ClockThứ Năm, 07/02/2019 10:27

“Phiêu” với nề họa

TTH - Tôi thấy may mắn được những bậc thầy trong nghệ thuật nề họa trang trí kiến trúc cung đình Huế chia sẻ thông tin và truyền cảm hứng. Bài viết nhỏ này mang niềm mơ lớn, bày tỏ sự ngưỡng vọng với di sản được cha ông để lại.

Hình tượng bát quả trong mỹ thuật cung đình HuếMặt Hổ phù trong mỹ thuật cung đình thời NguyễnTuyệt phẩm thời Khải Định trên kiến trúc cung đình Huế

Phong cách “rất Việt Nam”

Nghệ thuật nề họa (tranh nề) là hình thức trang trí nội và ngoại thất, sử dụng chất liệu màu, nề, vữa, sành sứ… Nề họa có mặt ở hầu hết các không gian kiến trúc cung điện và lăng tẩm của nhà Nguyễn. Nhờ “bàn tay vàng” của các nghệ nhân, cổng Chương Đức, Thái Bình Lâu, Thế Miếu, tam quan Hiển Lâm Các, Hưng Miếu, Duyệt Thị Đường, Triệu Miếu, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng bà Lệ Thiên Anh, lăng bà Từ Dũ, lăng Khải Định, cung An Định… trở nên cao sang và lộng lẫy.

Hình tượng con người và rồng trên bờ nóc cung điện

Từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, nghệ thuật nề họa đã rất phát triển. Hầu hết các cung điện ở các xứ sở này đều trang trí bằng nề họa. Còn ở Việt Nam, nghệ thuật nề họa có từ thời Hậu Lê và phát triển nhảy vọt cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới triều đại nhà Nguyễn. Theo PGS.TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, kỹ thuật nề họa trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế có thể được người xưa học từ Trung Quốc, nhưng họ đã sáng tạo bằng phong cách “rất Việt Nam”. Qua những công trình, tác phẩm nghệ thuật nề họa, các nghệ nhân đã thể hiện nhuần nhuyễn chiều sâu thẩm mỹ tạo hình lúc bấy giờ và phản ánh đầy đủ sắc thái văn hóa, tâm linh của một thời đại.

Về đề tài, nghệ thuật nề họa ở cung đình Huế tuân thủ nguyên tắc sắp đặt thành các bộ, như: tứ linh, tứ thời, bát bửu, bát tiên… Cách thể hiện tuy chuyển tải tinh thần Nho giáo, nhưng các nghệ nhân đã Việt hóa một cách sáng tạo, đầy ý thức tự chủ. PGS.TS. Phan Thanh Bình cảm nhận: Đó là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực. Mặc dù, ban đầu các nghệ nhân là những người có tay nghề cao ở khắp mọi miền đất nước được quy tụ hoặc trưng tập về kinh đô làm việc cho triều đình, nhưng họ đã không đánh mất các phẩm chất thẩm mỹ, tạo hình dân gian dân tộc khi cách điệu sinh động hoa lá, quả cành, linh thú, con người. Ngôn ngữ tạo hình cũng được biểu cảm qua màu sắc phong phú với cường độ rất cao, tạo vẻ đẹp rực rỡ, chan đầy ánh sáng và đem lại cảm giác vui tươi, trang trọng, quý phái. Nhờ vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật nề họa được họ sáng tạo là một biểu tượng về tính bền bỉ và khát vọng sâu thẳm về cuộc sống tốt đẹp.

Một góc Thái Bình Lâu

Mỗi tác phẩm - một công trình nghệ thuật

Ông Trương Văn Ấn (Giám đốc DNTN Nghề truyền thống Tâm Tín) đồng ý gặp ngay khi tôi hỏi về nê ngõa. Ông là con trai của nghệ nhân Trương Văn Lập, một nghệ nhân nê ngõa tiêu biểu của triều đình nhà Nguyễn, được vua Bảo Đại phong hàm Cửu phẩm vào năm 1936. Ông Ấn tự hào, kể từ ông tổ là người đầu tiên của dòng họ Trương Văn ở Kim Bồng (Quảng Nam) được triều đình gọi ra để kiến thiết Kinh đô đến nay, ông thuộc đời thứ 9. Gia đình ông, có ba người “chỉ làm thợ mà được phong hàm”, gồm: ông cố hàm Thất phẩm, ông nội hàm Bát phẩm và cha ruột hàm Cửu phẩm.

