 
Anh Đoàn Minh Phụng, TBT báo Gia Lai: Bây giờ là thời đại của thông tin, nếu nói lợi thế (thông tin) địa phương, vùng miền... tôi e không còn phù hợp. Nhu cầu thông tin và khả năng đáp ứng thông tin ngày nay gần như... không giới hạn. Vì vậy, nói báo chí địa phương chỉ có mỗi lợi thế “địa phương” là điều phải xem lại. Chẳng hạn, sự việc “Trạm cân Dầu Giây” ở Đồng Nai, nhưng nó lại là “hiện tượng” thông tin của cả chúng ta nữa đấy chứ; hay một em bé bị đánh đập dã man ở Cà Mau mới đây cũng vậy.
 
Vì thế tôi nghĩ, lợi thế địa phương chỉ là một phần, phần còn lại là báo chí địa phương phải biết tìm cho mình những lợi thế khác nữa - lợi thế ấy là cái tài, cái tâm của người làm báo, viết báo... biết chọn “lợi thế” của “người” làm lợi thế cho mình. Như thế mới là “lợi thế”!
 
 Anh Đinh Khắc An, TBT báo Thừa Thiên Huế: . Đúng vậy, khó có thể so sánh với các báo trung ương về tầm cỡ, qui mô, phạm vi, số lượng phát hành... nhưng có thể khẳng định, sự đóng góp trong việc chuyển tải thông tin về những sự kiện, những vấn đề liên quan đến địa phương, vùng miền mình của các báo địa phương là một sự đóng góp to lớn. Nhanh nhạy, kịp thời về thông tin; chính xác, đầy đủ về chức danh, địa danh, sự vụ, sự việc... hơn các báo khác, chính là nhờ sự lợi thế về “tính địa phương” của báo địa phương.
 
 
Báo trung ương không thể có phóng viên để cắm đủ cho tất cả các địa bàn, trong lúc báo địa phương thì địa bàn nào cũng có, lực lượng cộng tác viên, tai mắt của báo từ đó cũng nhiều hơn; mối quan hệ trong địa phương với nhau cũng chặt chẽ hơn... và nhờ vậy, thông tin có thể đến nhanh với báo và lại được kịp thời phản ánh ngay trên báo để đến với nhân dân của mình. Có thể nói rằng đó là lợi thế.
 
Xét trên nhiều khía cạnh, thì tính địa phương – theo tôi – vẫn là một lợi thế mang tính cạnh tranh. Chia sẻ của các anh...?
 
Anh Tân Văn Ngữ: Đúng là báo đảng địa phương có nhiều lợi thế mang tính cạnh tranh đối với các tờ báo lớn trên địa bàn mình hoạt động. Đó là, việc khai khai thác thông tin, thu thập tài liệu thuận lợi, phát hành báo về vùng sâu, vùng xa và tác nghiệp của phóng viên luôn được cấp ủy địa phương tích cực hỗ trợ... Nếu có chính sách thỏa đáng để nâng số lượng phát hành, chắc chắn hiệu qủa tuyên truyền của báo địa phương sẽ rất cao.
 
Anh Đinh Khắc An: Dù tính địa phương là một lợi thế cho báo địa phương nhưng tôi không cho rằng lợi thế đó “mang tính cạnh tranh”. Bởi, báo trung ương không cần thiết phải cạnh tranh thông tin với báo địa phương, vì phạm vi của họ là cả nước, thậm chí còn nhiều vấn đề của khu vực, thế giới, họ không thể có đủ đất để nói hết mọi vấn đề, mọi sự việc của các địa phương, do vậy họ chỉ chọn những vấn đề lớn nhất, những thông tin có tính bao quát nhất, có tính “kinh thiên động địa” nhất để phản ánh; còn báo địa phương, dù muốn, dù không, những thông tin trên địa bàn, dù rất nhỏ, nhưng đó là “ý Đảng, lòng Dân”, nó sát với cuộc sống đời thường của người dân thì bắt buộc anh phải nêu hết (tất nhiên cũng không phải “thượng vàng hạ cám” đều phải nêu), vì vậy, không thể gọi lợi thế đó “mang tính cạnh tranh” được.
 
