ClockThứ Tư, 17/10/2018 05:15

Phát triển sản phẩm thủy sản đặc thù

TTH - Vùng đầm phá có nhiều loại thủy sản được xếp vào dạng đặc sản. Song, để các loại đặc sản này “vươn tầm”, trở thành sản phẩm đặc thù của Huế là không dễ.

Xử lý đánh bắt thủy sản bằng giã cào: Khó do hạn chế nguồn lựcThuỷ sản Việt khó đưa hàng vào siêu thị

“Không nơi nào như ở Huế”

Trong một lần tham quan đầm phá, anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ nhà hàng Đầm Chuồn hội quán (xã Phú An, huyện Phú Vang) bảo rằng, trong tour du lịch trải nghiệm đầm phá của anh, du khách có thể trải nghiệm đánh bắt các loại thủy sản đầm phá cùng người dân địa phương, sau đó có thể tự chế biến và thưởng thức. Mô hình này cũng được áp dụng tại một số địa phương khác như Phú Lộc, Quảng Điền…

Thu hoạch thủy sản vùng đầm phá

Theo anh Dũng, vùng đầm phá được thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản không nơi nào có được, như cá kình, cá nâu, cá dìa, cua… Các loại thủy sản đầm phá ở Thừa Thiên Huế có nét đặc trưng, chất lượng hơn hẳn so với những vùng miền khác.

Chị Lê Thị Hiền (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) hào hứng: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và đặc sản nước lợ thì không nơi nào như Huế, được thiên nhiên ban tặng một vùng đầm phá rộng lớn với đa dạng các loại thủy sản. Trong số các loại thủy sản tôi thích nhất là cá ong bầu, mặc dù cá khá nhỏ nhưng thịt rất thơm ngon, không lẫn vào đâu”.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, vùng sinh thái đầm phá Tam Giang mang nét đặc thù. Tại Thừa Thiên Huế, các con sông ít phù sa, tảo; nước biển độ mặn thấp nên vùng giao thoa nước lợ rất đặc trưng. Chính điều này khiến các loại thủy sản có mùi vị khác biệt. Sự khác biệt đó tạo ra lợi thế phát triển kinh tế vùng đầm phá. Bên cạnh yếu tố kinh tế, đặc sản đầm phá đang góp phần hút khách du lịch đến tham quan.

Gỡ khó nguồn giống

Mặc dù các loại thủy sản vùng đầm phá đa dạng, có đặc thù nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chỉ bó hẹp nội tỉnh, thậm chí khu biệt ở từng địa phương. Việc phát triển thành các sản phẩm đặc thù thông qua xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tập trung quy hoạch vùng sản xuất để tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cung ứng cho thị trường ngoại tỉnh gần như không có.

 Du khách trải nghiệm với việc đánh bắt các loại đặc sản đầm phá

Anh Nguyễn Văn Lành, một người Huế sống ở Đà Nẵng chia sẻ: “Mỗi khi ra Huế, tôi thường mua tôm, cua, cá đầm phá vào cấp đông để dự trữ sử dụng. Mặc dù là đặc sản nhưng nếu không ở Huế khó lòng thưởng thức”.

Bà Phan Thị Thu Hồng thừa nhận: Thị trường tiêu thụ thủy sản đầm phá bó hẹp trong tỉnh, chỉ một số ít được chuyển đến các tỉnh, thành lân cận theo đường “xách tay”.

Nhìn chung các loại thủy sản bản địa đều được khai thác và nuôi trồng, song ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, để tạo ra các sản phẩm đặc thù vẫn gặp khó khăn vì các loại thủy sản này chỉ xuất hiện theo mùa và trong thời gian ngắn. Để tạo thành các sản phẩm theo dạng hàng hóa phải có số lượng lớn và thường xuyên, có phương thức đánh bắt, nuôi trồng hợp lý.

Theo bà Phan Thị Thu Hồng, khó khăn lớn nhất để tạo ra sản phẩm thủy sản đặc thù là việc không chủ động nguồn giống. Nếu dựa vào khai thác để tạo ra sản phẩm đặc thù là gần như không thể bởi sản lượng rất ít mà chủ yếu dựa vào nuôi trồng. Tuy nhiên, nguồn giống bản địa, tại chỗ đang dần ít đi và chưa thương mại hóa được nghề sản xuất giống với những con giống bản địa nên việc nuôi trồng gặp không ít rào cản. Các cơ sở nuôi trồng chủ yếu nhập giống từ các tỉnh, thành khác.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, trong các loại cá đầm phá có 3 loại được chọn sản xuất giống thí nghiệm là cá ong bầu, dìa, nâu. Trong số đó, cá dìa được chọn để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ dừng lại ở mức thành công theo dạng đề tài nghiên cứu, loại cá này vẫn chưa được thương mại hóa.

“Một thời, tôm sú là sản phẩm hàng hóa được xuất khẩu, trở thành sản phẩm đặc thù. Song, khi quá trình sản xuất giống bị thoái hóa, con tôm này dần mất chỗ đứng. Đến năm 2007, ngành sản xuất giống tôm thẻ chân trắng chiếm ưu thế, được tiêu thụ mạnh trên thị trường và xuất khẩu, trong khi nuôi tôm sú có tác dụng cân bằng sinh thái và có lợi về kinh tế khi nuôi xen ghép với cua, cá.

Với bất kỳ loại đặc sản đầm phá nào, nếu muốn xây dựng thương hiệu trước tiên phải xây dựng được quy trình sản xuất giống. Theo đó, phải có nguồn giống tự nhiên bổ sung vào nguồn giống bản địa, tạo môi trường sống thân thiện; ngoài ra áp dụng công nghệ để nâng cấp quy trình sản xuất giống. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Đại học Huế để nghiên cứu, tạo giống nhằm hướng đến sản phẩm thủy sản đặc thù”, bà Hồng nói.

Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; ổn định diện tích nuôi hiện có, duy trì và phát triển hình thức nuôi xen ghép; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình, phương thức nuôi mới nhằm nâng hiệu quả trong nuôi trồng.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top