ClockThứ Sáu, 27/05/2016 05:51

Phòng chống cháy chợ: Cần giải pháp quyết liệt, rốt ráo

TTH - Vụ cháy chợ Điền Hải (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) xảy ra rạng sáng 21/5 cho thấy nhiều bất cập trong PCCC.

Hỗ trợ bước đầu cho tiểu thương chợ Điền HảiChợ Điền Hải Phát cháy lúc 2h sáng

Thiệt hại trên 6 tỷ đồng

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: “Theo thống kê sơ bộ có 25 gian hàng của 30 hộ dân bị cháy, gây thiệt hại ước tính trên 6 tỷ đồng. Ngày 21/5, Phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền đã có hỗ trợ bước đầu cho các tiểu thương tại chợ Điền Hải. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc”. 

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, một tiểu thương chứng kiến sự việc kể: “Khoảng 2 giờ kém sáng 21/5, ngọn lửa bốc cao, bao trùm cả hơn hai mươi lô hàng trong chợ. Nhiều người hô hoán dùng các biện pháp dập lửa nhưng không hiệu quả. Đến khoảng 3 giờ 30 cùng ngày xe chữa cháy trên tỉnh về thì gần như các gian hàng đã bị thiêu rụi, không còn gì”. Bà Cao Thị Thanh (thôn 2, xã Điền Hải), một tiểu thương bị thiệt hại nặng (gần 1 tỷ đồng), cho biết: “Bà con làm nò sáo ngoài phá Tam Giang nhìn thấy lửa bốc nghi ngút trên đình chợ liền hô hoán mọi người ra chữa cháy. Lúc đó, tui cũng có mặt ở chợ, nhưng chỉ biết nhìn lửa thiêu rụi toàn bộ hàng hóa vì ngọn lửa quá lớn, bình chữa cháy không có tác dụng. .

 

 Lực lượng Cảnh sát PCCC Thừa Thiên Huế nỗ lực dập lửa đến sáng

Quá chủ quan

Theo nhiều tiểu thương tham gia chữa cháy, cứu những gian hàng ở chợ mới Điền Hải, khi các tiểu thương phát hiện vụ cháy vào khoảng 1 giờ 45 phút sáng 21/5, nhiều người hô hoán, sử dụng các bình chữa cháy mini được trang bị ở khu nhà kho của tổ quản lý chợ nhưng số lượng quá ít, chữa cháy không hiệu quả. Trong khi đó, ở mỗi gian hàng các tiểu thương đều được trang bị từ 1 đến 2 bình chữa cháy nhưng không lấy ra được. Đến khi tổ quản lý chợ có mặt sử dụng máy bơm chạy điện 3 pha thì điện đã cúp, còn máy nổ thì sau khi kéo đường ống ra máy lại… không hoạt động(!)

Trong đêm xảy ra vụ cháy, 3 nhân viên của tổ quản lý chợ cũng không có mặt, công tác ứng phó triển khai chậm. Ông Trần Văn Đình, Tổ trưởng tổ quản lý chợ mới Điền Hải cho biết: “Chợ mới Điền Hải được trang bị máy bơm nước chữa cháy bằng dầu và điện nhưng đều không  phát huy được hiệu quả. Máy bơm dầu thì bị hỏng trước đó. Khi xảy ra vụ cháy thì máy không hoạt động. Trước đó, thấy tình hình điện giăng mắc lộn xộn trong chợ, gây nguy cơ chập điện gây cháy rất cao, ngày 19/5, tui đã phản ánh vấn đề này lên lãnh đạo xã nhưng chưa được quan tâm”.

Các tiểu thương chợ Điền Hải thẩn thờ trước kiot hàng của mình

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải thừa nhận: “Chợ mới Điền Hải có 130 gian hàng, do UBND xã quản lý. Cách đây một năm huyện có về triển khai tập huấn công tác cho tổ PCCC tại địa phương. Theo quy định, tối thiểu phải có 50 bình chữa cháy cho khu vực chợ, nhưng số lượng bình chữa cháy tại chợ mới Điền Hải rất ít. Thông thường, ngoài tổ quản lý chợ và đội PCCC của xã, khi xảy ra cháy còn huy động các tiểu thương trong chợ bởi mỗi tiểu thương đều được trang bị từ 1-2 bình chữa cháy từ trong gian hàng.  Lúc phát hiện ra thì lửa đã cháy rất lớn nên công tác chữa cháy ít hiệu quả”.