Nối nghề truyền thống của dòng tộc, ông Ấn cũng là một trong những thợ nề họa - khảm sứ giỏi của Huế. Chỉ khác, xưa tổ tiên của ông xây dựng, trang trí ở các công trình kiến trúc cung đình, còn nay ông tham gia nhiều ở vai bảo tồn và phục hồi. Ông xúc động, nhiều khi đứng ngắm những trang trí nề họa ở nội thất lăng Khải Định hay Thái Bình Lâu, chỉ lặng yên mà không nói được gì. Trước những tuyệt tác ấy, ông thấy tay nghề mình còn thiếu nhiều thứ và cứ “bị” thôi thúc tiếp tục nghiên cứu, học hỏi. Với ông, một bức tranh nề đạt là đường nét phải tinh xảo, họa tiết đúng và màu sắc hài hòa. Xưa, cha dạy nhiều cách làm nghề bằng trực quan rất sinh động và dễ nhớ. Tổng thể công trình, “cận thanh viễn thô” (gần phải tỉ mỉ, sắc sảo; xa thì cần thô mạnh). Họa tiết thì “mai như khuyển túc, trúc như kê túc” (hoa mai giống dấu chân chó đi trên cát, lá trúc thì giống dấu chân gà đi trên cát), hay “tùng chỉ thiên, trúc chỉ địa” (lá tùng hướng lên trời, nhưng trúc phải chỉ về đất). Đó cũng là cách đơn giản để hiểu cái đẹp trong nề họa theo chuẩn của người xưa.

 Yêu Huế và chọn Huế làm quê hương thứ hai, bà Andrea Teufeul - một chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa của Đức, là người đã trực tiếp giúp Huế phục hồi, bảo tồn nhiều công trình, kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu liên quan đến vật liệu nề, vữa, màu, như: Khải Tường Lâu (cung An Định); cổng, bình phong ở lăng vua Tự Đức; Tối Linh Từ, Tả Vu và cổng, bình phong, non bộ của điện Phụng Tiên (Đại Nội). Bà cũng là đại diện người nước ngoài duy nhất được giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ năm 2018 của tỉnh Thừa Thiên Huế, với công trình nghiên cứu, phát triển, đào tạo và triển khai phương pháp mới để bảo tồn, phục hồi các công trình di sản có trang trí nề họa.

 Với các nghệ nhân nề họa xưa của Huế, bà Andrea Teufeul bày tỏ sự khâm phục: “Các nghệ nhân có đủ kiến thức, hiểu biết và kỹ thuật để thực sự “phiêu” khi tạo hình. Họ nghiêm túc lặp lại các hình dạng truyền thống, kết hợp cái mới và tạo ra nhiều họa tiết phong phú để mang đến cho chúng ta mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật”. Yêu công việc và yêu Cố đô Huế, chuyên gia Andrea nhẹ nhàng: Tôi mong học viên đã đồng hành cùng tôi trong thời gian qua sẽ áp dụng những kiến thức của mình vào công việc bảo tồn di sản một cách phù hợp. Tôi nghĩ, một nhà bảo tồn, phục hồi di sản chân chính đòi hỏi phải vượt qua được những tình huống khó khăn và thử thách nhất. Nhưng đây thực sự là một nghề rất tuyệt vời và thỏa đáng, đặc biệt là khi chúng ta hiểu rõ đặc tính toàn diện của công trình.

Dưới thời Nguyễn, có một tổ chức nghề nghiệp mang tên “Nê ngõa tượng cục” – tổ chức của những người thợ xây, làm nghề gạch ngói, được triều đình trưng tập về kinh đô phục vụ nhu cầu phát triển của ngành xây dựng lúc bấy giờ. Hiểu theo nghĩa chữ Hán, “nê” chỉ ngành thợ nề; “ngõa” có nghĩa là gạch ngói; “tượng cục” được hiểu là một tổ chức gồm đội ngũ những người thợ lành nghề thuộc ngành nghề nào đó.

Nề họa (tranh nề), theo PGS. TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, là kỹ thuật vẽ tranh, trang trí lên nền nề ướt vừa được tô trát. Chất liệu nề họa trong mỹ thuật cung đình Huế có mối quan hệ không thể tách rời với các chất liệu tạo hình đặc sắc khác, như: khảm sành sứ, pháp lam, đắp nổi nề vữa…

Bài: Đồng Văn
Ảnh: Thanh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang

Từ 20h30 - 24h tối 9/2 (30 tháng Chạp), đông đảo người dân Hương Thủy và du khách thập phương đã tập trung về điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) để thưởng lãm chương trình nghệ thuật chào năm mới - Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp bắn pháo hoa tầm thấp đón Giao thừa do TX. Hương Thủy tổ chức.

Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang
Chuyện từ Sốnglab

“Tôi không cố gắng làm những điều khác biệt, chỉ làm điều bản thân nghĩ là đúng và nên làm, như khi khởi nghiệp với mô hình co-working space (mô hình chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau) tích hợp yếu tố văn hóa, nghệ thuật từ 8 năm trước. Và nay, là không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab tại Huế” - nhà sáng lập Dương Đỗ chia sẻ.

Chuyện từ Sốnglab
Return to top