Tuy nhiên, có người cho rằng: “báo đài trung ương đã nêu hết, do vậy không cần đọc báo địa phương”; nhưng khi tôi đi tham gia sinh hoạt chi bộ ở nơi cư trú cũng có nhiều người nói: “mọi việc trên trời dưới đất, qua TV họ có thể biết hết, nhưng nhiều sự việc xảy ra ở địa phương thì mù tịt nếu không đọc, không nghe báo đài địa phương”. Như vậy, trong trường hợp này nếu gọi đó là “tính cạnh tranh của báo địa phương để tồn tại” thì cũng có thể đúng.
 
Anh Đoàn Minh Phụng: Đứng về phạm vi, số lượng phát hành mà nói thì đó là lợi thế không thể so sánh được. Chưa có văn bản nào cấm báo chí của tỉnh này đem bán ra tỉnh kia mà do ta kém cỏi (báo Gia Lai chẳng hạn) đấy chứ! Nhưng nếu chỉ “khoanh vào lợi thế địa phương” thì khâu này báo chí địa phương phải “ăn đứt”- bởi tôi bán báo được cho người đọc của tôi trên địa bàn (Gia Lai) mỗi ngày lên đến 7, 8 ngàn tờ, có báo trung ương nào bán ở “vùng” của chúng tôi hàng ngày lên đến số lượng như thế không? Đương nhiên là không!
 
Đó là chưa nói hiện nay, gần như các báo địa phương đều đã có trang điện tử riêng của mình, thông tin của nó một phần mang tính độc lập tương đối, phần khác nó như là một “công cụ nối dài” cho thông tin địa phương ra không những chỉ trong nước mà cả quốc tế nữa, có nhiều trang điện tử địa phương lượng độc giả truy cập hàng ngày lên đến con số vạn - đó là một thực tế!
 
Anh Trần Huy Thanh: Tôi thì cứ nghĩ, nếu làm được như thế, công chúng mới quan tâm đến tờ báo của địa phương mình. Còn nếu chúng ta cũng “mặc đồng phục” tin tức như các báo Trung ương và ngành, đoàn thể thì công chúng đâu cần đến tờ báo của địa phương nữa...
 
Đã có lợi thế, nghĩa là cũng có giới hạn. Và các giới hạn mà chúng ta đang “vấp” phải? Đó có phải là giới hạn tự mình?
 
Anh Đinh Khắc An: Nói đến giới hạn thì rất nhiều. Tầm của người làm báo địa phương; cơ sở vật chất của báo địa phương; nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương đối với báo chí và đọc báo chí; sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và công tác lãnh chỉ đạo đối với báo chí địa phương; vv. và vv... là những hạn chế.
 
Mặt khác, ông cha ta có câu “tốt khoe, xấu che”. Sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày bao giờ cũng có hai mặt: tốt và xấu. Nếu ta phản ánh cái tốt thì rất dễ được mọi người chấp nhận, vì ai cũng muốn khen; nhưng nếu ta phản ánh cái xấu thì phải xem chừng, nó có phải là vấn đề “nhạy cảm” không, thậm chí, có những vấn đề báo trung ương biết sau báo địa phương, nhưng họ đăng được còn mình thì chịu. Đó là sự hạn chế. Hạn chế về “tính nóng” của báo chí địa phương và sự mạnh dạn trong quyết định của TBT. TBT báo địa phương có một “lợi thế” là nếu thấy cái gì khó thì xin ý kiến chỉ đạo. Tôi cho đó cũng chính là một hạn chế.
 
Anh Đoàn Minh Phụng: Có một là thực tế trình độ đội ngũ những người làm báo (quản lý và viết báo) ở địa phương về nhiều mặt - nhất là chuyên môn và năng lực phát hiện vấn đề, nắm bắt, xử lý vấn đề để nó trở thành “tin”, thành “báo” còn khá hạn chế, bởi bị “khung” vào địa bàn, địa phương nên “tầm nhìn” của các nhà báo bị thu hẹp lại.
 
Anh Trần Huy Thanh: Giới hạn thông tin của báo chí địa phương là chỉ khu biệt trong phạm vi địa phương, mở rộng một chút ra khu vực và ít có tầm… quốc gia, đa phần lại thiếu chiều sâu và không có sức lan tỏa?! Nhưng giới hạn đó sẽ bị phá bỏ nếu chúng ta biết cách lựa chọn thông tin mang tính điển hình và đặc sắc.
 
