ClockThứ Ba, 15/10/2019 08:34

Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”

TTH.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”.

Dự án của sinh viên Đại học Huế giành giải Ba cuộc thi khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đề án định hướng phát triển trường cao đẳng (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm) chất lượng cao đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển trường cao đẳng chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, các giải pháp đồng bộ, khả thi.

Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.

Mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

Giai đoạn 2021 - 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng và ban hành các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao về: quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.

Đồng thời lựa chọn một số trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao để có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo và được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới đối với các trường cao đẳng được lựa chọn.

Xây dựng và áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng ở các trường cao đẳng được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, nhà giáo; mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là cho các ngành, nghề trọng điểm.

Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”
Return to top