ClockChủ Nhật, 08/10/2017 16:59

Phát triển đội ngũ giảng viên trẻ, góp phần nâng tầm Đại học Huế

TTH - Phát triển đội ngũ giảng viên (GV) trẻ là hướng đi đảm bảo quy hoạch công tác cán bộ chuyên môn thực hiện những mục tiêu lâu dài của các trường đại học (ĐH) và tránh lãng phí nhân tài. Liên quan vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duân, Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐH Huế chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần: “ĐH Huế không chỉ quan tâm tuyển dụng đầu vào chất lượng mà còn chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển năng lực của họ để đáp ứng nhu cầu thời đại theo hướng nâng tầm ĐH Huế trở thành ĐH nghiên cứu chuyên sâu”.

PGS. TS. Nguyễn Duân, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Đại học Huế

Thưa ông, việc phát triển đội ngũ GV trẻ tại ĐH Huế hiện nay như thế nào?       

ĐH Huế hiện có khoảng 2.100 GV, trong đó khoảng 83% GV có trình độ sau ĐH. Thật ra, chưa có khái niệm chính xác về GV trẻ. Trong cuộc trao đổi này, tôi xin phép gọi GV trẻ theo quy ước thông thường là từ 35 tuổi trở xuống. Ở ĐH Huế, đội ngũ GV trẻ  hiện chiếm khoảng trên 55%.

Tùy nhu cầu và điều kiện thực tế các đơn vị đào tạo, bình quân mỗi năm toàn ĐH Huế tuyển hàng chục đến cả trăm GV trẻ. Nguồn tuyển là sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy từ các trường ĐH công lập có uy tín trong và ngoài nước có ngành hoặc chuyên ngành phù hợp lĩnh vực cần tuyển, đạt loại giỏi trở lên; sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, thủ khoa hoặc người có trình độ tiến sĩ (tốt nghiệp ĐH chính quy công lập, loại khá trở lên) thì được xét tuyển đặc cách vào viên chức. Nguyên tắc, chọn những người thực sự có năng lực. Hội đồng tuyển dụng đánh giá rất kỹ, kể cả những trường hợp được tuyển đặc cách.

Liệu ĐH Huế có gặp khó khăn gì trong việc cân đối GV lâu năm và GV trẻ?

ĐH Huế có 8 trường thành viên, 1 phân hiệu và 2 khoa trực thuộc. Mỗi đơn vị lại có nhiều khoa, bộ môn, ngành… cần nguồn GV lớn nên việc tuyển dụng là cần thiết. Quy trình tuyển dụng giảng viên được ĐH Huế quy định rất chặt chẽ. Có hai yếu tố chính làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển dụng GV là số GV về hưu và nhu cầu phát triển ngành nghề ở các đơn vị. Ngoài ra, yêu cầu của nhiều ngành đòi hỏi tuyển thêm GV có trình độ cao, được đào tạo ở các nước tiên tiến.

ĐH Huế và các đơn vị có chiến lược phát triển, trong đó có công tác quy hoạch cán bộ chuyên môn, đảm bảo đội ngũ GV đáp ứng công tác đào tạo và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đơn vị. Quan điểm chung là không bị động trong công tác nhân sự, nghĩa là không đợi đến lúc cán bộ nghỉ hưu rồi mới tuyển, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo đội ngũ kế cận. Khâu tuyển dụng được tính toán kỹ, GV trẻ và GV lớn tuổi được cân đối để đảm bảo các vị trí làm việc theo đề án đã xác định.

Nhà nước có quy định về giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được kéo dài thời gian công tác chuyên môn sau khi hết tuổi quản lý. Liệu đối tượng này có bị ảnh hưởng?

Tôi khẳng định là không, thậm chí có tác dụng tốt đối với các GV trẻ. Việc các giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện kéo dài thời gian công tác chuyên môn theo quy định tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ĐH Huế và đơn vị vẫn đảm bảo quyền lợi của họ khi họ có nguyện vọng, có sức khoẻ và đơn vị sử dụng có nhu cầu. Vấn đề này, ĐH Huế có quy định rất rõ trên cơ sở các quy định của Nhà nước hiện hành. Trong trường hợp này, các đơn vị đều có phương án cân đối nhân sự hợp lý.

Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có nguyện vọng kéo dài thời gian công tác là đáng trân trọng và thuận lợi cho công tác hoạt động của nhà trường, bởi họ không chỉ thực hiện công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng GV trẻ.

Việc cân đối GV lớn tuổi cùng GV trẻ là cơ hội để GV trẻ được học tập vì sau khi được tuyển dụng, họ phải trải qua thời gian bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm các GV lâu năm thông qua dự giờ lên lớp, nghiên cứu khoa học, các sinh hoạt học thuật. ĐH Huế rất muốn các GV lớn tuổi chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, Quốc gia; xuất bản sách báo ở nước ngoài; sách chuyên khảo, giáo trình... để GV trẻ tham gia.

Giảng viên Lê Quang Minh (30 tuổi - Khoa Báo chí Truyền thông, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) hướng dẫn sinh viên cách làm việc nhóm trong một tiết học

Ngoài học tập kinh nghiệm từ các GV đi trước, công tác bồi dưỡng GV trẻ như thế nào, thưa ông?

Hằng năm, ngoài công tác đào tạo, hướng dẫn nội bộ, các đơn vị giáo dục thuộc ĐH Huế còn tạo mọi điều kiện để động viên, hỗ trợ cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm và các chứng chỉ nghề nghiệp khác.

ĐH Huế có cơ chế khuyến khích GV tìm các học bổng nước ngoài và tạo điều kiện để họ đi học. Những trường hợp tự tìm được nguồn học bổng sẽ được ĐH Huế khen thưởng. Thông qua việc tìm học bổng là cơ hội để họ phát triển năng lực ngoại ngữ và phát huy khả năng hợp tác quốc tế.

Khâu tuyển dụng và bồi dưỡng đều được làm kỹ, vậy chất lượng GV trẻ hiện nay...?

Sau khi tuyển dụng, GV trẻ tiếp tục được theo dõi, đánh giá thông qua nhiều giải pháp như: đánh giá của đơn vị quản lý (khoa, bộ môn, trường) và kết quả khảo sát sinh viên bằng hình thức phát phiếu điều tra, khảo sát trực tiếp…

Qua các kết quả đánh giá, có thể thấy GV trẻ phát huy tốt năng lực của mình trong các mặt: đạo đức nghề nghiệp, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn. Hằng năm, có không ít GV trẻ được nhận các học bổng đào tạo ở nước ngoài hoặc đạt thành tích tốt trong hoạt động chuyên môn. GV trẻ có xu hướng sớm đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chuẩn bị sớm cho việc đăng ký chức danh phó giáo sư.

Tất nhiên, khó so sánh năng lực giảng dạy của GV trẻ và GV lâu năm bởi xét về kinh nghiệm, rõ ràng GV trẻ còn thiếu. Tuy nhiên, lực lượng GV trẻ rất cố gắng, chủ động tiếp cận phương pháp giảng dạy mới và nhiệt tình trong công việc. Chúng tôi khẳng định, phần lớn các GV trẻ hiện tại ở ĐH Huế đáp ứng tốt yêu cầu công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.

Chủ trương quy hoạch cán bộ chuyên môn để nâng tầm ĐH Huế theo hướng ĐH nghiên cứu chuyên sâu, vậy thời gian tới, công tác phát triển đội ngũ GV trẻ có điểm mới nào?

Việc tuyển dụng và phát triển đội ngũ GV trẻ đã được lãnh đạo ĐH Huế đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc tuyển dụng và bồi dưỡng GV trẻ sẽ tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả trước đây. GV trẻ phải được bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu cơ bản, là: đạo đức nghề nghiệp tốt, có trách nhiệm cao đối với công cuộc xây dựng và phát triển của đơn vị và của ĐH Huế theo hướng chất lượng, hội nhập và hiệu quả; có trình độ chuyên môn cao; tích cực nghiên cứu khoa học, có xuất bản quốc tế; tham gia liên kết đào tạo hay trao đổi khoa học với nước ngoài và có sản phẩm nghiên cứu ứng dụng thiết thực…

ĐH Huế sẽ đưa các tiêu chuẩn của GV trẻ thành các tiêu chí để xét thi đua, nâng bậc, nâng hạng hoặc xét các chức danh liên quan.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

TIN MỚI

Return to top