ClockChủ Nhật, 30/04/2017 05:51

Phát triển song hành 3 trục thương mại

TTH - Cùng với hệ thống giao thông xuyên suốt, dịch vụ thương mại (TM) các vùng miền không ngừng mở rộng, tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nội địa, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Chọn mua hàng nông sản địa phương

Vùng sâu, vùng xa chuyển mình

Thời điểm Nam Đông mới tách ra từ Phú Lộc để thành lập huyện mới, việc mua bán, trao đổi hàng hóa như “nốt nhạc” trầm. Cả huyện Nam Đông chỉ tấp nập ở khu chợ Khe Tre, nhưng hàng quán, thương nhân trao đổi hàng hóa vẫn còn thưa vắng. Hàng hóa chủ yếu là nông sản, của đồng bào các xã Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Long...tự cung tự cấp.

Lên Nam Đông hôm nay, diện mạo huyện vùng cao này đã đổi khác. Trung tâm huyện, khu vực chợ Khe Tre sầm uất ki ốt, quầy sạp kinh doanh đủ mặt hàng. Dọc các tuyến đường nối xã Thượng Lộ, Hương Hòa, Hương Phú... cũng mọc lên nhiều điểm kinh doanh, từ dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, đến sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, máy nông nghiệp, kinh doanh vận tải, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng may mặc…

Kết nối, đưa sản phẩm địa phương ra thị trường

Anh Lê Văn A, quê Hương Thủy lên định cư Nam Đông đầu thập niên 1980, giờ đã làm ông chủ chuyên cung cấp gas cho cả khu vực thị trấn Khe Tre. Anh thuộc diện có của ăn của để, xây nhà cao tầng và sắm ô tô làm phương tiện cho mỗi dịp về thăm quê. Như lời tâm sự của anh A, Nam Đông có được như hôm nay là nhờ cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và giữ vị trí đầu mối giao thương hàng hóa theo những chuyến xe ra Bắc vào Nam.

Cách thành phố Huế khoảng 30km, hơn 10 năm trước, đời sống kinh tế của người dân Phong Điền còn vất vả. Những năm gần đây, nhờ hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, người dân cũng thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Từ trung tâm chợ An Lỗ, về vùng ven biển Ngũ điền, các trung tâm thị tứ Điền Lộc, Điền Hòa, ngược lên Phong Mỹ, Phong Xuân bây giờ đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm, gia dụng đến các cửa hàng sửa chữa máy móc nông nghiệp, điểm thu mua nông sản.

Anh Nguyễn Thế Hùng, thôn Tân Mỹ (Phong Mỹ) cho biết, trước đây mỗi khi người dân trong xã muốn mua sắm các loại thiết bị sinh hoạt gia đình đều phải mất cả ngày về Huế, bây giờ chỉ cần ra trung tâm xã; hàng hóa vừa phong phú, đa đạng, giá cả hợp lý.

Từ khi đường Hồ Chí Minh thông tuyến và nhiều tuyến đường huyết mạch nội tỉnh hình thành, khoảng cách giao thương ở vùng cao được rút ngắn. Nếu trước kia, chợ trung tâm A Lưới chỉ phục vụ cho người dân địa phương trao đổi mua bán, thì nay, nơi đây đã thành điểm dừng chân, mua bán của người dân tứ xứ. Sản phẩm địa phương như: dệt zèng, gạo, mật ong, một số loài hoa, thịt bò đã trở thành hàng hóa, theo những chuyến xe khách về xuôi.

Công nghiệp hóa sản xuất sản phẩm nội địa

Chưa phân định rõ phát triển TM ở từng vùng miền, nhưng theo đánh giá chung của ngành công thương về phát triển TM trong giai đoạn gần đây cho thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ TM ngày càng được củng cố, nâng cấp, xây mới; hệ thống chợ, cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, trung tâm TM phát triển theo tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Từ 1.096 DN tham gia hoạt động TM năm 2010 lên 1.200 DN năm 2014, đến nay đã tăng lên xấp xỉ 5.000 DN và trên 10.000 hộ kinh doanh cá thể. Qui mô thương mại tiếp tục tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng từ 19.035 tỷ đồng (năm 2013) lên 21.394 tỷ đồng (năm 2014) và gần 25.000 tỷ đồng (năm 2016). Riêng quý 1 năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Ba trục TM: vùng cao, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang từng bước được kết nối, tạo chuỗi thị trường năng động, phát triển song hành cùng khu vực thành phố, thị xã, tạo đầu mối sản xuất, cung ứng và tiêu thụ vững mạnh.

Lãnh đạo ngành công thương lý giải, một khi đầu ra sản phẩm ổn định thì người dân chú trọng sản xuất. Ngoài thị trường tiêu dùng hằng ngày của bà con, việc phát triển thị trường cung ứng nguyên vật liệu, giống cây con cũng đang được các nơi chú trọng thúc đẩy.

Hiện nay, ngành công thương đang tìm kiếm các sản phẩm sản xuất tại 2 địa bàn vùng núi Nam Đông, A Lưới để đưa các nhà phân phối, nhà tiêu thụ đến tìm hiểu, trực tiếp làm việc với nông dân để xác định các tiêu chí cũng như thị trường sẽ tiêu thụ.

Đối với vùng nông thôn, vùng xa như Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Trà, hiện một số sản phẩm từ cây, con đã tìm được đầu ra. Tuy nhiên, để tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập đòi hỏi nhiều yếu tố buộc người dân phải tuân thủ trong cơ chế thị trường như: chất lượng đầu ra, vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất ổn định và mở rộng, đảm bảo thông tin về sản phẩm.

Vùng đầm phá, ven biển hiện có lợi thế về khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản. Tuy nhiên, để ổn định đầu ra, giảm chi phí, chất lượng an toàn, đòi hỏi phải công nghiệp hóa sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, lợi thế để hiện thực hóa mục tiêu này là tỉnh đã có chủ trương dồn điền, tập trung sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô lớn cũng như cây, con giống. Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản phẩm và thị trường càng không thể làm thủ công, manh mún, mà phải sản xuất theo hướng công nghiệp hóa bằng ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa và tối ưu hóa phương thức lưu chuyển, giao dịch hàng hóa.

“Một mảng chúng ta không thể thiếu là đẩy mạnh hoạt động du lịch dịch vụ. Du lịch đầm phá, du lịch trang trại, du lịch nông thôn phát triển sẽ tạo điều kiện giúp người dân, chính quyền địa phương đổi mới sản phẩm du lịch và đổi mới các hoạt động khác. Chắc chắn khi du lịch tại các thị trường này phát triển thì TM sẽ phát triển theo. Phát triển TM ở nông thôn không thể tách khỏi sản xuất nông nghiệp và không thể tách khỏi dịch vụ du lịch ở nông thôn. Ba trục TM kể trên cần phải phát triển song hành để lĩnh vực TM nói riêng và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn nói chung được nâng cao”, Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Thanh chỉ rõ.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

Dự án Aeon Mall Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn Aeon Mall tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

TIN MỚI

Return to top