ClockThứ Tư, 02/08/2017 05:11

Phát triển cụm công nghiệp: Hạ tầng và xử lý môi trường chưa đồng bộ

TTH - 7 tháng đầu năm 2017, có 7 dự án (DA) đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN), nâng tổng số dự DA sản xuất kinh doanh lên 119 DA với tống vốn đăng ký gần 1 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và xử lý môi trường lại đang gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất hàng dệt may tại CCN Tứ Hạ

Hạ tầng hạn chế

Đi vào hoạt động tại CCN Thủy Phương hơn 1 năm, song đến nay Công ty CP Viên nén năng lượng vẫn gặp khó khăn do hạ tầng hạn chế. “Do không có nhà đầu tư hạ tầng, nguồn vốn địa phương hạn chế nên trước khi đặt nhà máy, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư từ A đến Z. Từ đường giao thông dẫn vào nhà máy, đến hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất. Khó khăn hiện nay đó là chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên DN phải bỏ vốn đầu tư, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất”, Giám đốc Công ty, ông Huỳnh Quốc Tuấn lý giải.

Thành lập năm 2015 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch từ cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Thuỷ Phương, CCN Thủy Phương có quy mô 74,8 ha, thu hút 41 DA đăng ký, trong đó có 24 DA đi vào hoạt động. 7 tháng đầu năm 2017, CCN thu hút thêm 3 DA mới và 1 DA mở rộng, đó là DA đầu tư nhà máy bê tông thương phẩm và xưởng bê tông đúc sẵn của Công ty CP Kinh doanh xây dựng Thịnh Phát, xưởng đá mỹ nghệ của Công ty TNHH Cố Đô, DA bổ sung diện tích đầu tư trạm nghiền xi măng của Công ty CP Long Thọ và xưởng sản xuất chế biến tinh dầu của Công ty TNHH MTV Sản xuất tinh dầu Kim Vui.

Trưởng phòng Kinh tế  TX. Hương Thủy Dương Văn Chính thông tin: “Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã đầu tư 12,5 tỷ đồng xây dựng tuyến đường nội bộ số 3 và 4 và một số hạng mục bổ trợ, song có 3 cái thiếu mà DN đang cần nhưng địa phương không thể đáp ứng là thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung, thiếu quy hoạch mạng lưới điện và nước sinh hoạt trong khuôn viên cụm.”

Cụm công nghiệp Bắc An Gia ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) thành lập từ năm 2010 trên diện tích quy hoạch là 16,5 ha. Năm 2014, UBND huyện đầu tư 14 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống giao thông, điện, cấp nước trên diện tích 2,2 ha. Đến nay, CCN đã thu hút 10 cơ sở sản xuất chuyển từ các khu dân cư vào xây dựng nhà xưởng, trong đó có 7 cơ sở đã ổn định sản xuất, 3 hộ đang triển khai xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, vấn đề xử lý môi trường đang là gánh nặng cho địa phương và các DN khi cụm chưa có hệ thống xử lý nước, rác thải tập trung mà DN “mạnh ai nấy làm”. Trong khi, đa số các ngành nghề hoạt động ở đây đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, như sản xuất vật liệu xây dựng, xay xát, gạch, bao bì, nhựa, cơ khí, mộc mỹ nghệ, sản xuất điện tử…

Hệ thống máy xay xát công suất lớn hoạt động tại CCN Bắc An Gia có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Đầu tư xử lý môi trường

Toàn tỉnh hiện có 9 CCN được quy hoạch chi tiết, trong đó có 5 CCN đã đi vào hoạt động là An Hòa, Thủy Phương, Tứ Hạ, Bắc An Gia và Hương Hòa, thu hút 119 DA đăng ký đầu tư và giải quyết việc làm cho gần 10 ngàn lao động.

Hiện nay, đa số các CCN đều do các địa phương quản lý và cho thuê đất, gặp khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng nên thiếu kinh phí đầu tư các công trình, nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo môi trường.

Đề xuất với Bộ Công thương tại hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, TP khu vực miền Trung- Tây Nguyên vừa diễn ra vào đầu tháng 7/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN đang thực sự trở thành vấn đề bức thiết, trong khi nguồn lực của địa phương chưa thể có điều kiện để đầu tư xử lý đồng bộ theo quy định bảo vệ môi trường hiện hành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng CCN, đặc biệt các công trình hạ tầng về xử lý môi trường.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng: “Một trong những mục tiêu để phát triển CCN tại các huyện, thị xã và TP. Huế là di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư đến khu tập trung, vấn đề đảm bảo môi trường tại CCN phải đặt lên hàng đầu”.

Trong lúc nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế, Sở Công thương đã thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn khuyến công, vốn sự nghiệp hỗ trợ các cơ sở sản xuất tại các CCN một phần kinh phí mua sắm trang thiết bị hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời tham mưu UBND tỉnh đầu tư kinh phí đẩy nhanh các công trình hạ tầng, đặc biệt là các khu xử lý nước và rác thải tập trung.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top