ClockThứ Sáu, 07/04/2017 09:35

Phí & dịch vụ

TTH - Miễn phí thẻ đọc và mượn tại chỗ cho thiếu nhi dưới 16 tuổi, tăng 10.000 đồng/thẻ đối với hai loại thẻ đọc tại chỗ, thẻ mượn và quy định mức thu mới 50.000 đồng/thẻ đối với thẻ đọc và mượn của người lớn là mức thu mới đối với phí thư viện tại Thư viện tổng hợp tỉnh đã được thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ I – HĐND tỉnh ngày 31/3 vừa qua.

So với mức thu cũ, đối tượng trẻ em đã được đưa từ mức thu 10.000 đồng/thẻ về con số 0 với mục đích khuyến khích trẻ tiếp cận và đọc sách ở các hình thức khác nhau. Mức tăng thêm do biến động giá ở tỷ lệ là 50% nhưng con số tuyệt đối cũng chỉ là 10.000 đồng/người theo đánh giá của nhiều người là hoàn toàn hợp lý; thậm chí là hầu như không đáng kể. Mức thu mới đối với thẻ đọc và mượn cũng là con số hoàn toàn dễ chịu. Trong một cái nhìn tổng quan, việc tăng thêm mức phí thư viện đối với người có nhu cầu đọc sách là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi mức thu cũ không đủ đáp ứng đến các nguồn đầu tư trở lại cho việc cung cấp dịch vụ. Mặt khác, cũng cần nhận thấy rằng, mức thu phí và lệ phí ở đây chỉ nhằm để tăng thêm khả năng quản lý, giám sát và như là một điều kiện để người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm với nhu cầu mà họ được thụ hưởng.

Bổ sung hơn 3.698 bản sách, 10.000 báo, tạp chí; sưu tầm; số hóa hơn 167.000 trang tư liệu Hán Nôm; cấp hơn 1.881 thẻ bạn đọc, phục vụ trên 86.522 lượt đọc tại chỗ và 924.523 lượt đọc truy cập internet là con số mà Thư viện Tổng hợp tỉnh thực hiện được trong năm 2016. Bên cạnh đó là những nỗ lực khác trong không gian mạng như nâng cấp phần mềm tích hợp điện tử Ilib, phục vụ tra cứu trên phần mềm...

Qua trao đổi, điều mà nhiều người quan tâm ở đây là cần có sự đánh giá về chỉ số hiệu quả ở số lượng người đọc, lượt bạn đọc đến với thư viện, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ bao gồm nguồn sách, không gian dịch vụ, ứng xử trong cung cấp dịch vụ...?

Trong bài viết “Câu chuyện buồn của văn hóa đọc sách" đăng trên Thừa Thiên Huế online (4/12/2016), tác giả Thanh Ngọc cũng đưa ra một hiện trạng khi so với dân số TP. Huế khoảng trên 300.000 dân, 40.000 sinh viên, thì tỷ lệ người đọc sách thư viện chiếm 0,3%, và mỗi người chỉ đọc khoảng 1,5 lượt sách/năm. Nếu đem con số này chia cho trên 1 triệu dân của toàn tỉnh, thì tỷ lệ người đọc sách thư viện chỉ chiếm hơn 0,1%, và mỗi người chỉ đọc khoảng 0,5% lượt sách. Tất nhiên đây cũng mới chỉ là một phép chia tổng thể, vì mỗi đối tượng có những nhu cầu khác nhau, thói quen khác nhau, sự chi phối khác nhau nhưng điều đó cũng nói lên một thông điệp không thể vui về văn hóa đọc đối với người dân nói chung trên địa bàn.

Thế nên, phí là điều cần thiết, song điều cơ bản hơn là làm thế nào để thu hút bạn đọc đến với thư viện nhiều hơn bằng cách làm mới chất lượng dịch vụ, không gian dịch vụ và các hình thức khác nữa như tổ chức ngày đọc sách, con đường sách, ngày hội sách bên cạnh các cuộc giao lưu tác giả, tác phẩm; hoặc tổ chức các diễn đàn mở để bạn đọc trẻ được tương tác nhiều hơn với tác giả, tác phẩm...

Một vấn đề căn cơ khác, dù không dễ, nhất là thị trường như ở Huế, nhưng làm thế nào để xã hội hóa được phần nào các dịch vụ này thì không chỉ số lượng mà chất lượng bạn đọc chắc chắc sẽ có nhiều thay đổi.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Kết nối việc làm với hơn 9.000 vị trí cần tuyển dụng

Sáng 19/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức Tháng giao dịch việc làm với chủ đề "Mùa xuân kết nối việc làm" nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển sinh học nghề đạt hiệu quả.

Kết nối việc làm với hơn 9 000 vị trí cần tuyển dụng
Return to top