ClockThứ Ba, 02/01/2018 14:26

Phát triển nông nghiệp: Cần cải thiện về chất

TTH - Ngành nông nghiệp của Thừa Thiên Huế tăng trưởng chỉ vào khoảng trên dưới 3% năm. Nhưng nó giữ vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và góp phần ổn định đời sống của một bộ phận đông đảo người dân sống ở khu vực nông thôn.

Cần đột phá chính sách thu hút đầu tư để ngăn nông nghiệp… lao dốcKhát vọng nâng cao thương hiệu, tạo giá trị cho sản phẩm nông nghiệp

Đồng lúa vào vụ. Ảnh: Trương Vững

Tuy đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong phát triển nông nghiệp mấy chục năm qua, như nâng cao được sản lượng các loại cây trồng vật nuôi; nhiều đối tượng nông nghiệp mới được nghiên cứu và đưa vào sản xuất, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống, phương thức sản xuất được áp dụng… Nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là cộng đồng kinh tế ASEAN, khi nhiều dòng thuế được cắt giảm mạnh và về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) thì những khó khăn trong cạnh tranh sẽ diễn ra hết sức mạnh mẽ. Ví dụ như mặt hàng hoa quả nhiệt đới, từ năm 2015 thuộc nhóm các mặt hàng linh hoạt (trong 7% số dòng thuế tùy chọn của các nước có cắt giảm thuế hay không) thì từ năm 2018 sẽ về 0%.

Như trên đã nói, với một nền nông nghiệp về cơ bản vẫn ở trình độ thấp, khi cánh cửa thị trường khu vực và quốc tế được mở rộng, nó sẽ dẫn đến một cuộc đua không cân sức là điều chúng ta có thể nhìn thấy.

Với một nền nông nghiệp còn “vướng” nhiều thứ: như chính sách đất đai, trình độ sản xuất, tâm lý sản xuất, nguồn lực vốn… không dễ gì trong một sớm một chiều chúng ta đưa nền nông nghiệp phát triển mạnh, mang tính cạnh tranh cao được. Vậy thì làm cách nào để phát triển?

Thử nghiệm giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao ở Phú Vang, Quảng Điền. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tính chất hàng hóa qui mô lớn của nông nghiệp ở tỉnh ta nhìn chung là không nhiều. Là do qui mô sản xuất còn nhỏ, không tập trung vào những mặt hàng thế mạnh chủ lực nào. Nếu hình dung miếng bánh nông nghiệp như một trái cam thì nó có rất nhiều múi, mỗi thứ mỗi ít. Trên cùng một cánh đồng ruộng thì trồng rất nhiều giống lúa. Trên cánh đồng rau thì trồng rất nhiều loại rau. Nơi này làm nấm nơi kia trồng ném… Điều này không thể nào tạo ra hàng hóa lớn để phục vụ chế biến hoặc tham gia xuất khẩu được.

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chúng ta thấy nhiều nơi có qui mô sản xuất hàng hóa rất lớn. Ví dụ như một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nuôi các loại cá da trơn với qui mô rất lớn để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Con cá lóc, cá kèo và bây giờ là cá zét được phân phối khắp các thị trường trong nước, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Thử nghiệm giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao ở Phú Vang, Quảng Điền. Ảnh: Nguyễn Khánh

Làm ăn như bà con chúng ta đang làm cũng có cái hay là tránh rủi ro, chỉ thích hợp cho tiêu dùng nội địa, nội tỉnh nhưng khó mà khá lên dược. Để nâng cao giá trị những mặt hàng như vậy, nên chú ý những mặt hàng đặc trưng vùng miền; tập trung nâng cao chất lượng để đẩy mạnh phục vụ nội địa. Sạch và an toàn đang là một xu hướng tiêu dùng mới được đón nhận. Vấn đề là phải xây dựng được một hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tăng tính minh bạch về các chỉ số chất lượng, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Ví dụ như mặt hàng gạo. Trước đây người dân quan tâm nhiều đến giá cả thì nay, gạo hữu cơ, có thương hiệu dù đắt gấp đôi vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Ở Huế không thiếu những vùng rau màu nổi tiếng, sản xuất được quanh năm. Riêng việc chúng ta tìm cách nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống khách sạn lớn, đưa vào các siêu thị thì đã nâng cao được giá trị và thương hiệu của sản phẩm.

Đối với những mặt hàng có thể tạo ra qui mô sản xuất lớn, nhất thiết phải hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cũng như chủ động các khâu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ví dụ như trồng sắn công nghiệp. Ở tỉnh ta hiện nay có nhiều diện tích có thể trồng sắn. Nam Đông, A Lưới và một số vùng gò đồi đã trồng loại cây trồng này. Rất cần thiết hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Rừng trồng kinh tế, nuôi tôm, chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng công nghiệp cũng là những thế mạnh của tỉnh có thể đẩy mạnh để thúc đẩy công nghiệp chế biến, tham gia xuất khẩu.

Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là một thuận lợi để hỗ trợ nguồn lực về vốn. Đây là một cơ hội tốt để ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp cận và có những cải thiện về “chất” trong phát triển.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Return to top