Vửa thiếu, vừa yếu

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 158 chợ, trong đó có nhiều chợ tự phát mọc lên khắp nơi. Dạo một vòng quanh các chợ, nhất là các chợ vùng nông thôn, chúng tôi nhận thấy, các chợ đều đã xuống cấp, tồn tại nhiều điểm dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Trong đó, tiểu thương các chợ thường tự ý câu, móc điện, dây điện nhỏ, cũ kỹ, sử dụng điện quá tải. Nhiều nơi còn nấu nướng, lập bàn thờ thắp hương. Trong khi đó, nhiều hộ buôn bán đã tự ý cơi nới, mở rộng quầy, sạp, chiếm dụng luôn lối chữa cháy, thoát nạn, dẫn đến khó khăn trong công tác chữa cháy… Nhiều chợ trên địa bàn tỉnh do hợp tác xã nông nghiệp hoặc tổ, ban quản lý tự quản đã không phân công trực gác, bảo vệ. Có nơi còn không có hoặc có nhưng trách nhiệm chưa cao, nhất là chợ nhỏ, chợ xép…

Tại hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh tổ chức do chiều 25/5, đại diện các huyện, thị xã và TP Huế đều cho rằng vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý chợ là rất cần thiết. Điều này không chỉ mang lại hạ tầng chợ được đầu tư khang trang, hiện đại, điều kiện kinh doanh và quyền lợi khác của thương nhân được đảm bảo. Đặc biệt giải quyết được bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

Trước chợ Điền Hải cháy chưa lâu có chợ Nong (Phú Lộc), chợ Tứ Hạ (Hương Trà) cũng đã bị cháy gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Theo ông Trương Đình Thừa, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh, nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy chợ thời gian vừa qua là do chập điện. Trong khi đó, ban quản lý chợ vừa thiếu vừa yếu, trách nhiệm không cao, đặc biệt trong phân công trực, gác và điều hành. Lực lượng và phương tiện chữa cháy tại chỗ không có hoặc có nhưng không phát huy tác dụng. Nguồn nước để chữa cháy không có mà chỉ dùng nước sinh hoạt. Hệ thống lưới điện không tách bạch giữa điện sinh hoạt với điện chữa cháy, điện bảo vệ…Để giảm thiểu nguy cơ cháy ở các chợ, hiện nay, Sở Cảnh sát PCCC đã kiến nghị với ngành điện có giải pháp nâng cấp hệ thống điện ở các chợ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chập điện gây cháy.

Cần giải pháp quyết liệt

“Thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC sẽ tham mưu, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp quan tâm hơn về công tác PCCC nói chung, nhất là ở các chợ nói riêng; đồng thời tăng cường quản lý các ban quản lý các chợ. Nơi nào chưa có thì hình thành. Nơi nào có rồi thì nâng cao trách nhiệm, phân công, phân nhiệm rõ ràng và phải có người trực, gác, đảm bảo có sự cố là phải xử lý ngay. Lực lượng chữa cháy tại chỗ phải duy trì, tập luyện và được huấn luyện bài bản, từ phương tiện chữa cháy tại chỗ đến bình xách tay, ống nước chữa cháy, bơm chữa cháy, nguồn nước là phải thường trực và đảm bảo khi có sự cố xảy ra. Quan tâm đến đường đi lối lại cho xe chữa cháy kịp thời đến. Lối thoát nạn, chữa cháy trong chợ phải đảm bảo, không lấn chiếm như hiện nay. Quy hoạch ngành hàng, mặt hàng, sắp xếp những mặt hàng không cháy và cháy sao cho hài hòa. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, tiểu thương nhất là vấn đề đốt hương, cúng bái và câu móc điện”. Ông Thừa nhấn mạnh.

Về giải pháp chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định: cần làm theo lộ trình và phải quyết liệt. Hướng tới, tháo gỡ những bất cập, hạn chế mà các chợ hiện nay đang bộc lộ, nhất là về nguy cơ cháy, nổ.

Hải - Khánh - Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm

Ngày 6/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Lúc 20h40 đêm 5/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) nhận tin báo của chính quyền địa phương về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô.

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm
Cao tốc Cam Lộ- La Sơn: Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa thiên Huế). Đây cũng là đề xuất của đơn vị trên sau khi đưa vào hoạt động thời gian ngắn, cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe
Return to top