ClockThứ Ba, 13/03/2018 12:00
VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI CỦA CẢ NHÂN LOẠI VÀ MỖI CON NGƯỜI:

Phát triển khoa học không quên nền tảng đạo đức

TTH - Theo Vietnamnet ngày 24/10/2017, phát biểu tại Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới ở Sochi ngày 22/10, ông Putin nói các nhà khoa học Nga sẽ sớm phá được mã gene và tạo ra thứ “tồi tệ hơn một quả bom hạt nhân”. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng thế giới sẽ sớm chứng kiến những người lính siêu nhân công nghệ cao không bao giờ cảm thấy đau hoặc sợ hãi…

Tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạpĐưa khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống

Vườn rau sạch của một gia đình Ảnh: Internet

Ông chủ điện Kremlin tiết lộ khả năng “tạo ra người với các đặc tính được thiết kế lại” là điều sắp đặt được… Con người đó có thể là nhà toán học thiên bẩm, một nhạc sĩ tài năng hoặc một binh sĩ chiến đấu không biết sợ hãi, không hối tiếc hay đau đớn. Tổng thống Putin cho rằng, những phát triển đó là không thể tránh khỏi, và ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hợp tác với nhau để phát triển các quy định đạo đức liên quan đến “những sáng tạo như vậy”...

Bộ gene của con người. Ảnh: Internet

Việc Tổng thống Putin nhắc lại điều chúng ta “không bao giờ được quên các nền tảng đạo đức” trong phát triển khoa học không phải là mới lạ. Sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/8/1945 khiến gần 20 vạn người dân tử vong, nhiều nhà khoa học và chính trị gia phản đối quyết định ném bom nguyên tử của Tổng thống Mỹ Truman, vì dù nhìn ở góc độ nào thì việc thả bom có sức công phá lớn nhắm vào dân thường là hành vi trái với đạo đức, không thể biện minh. (Mặc dù một số chính phủ cho rằng việc đó là cần thiết, vì nó tránh cho chiến tranh kéo dài, có thể gây thiệt hại còn lớn hơn 2 quả bom nguyên tử…). Chính vì thế mà nhà khoa học thiên tài Einstein, tác giả của thuyết lượng tử, đã cùng nhà triết học người Anh Bertrand Russel ký Tuyên ngôn chung chống lại việc sử dụng phân hạch hạt nhân làm vũ khí…

Hơn 70 năm qua, khoa học đã tiến rất xa, đạt nhiều thành tựu nổi bật, được ứng dụng rộng rãi hơn cả là trong công nghệ thông tin. Việc sử dung năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ngày một phổ biến, nhưng kho vũ khí nguyên tử trên thế giới, nếu không may bị kích hoạt, vẫn thừa sức phá hủy cả trái đất. Vậy mà Tổng thống Putin lại nói việc “phá được mã gene” sẽ tạo ra thứ “tồi tệ hơn một quả bom hạt nhân”.

Một khi đột biến gene. Ảnh: Internet

Nói như vậy, vì thực ra, chỉ một số rất ít người có quyền cho nổ bom hạt nhân và trong thời đại hiện nay, chỉ có người điên mới làm điều đó vì chiến tranh hạt nhân xảy ra thì cả hai phía đều bị tiêu diệt. Còn phát minh “phá được mã gene” rồi “sắp đặt lại” để có thể tạo ra những nhân tài và cả lính chiến không biết sợ chết… thì đã chạm đến bí ẩn lớn nhất có tính thiêng liêng của tạo hóa, khiến nhân loại hỗn loạn không thể lường hết hậu quả.

Một năm trước (năm 2016), Giáo sư Karim Neyernia (Đại học Newcastle - Anh) cũng công bố phát minh chấn động thế giới là phụ nữ có thể sinh con không cần đàn ông, bằng cách biến đổi tế bào gốc tuỷ sống thành… tinh trùng. “Tôi cũng không cho là vẫn còn nhiều rào cản về mặt đạo đức. Chúng tôi đang nỗ lực để dư luận xã hội chấp nhận kết quả của nghiên cứu này”. Ông nói như vậy, mặc nhiên thừa nhận phát minh này đã chạm đến vấn đề đạo đức truyền thống của nhân loại. Cũng trong lĩnh vực sinh sản, ngay ở Việt Nam, vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể sinh con nhờ thụ tinh bằng ống nghiệm nhưng phải tuân theo các quy định chặt chẽ về mặt đạo đức như giữ bí mật tên người cho tinh trùng và người nhận… (Nghị định số 10/2015/NĐ-CP). 

