ClockThứ Tư, 22/05/2019 14:42

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Người dân chủ động, chính quyền sát cánh

TTH.VN - “Cả hệ thống chính trị, người dân phải vào cuộc đồng bộ mới đẩy lùi được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)” là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành phố triển khai các giải pháp tích cực hạn chế DTLCP lây lan trong sáng 22/5. Trực tiếp chỉ đạo còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo sở ngành liên quan.

Khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ khống chế dịch tả lợn châu PhiDịch tả lợn châu Phi: Không đợi đến khi có dịch mới phòng, chốngKhông chủ quan với dịch tả lợn châu Phi

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương tăng cường dập dịch

Cấp bách

DTLCP đang có những diễn biến phức tạp. Đến 20/5, trên toàn quốc, dịch đã xảy ra tại 2.771 xã, 244 huyện của 36 tỉnh, thành phố với tổng lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,6 triệu con với trọng lượng 93.230 tấn.

Tại Thừa Thiên Huế, tính đến 21/5 dịch đã xảy ra tại 18 hộ 14 thôn, 8 xã thuộc huyện Phong Điền, TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 181 con, trọng lượng 13.351kg.

Trong sáng 22/5, ghi nhận thêm 6 xã có dịch gồm Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Thượng (Phú Vang); Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Phú (Quảng Điền). Riêng Phong Chương, Phong Thu (Phong Điền); Thủy Tân (Hương Thủy) đang lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp: tiêu hủy số lợn mắc bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; vệ sinh, tiêu hủy khử trùng, hướng dẫn và giám sát 30 ngày kể từ ngày phát sinh dịch. Đối với vùng dịch và vùng bị uy hiếp (phạm vi 3km xung quanh ổ dịch tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Vùng đệm (phạm vi 10km xung quanh ổ dịch) vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 tuần/lần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có dịch.

 Tiêu độc khử trùng khu vực có nguy cơ cao ở Hương Thủy

Lập chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc phương tiện đi vào vùng dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch; giám sát chặt chẽ nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ chăn nuôi trong khu vực. Cấp hóa chất và vôi bột để xử lý ổ dịch và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, xử lý hố chôn. Thống kê tổng đàn và tổ chức cam kết thực hiện 5 không đối với các hộ chăn nuôi.

Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công tác triển khai chống dịch trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Các huyện đã nhập và thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nên khó khăn trong việc kiểm tra giám sát xử lý bệnh. Bệnh DTLCP chưa có vắc xin nên việc bao vây, khoanh vùng, khống chế dịch gặp không ít khó khăn. Trong khi, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn (70%) việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chú trọng và triệt để. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, giá lợn hơi thấp nên người chăn nuôi không áp dụng các biện pháp thú y để chăm sóc, điều trị lợn ốm; đã xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Vào cuộc

Tại buổi làm việc, các địa phương cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giải pháp nhằm khống chế dịch.

 Tiêu độc khu vực chăn nuôi

Chính phủ đã có quy định sẽ hỗ trợ cho lợn bị tiêu hủy bằng 80% giá thị trường; riêng lợn nái sẽ hỗ trợ gấp 1,5 lần giá thị trường. Tỉnh cũng đã có quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 38 ngàn đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, hiện giá lợn hơi đang ở mức giá 29-30 ngàn đồng/kg nên phải điều chỉnh phù hợp với giá hiện thời. Tránh trường hợp người dân có tâm lý chờ dịch, tiêu hủy để nhận hỗ trợ; không thực hiện các biện pháp chăm sóc an toàn sinh học phòng chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh và các địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bệnh và các biện pháp chăn nuôi sinh học phòng chống dịch; DTLCP không lây sang người để người dân yên tâm sử dụng thịt lợn, góp phần bình ổn giá lợn. Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp thú y, an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi càng tốt thì hiệu quả phòng dịch càng cao. Chính quyền địa phương sử dụng kinh phí dự phòng, hỗ trợ ngay cho người chăn nuôi để người chăn nuôi chủ động khai báo dịch bệnh, không bán tháo, bán chạy thịt lợn bệnh.

Theo kinh nghiệm chống dịch của Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Trịnh Đức Hùng (đơn vị công bố dịch qua 30 ngày), việc tuyên truyền các vấn đề liên quan DTLCP như in tờ rơi màu về triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh… có kèm số điện thoại của lực lượng thú y, lãnh đạo xã, huyện để người dân liên hệ rất cần thiết. Đồng thời, tổ chức họp toàn dân từ xóm, thôn, xã để tuyên truyền, phổ biến về DTLCP, chính sách hỗ trợ để người dân chủ động phối hợp. Thực hiện nghiêm tiêu độc khử trùng phun hóa chất những nơi xảy ra và dự kiến phát tán dịch. Các điểm xảy ra dịch thành lập các điểm chốt chặn bao gồm lực lượng công an, chính quyền, thôn… trực 24/24 và có chính sách hỗ trợ để tăng cường trách nhiệm.

 Tiêu độc các lối đi ở Hương Trà

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Lê Trường Lưu khẳng định, dịch lây lan nhanh, chưa xác định được cơ chế lây lan chủ đạo nên công tác chỉ đạo phải quyết liệt hơn. Trước mắt, tuyên truyền tiêu độc khử trùng, nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch; không tẩy chay thịt lợn an toàn;… Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ trên địa bàn, không để lợn bệnh vào lò mổ. Xây dựng cơ chế hỗ trợ linh động, tùy thời điểm, giá thị trường mà có phương án cụ thể và có thể điều chỉnh theo tuần, thời gian có hiệu lực tính từ thời điểm ký quyết định.

Các địa phương triển khai công tác phòng dịch đến tận các thôn, xóm và người đứng đầu thôn, xã, huyện sẽ là người chịu trách nhiệm trước bí thư, chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng dấu dịch, lơ là công tác phòng dịch… để dịch bùng phát.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Return to top