Anh Tân Văn Ngữ: Theo tôi,giới hạn của báo địa phương trước nhất là phạm vi và kinh phí hoạt động. Dù luật không cấm, nhưng ít có tờ báo đảng nào phát hành ra ngoài tỉnh, do nhu cầu của bạn đọc không nhiều nên số lượng phát hành ngoài tỉnh không bao nhiêu.
 
Kinh phí hoạt động của các báo Đảng đều rất hạn chế. Kinh phí từ ngân sách đảng cấp có hạn, nguồn thu từ quảng cáo và bán báo không nhiều, không đủ trả nhuận bút ở mức thấp nhất theo thang nhuận bút của Nghị định 61/CP của Chính phủ thì đâu thể tăng thêm trang, tổ chức đội ngũ cộng tác viên đông đảo ngoài tỉnh, trả nhuận bút thỏa đáng cho các tác giả có thương hiệu để thông tin thật sự phong phú,hấp dẫn, để đủ tiềm lực mở rộng địa bàn hoạt động ở các thành phố lớn...?
 
 Giới hạn này rất khó khắc phục cho nên báo đảng địa phương phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong tỉnh.
Người ta hay nói đến lề phải và lề trái trong báo chí. Điều mà tôi muốn hỏi các anh là: có khi nào các anh thấy mình đi giữa hai lề đó? Có khi nào các anh thấy áp lực của sự chênh vênh khi nêu – phản ảnh – đăng tải ...một vấn đề nào đó...?
 
Anh Tân Văn Ngữ: Làm báo Đảng, nhất là người trực tiếp quản lý (TBT, P.TBT) luôn phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo, phải tuân thủ pháp luật và chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của cấp trên, không “lấn cấn” vấn đề mang tính riêng tư thì sẽ không thấy áp lực của sự “chênh vênh”.
 
Có những vấn đề đúng là rất bức xúc đối với một số đối tượng độc giả, nhưng không có lợi về mặt tuyên truyền ở địa phương, không nhất thiết phải phán ảnh ngay trên mặt báo mà cần phải có thời gian thẩm định, có kết quả rõ ràng từ các ngành chức năng...
 
Anh Đinh Khắc An: Đi bên phải, lẽ phải về ta. Đó là câu khẩu hiệu của giao thông nhưng áp vào đâu cũng đúng (trừ luật của nước ngoài). Trong báo chí cũng thế: lề phải của chúng ta là tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Nói chung là “vì Tổ quốc, vì Đảng, vì Dân”, những gì đi ngược lại lợi ích của đất nước của nhân dân đều là lề trái.
 
Nhưng trong thực tiễn, có những lợi ích mười mươi vì nước vì dân nhưng cũng không thể nói được (kể cả báo trung ương chứ không riêng báo địa phương), vì còn phải tính đến phương pháp đấu tranh. Đâu phải cái gì đấu tranh trực diện cũng mang lại hiệu quả đâu. Thậm chí còn làm cho tình hình phức tạp hơn. Do vậy mọi việc, TBT phải rất tỉnh táo khi quyết định thông tin đưa lên mặt báo để không đi vào lề trái.
 
Còn áp lực ư? Có việc gì mà không có áp lực. Ngay trong nhà, con cái, dù lớn, dù nhỏ cũng phải chịu áp lực thường xuyên của bố mẹ. Ở cơ quan cũng vậy, ta cũng phải chịu áp lực theo nguyên tắc chung. Gia đình cũng vậy mà xã hội cũng vậy, nếu không theo nguyên tắc, ai thích gì làm vậy thì xã hội sẽ loạn. Báo chí làm gì tránh khỏi áp lực, nhưng dứt khoát báo chí chúng ta không để bị áp lực đồng tiền chi phối.
 
 Anh Trần Huy Thanh: Tôi cho rằng không có chuyện lề trái hay lề phải trong báo chí, quan trọng là tác phẩm báo chí phải bảo đảm các tiêu chí về chất lượng; đó là chính trị, khoa học và giáo dục. Cũng giống như một anh tài xế chuyện nghiệp khi lái xe chỉ cần đi đúng phần đường quy định chứ đâu cứ phải để ý lề trái, lề phải.
 