Trên đây là những thí dụ về các thành tựu khoa học ở “tầm xa” hoặc ít phổ biến, nếu đem áp dụng vào đời sống phải tuân theo những quy chuẩn về đạo đức. Nhưng vấn đề này đặt ra cả trong cuộc sống hàng ngày và đụng chạm tới tất cả mọi người. Đã có người theo dõi mua táo cúng rằm, nửa tháng sau vẫn “tươi mới”. Có người trồng rau thì phân chia rõ luống cho người nhà ăn và luống đem ra chợ bán. Rõ ràng, đã có không ít nhà sản xuất, kinh doanh vô đạo đức khi sử dụng thành quả khoa học (các loại hóa chất) chỉ nhằm chạy theo lợi nhuận, bất kể đến sự an toàn của người sử dụng. Các xí nghiệp, nhà máy xả chất thải độc hại ra môi trường sống của cộng đồng cũng phạm tội tương tự, nhưng ở mức nặng hơn… Những vấn nạn kể trên không mới, vẫn lặp đi lặp lại, chứng tỏ vấn đề cần được xã hội và các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn để có thể tìm ra những đối sách có hiệu quả.

Trong công nghệ thông tin, những hành vi vi phạm đạo đức ngày một nhiều hơn. Gần đây, một số kẻ lợi dụng kỹ thuật số phao tin đồn thất thiệt khiến cộng đồng náo loạn… Theo BBC, năm 2017 đánh dấu sự phát triển chưa từng có của trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI). AI đang phát triển rất nhanh chóng và đi vào tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự, cho đến văn hoá, thậm chí cả đời sống tình cảm, tình dục của con người. Nỗi lo sợ trước sự “xâm lấn” của người máy (robot) vào xã hội loài người ngày càng lớn. Phương Tây đã chính thức đặt vấn đề về việc ban hành những đạo luật về thuế trong sản xuất robot, về tính đạo đức, nhân văn trong trí tuệ của robot và đặc biệt là quy định bắt buộc phải có “nút chết” trên mỗi con robot phòng trường hợp chúng tấn công con người…

Vấn đề phát triển khoa học luôn phải đi liền với việc xây dựng nền tảng đạo đức đặt ra là rất cấp thiết với nhiều cấp độ. Giải quyết vấn đề này cần phải tính đến nhiều biện pháp - có việc ở tầm vĩ mô như phải bổ sung luật pháp cho thích ứng với từng đối tượng, ngành nghề; phải đưa vấn đề vào chương trình giáo dục, hoặc giao trách nhiệm cho thầy cô giáo - không chỉ những giáo viên dạy môn đạo đức - công dân, mà cả giáo viên vật lý, hóa học, công nghệ thông tin - cần luôn nhắc nhở học sinh, sinh viên phải biết nghĩ tới khía cạnh đạo đức trong khi tìm tòi và vận dụng kiến thức khoa học mới vào cuộc sống.

Còn với mỗi một chúng ta, tùy hoàn cảnh cụ thể, đều có thể góp phần xây dựng nếp sống có đạo đức trong công việc hàng ngày, khi chạm đến những ứng dụng khoa học mới. Ví như một đoàn viên thanh niên, công đoàn hay phụ nữ, đều có thể ngăn chặn gia đình mình hay đơn vị mình sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, thuốc men… Hoặc mỗi người mẹ đều có thể nhắc con cái hãy biết thận trọng khi lên facebook, đừng tưởng các dòng chữ hay hình ảnh “ảo” rồi sẽ bị “gió cuốn đi”.

Cuộc sống ngày càng tiến lên, người làm khoa học hay ứng dụng khoa học vào đời sống luôn phải nhớ đến các chuẩn mực đạo đức đã được cộng đồng thừa nhận. Đây là vấn đề hiển nhiên cần được mọi người quan tâm…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Return to top