ClockChủ Nhật, 10/11/2019 10:23

Phong cách riêng với nghệ thuật bút sắt

TTH - Ngoài họa sĩ Tô Trần Bích Thúy, Nguyễn Khắc Tài (giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế) là gương mặt họa sĩ trẻ dám dấn thân, tạo nên phong cách riêng với nghệ thuật bút sắt.

Nghệ thuật bút sắt: độc đáo nhưng khó theo

Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài tạo dấu ấn riêng với nghệ thuật bút sắt

Quê ở Nghệ An, Nguyễn Khắc Tài mơ ước theo đuổi hội họa từ khi còn học phổ thông. Thi vào Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, học đến năm thứ 3, Tài chọn học đồ họa chỉ vì thấy bộ môn này… ít sinh viên theo học. Từ thử sức, Tài dần đam mê các kỹ thuật in ấn của đồ họa, nhất là đồ họa bút sắt. Đây là mảnh đất mới mẻ để anh khai thác, khám phá.

Chỉ với hai sắc độ đen – trắng, tranh bút sắt của Tài vẫn tạo được sức hút riêng. Họa sĩ cho hay: “Nếu màu sắc là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc thù thì đen và trắng lại là những yếu tố cơ bản tạo nên vẻ đẹp của tranh đồ họa. Đen và trắng vừa là màu, vừa là không màu. Vẻ đẹp giản dị của nó là sự cô đọng, nó có tiếng nói độc đáo trong nghệ thuật tạo hình, truyền tải được ý tưởng sâu sắc của nghệ sĩ. Người xem có thể cảm nhận được khoảng cách xa gần, tối sáng, hình khối, cảm xúc chỉ bằng hai màu đen – trắng”.

Tác phẩm "Ngày mùa"

Chủ đề Nguyễn Khắc Tài theo đuổi khá nhiều; trong đó, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nếp sống sinh hoạt của con người vùng Tây Bắc với cảnh xuống chợ, những cô gái đương tuổi xuân thì trong trang phục truyền thống được thể hiện nhiều trong tranh của anh, như: “Hoa của rừng”, “Khát vọng”, “Nhịp chợ vùng cao”, “Xuống chợ”…

Với bức tranh “Ngày mùa”, Nguyễn Khắc Tài thể hiện không khí nhộn nhịp, vui tươi, tưng bừng múa ca của đồng bào Tây Bắc trong những ngày thu hoạch được mùa. Những vựa lúa đầy ắp xếp chồng chất trên lưng ngựa, những bó lúa chất đầy xe, những chàng trai, cô gái đang nhảy múa, chim ca hót mừng… tạo nên bản hòa ca trong ngày mùa bội thu. Bằng hai màu đen trắng của bút sắt, bức tranh được thể hiện bằng tất cả cảm xúc và sự tỉ mỉ trong kỹ thuật, khiến người xem như cảm nhận được âm thanh rộn ràng của núi rừng Tây Bắc.

Tác phẩm “Thời vàng son”

Chủ đề về phong cảnh, đền đài, lăng tẩm của Huế cũng được Tài thể hiện nhiều trong tranh. Trong tác phẩm “Dấu tích”, tác giả dùng không gian tả ước lệ tượng trưng để phản ánh cái đẹp của những thành quách xưa bị chiến tranh tàn phá. Những vòm cổng cổ xưa, những bức tường loang lổ hay mái ngói xô lệch nghiêng nghiêng trong chiều hoang biền biệt như sự tiếc nuối cho một quá khứ vàng son lộng lẫy đã qua. Với chất liệu bút sắt trên giấy dó, những dấu tích vàng son được tác giả thể hiện và xử lý nhuần nhuyễn trong từng cấu trúc của mảng đậm - nhạt xen kẽ thành nhịp điệu cho bố cục.

Với nghệ thuật bút sắt, Nguyễn Khắc Tài luôn tự làm mới tác phẩm theo cách của mình. Không chỉ vẽ bút sắt đen trắng, anh còn tìm tòi vẽ bút sắt kết hợp với màu nước để tạo sự sống động cho bức tranh. Thời kỳ đầu, Tài thích vẽ màu đen trên nền trắng, theo kiểu cách điệu hình, đi mảng miếng, trang trí, bóp hình... Sau này anh chuyển hướng, thiên về vẽ theo lối thực, có điểm màu. Chẳng hạn, trong “Thời vàng son” vẽ về lăng Minh Mạng, ngoài màu đen thể hiện sự cổ kính của quá khứ, màu đỏ của cánh cổng tạo điểm nhấn cho bức tranh, như muốn gợi nhắc về một thời kỳ vàng son của triều Nguyễn.

Nguyễn Khắc Tài cho biết, tranh bút sắt không lấy màu sắc là điểm mạnh, chủ yếu là đen trắng nên người họa sĩ phải chú ý về hình, bố cục, độ đậm nhạt. Để tạo nên những bức tranh đẹp, anh phải nghiên cứu rất tỉ mỉ để thể hiện dáng hình mềm mại, duyên dáng và sự biểu cảm của khuôn mặt. Có lúc tác giả vận dụng không gian theo khuynh hướng tả thực, có lúc sử dụng không gian ước lệ kết hợp với sự nhịp nhàng của hình, mảng, nét để tạo ra sự lan tỏa và chuyển động.

Chỉ bằng những nét bút nhỏ vẫn có thể tạo thành những bức tranh đẹp nên nghệ thuật bút sắt đòi hỏi người họa sĩ phải kiên trì, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Phác thảo như thế nào thì khi vẽ lên tranh phải như thế ấy, vì tranh bút sắt không sửa được. Để thể hiện bức tranh sống động, trong một tác phẩm, Tài thường sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau của nghệ thuật bút sắt, như: độ to nhỏ, tỷ lệ, sự đậm nhạt… của mảng, của nét, tạo nên tính chuyển động trong tác phẩm.

Nguyễn Khắc Tài còn vẽ sơn dầu, acrylic, màu nước. Với những chất liệu này, Tài thường vẽ trực họa về phong cảnh Huế với hình ảnh những dòng sông, con đò, nhà chồ, tĩnh vật… Ngoài thời gian lên lớp, anh dành hầu hết thời gian để vẽ. Dành hết đam mê cho nghệ thuật, tranh của Nguyễn Khắc Tài tạo được dấu ấn riêng, hầu như tác phẩm nào cũng được sưu tập.

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điển hình về học và làm theo Bác

Chi hội Nông dân (HND) tổ dân phố (TDP) Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền là một trong những điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên trong Chi HND TDP Thạch Bình đã từng bước khẳng định mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình về học và làm theo Bác
Phong cách thiết kế Hàn Quốc: Thanh lịch & trẻ trung

Đơn giản nhưng tinh tế và hiện đại, phong cách thiết kế Hàn Quốc là một trong những xu hướng đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nổi lên thông qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, phong cách nội thất này thu hút sự quan tâm của đông đảo đối tượng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ.

Phong cách thiết kế Hàn Quốc Thanh lịch  trẻ trung
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

TIN MỚI

Return to top