Còn việc nêu vấn đề nào lên báo suy cho cùng vẫn phải bảo đảm các tiêu chí về chất lượng; quan trọng là phải có các căn cứ xác đáng, khách quan…
 
Anh Đoàn Minh Phụng: Tôi cũng cho là cần xem lại thuật ngữ “lề phải, lề trái” trong thông tin báo chí. Dù cho hiểu nó theo nghĩa nào đi nữa thì cũng cần nghiêm túc trong việc sử dụng cụm từ ấy trong văn bản chính thống. Có điều kiện, tôi nghĩ chúng ta cũng cần bàn kỹ về chuyện này...
 
Câu hỏi cuối cùng: Yếu tố nào – theo các anh - là quan trọng nhất đối với vị thế của một tờ báo địa phương...?
 
Anh Trần Huy Thanh: Đừng tự xem báo địa phương là tờ báo của tỉnh lẻ mà hãy xem như mọi tờ báo khác; chẳng qua chúng ta là một tờ báo có trách nhiệm thông tin về địa phương và phục vụ đối tượng công chúng có quan tâm về địa phương…
 
Anh Đoàn Minh Phụng: Các nước tiên tiến có nền báo chí phát triển lâu đời và quy mô mang tầm quốc tế, nhưng có nhiều tờ báo địa phương, ngành, lĩnh vực vẫn ra đời, tồn tại, phát triển mạnh ... Không ai bao cấp cả mà họ vẫn tồn tại, ngày càng phát triển nữa là khác. Cho nên, ngoài vị thế là cơ quan ngôn luận của cấp chủ quản ra thì mấy cái nữa mà theo tôi, nó bổ trợ lớn đến vị thế; một là, năng lực (tài và tâm) của những người làm báo ở đó; hai là, đừng chỉ dựa 100% vào “bầu vú” ngân sách nhà nước mà phải cố vươn lên tự trang trải dần dần, thu hẹp dần sự trợ cấp của nhà nước; rồi việc nữa là đời sống, thu nhập của người làm báo phải được cải thiện ngày càng cao hơn lên.
 
Có được những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ấy tất uy tín, vị thế tờ báo dù địa phương hay không địa phương cũng sẽ được nâng cao, sẽ đứng được trong lòng bạn đọc!
 
Anh Tân Văn Ngữ: Yếu tố quan trọng nhất đối với vị thế của một tờ báo địa phương là giữ vững tôn chỉ, mục đích; không đưa tin, bài giật gân câu khách, sai sự thật. Bên cạnh đó, Ban biên tập phải tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết với các lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Phóng viên trong quá trình tác nghiệp phải góp phần nâng thêm uy tín, vị thế của tờ báo Đảng tỉnh nhà.
 
Anh Đinh Khắc An: Đã nói đến báo chí thì yếu tố thông tin là yếu tố quan trọng nhất, vì nó sẽ nâng tầm vị thế tờ báo. Nhưng đối với báo chí địa phương, ngoài thông tin, yếu tố quan trọng nhất là tờ báo đó phải thật sự mang hơi thở và tiếng nói của địa phương. Hay nói cách khác, nội dung tờ báo là phải mang đậm bản sắc địa phương mình, không thể nhầm lẫn với ai khác. Hơi thở, tiếng nói của địa phương không phải chỉ ở cái tên của tờ báo, mà quan trọng hơn là ở nội dung của nó có đáp ứng được là tiếng nói của đảng bộ, là diễn đàn, nguyện vọng của nhân dân địa phương mình không?
 
Ta đừng vì báo trung ương có mục này, mục nọ, trang này, trang nọ, ấn phẩm này, ấn phẩm kia... mà chạy theo, trong lúc “cái Đảng bộ cần, nhân dân địa phương muốn” ta lại không nói đến. Báo Thừa Thiên Huế không thể lẫn lộn với báo Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các báo địa phương khác. Đừng để người đọc nói rằng tờ báo Thừa Thiên Huế sao nội dung giống tờ báo ND thế, thì nguy!
 
Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện thú vị này...!
     Hạnh Nhi (thực hiện)
                                                                                                           
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top