ClockThứ Hai, 11/03/2019 20:59

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Tiêu độc, khử trùng là giải pháp trọng tâm

TTH.VN - Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 13 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị tiêu hủy là 11.367 con. Chiều 11/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra công phòng chống dịch tả lợn châu phi tại các huyện phía Bắc gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà.

Kỷ luật 6 cá nhân liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Tả TrạchXử lý nghiêm các đối tượng giật dây chuyền của học sinh Trường tiểu học Lăng CôHàng ngàn người cùng chạy bộ vì tương lai

Kí cam kết “5 không”

Theo UBND huyện Phong Điền, tổng số lợn nuôi trên địa bàn huyện là 31.026 con trong đó có 4 trang trại lợn với 11.600 con và 80 gia trại với 4.926 con (nái 293 con; thịt 4.693 con); nuôi nhỏ lẻ trong dân 14.500 con (nái 4.500 con, thịt 10.000 con).

UBND huyện đã chỉ đạo tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, chú trọng vắc xin tam liên (dịch tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn), lở mồm long móng cho đàn lợn. Tuyên truyền bằng hình thức truyền thanh và tờ rơi về đặc điểm, cách nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 Tiêu độc khử trùng lợn tại lò giết mổ Bãi Dâu (TP. Huế) 

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ, mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện ở địa phương nhưng do địa bàn nằm trên trục đường giao thông chính Bắc Nam, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị nên nguy cơ phát sinh bệnh dịch rất cao. Với nhận thức phòng là chính, địa phương đã triển khai tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi và các điểm nguy cơ cao tại 16 xã.

Thực hiện ký cam kết với các hộ chăn nuôi về môi trường trong chăn nôi, thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Ông Hùng cũng cam kết sẽ trích ngân sách in màu các tờ rơi tuyên truyền để tăng tính trực quan. Trên các tờ rơi, ngoài thông tin dịch bệnh sẽ bổ sung thêm số điện thoại của các cơ quan thú y, chính quyền từ huyện đến tỉnh để tiếp nhận các thông tin dịch bệnh. Đến cuối ngày 12/3 sẽ hoàn thành cấp phát tờ rơi và ký cam kết với các hộ chăn nuôi.

Hai huyện Quảng Điền, Hương Trà cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo dịch bệnh không xâm nhập, tiêu độc khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao như trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, các quầy bán sản phẩm động vật, bãi tập kết động vật phương tiện vận chuyển. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vận động chủ hộ chăn nuôi tự mua hóa chất tiêu độc khử trùng, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Kết hợp tuyên truyền dịch bệnh tại các cuộc họp, hội nghị để nâng cao nhận thức người dân trong phòng tránh và không tẩy chay thịt lợn.

Các địa phương này cũng chia sẻ nhiều mối nguy dịch bệnh xâm nhiễm như: tình trạng trốn trạm kiểm dịch, vứt xác lợn chết qua xã Hương Phong (Hương Trà); đường tránh Huế.

Phòng là chính

Tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển

Làm việc với 3 địa phương trên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y chia sẻ, kết quả nghiên cứu dịch tễ cho thấy có 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi ây lan. Trong đó, 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh phun tiêu độc khử trùng; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng. Con người và phương tiện là hai yếu tố quan trọng làm lây lan bệnh trên diện rộng. "Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra chốt chặn tại các chốt kiểm dịch, tuy nhiên người chăn nuôi cũng cần thực hiện nguyên tắc “5 không” góp phần ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi", ông Hưng nói.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phân bổ 7 tấn hóa chất về các huyện và tiếp tục yêu cầu tỉnh cấp phát thêm hóa chất để thực hiện đồng bộ các giải pháp dự phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng dịch và triển khai diễn tập công tác phòng bệnh, sớm cấp phát tờ rơi và ký cam kết phòng bệnh về tận hộ dân. Đồng thời nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của lực lượng cảnh sát môi trường, công an giao thông, ngành nông nghiệp, xây dựng các điểm chốt chặn dọc các tuyến đường quốc lộ, linh động trong công tác phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, kiểm tra kiểm soát công tác phòng dịch.

Hiện đã có tình trạng tránh trạm kiểm dịch, cho xe vận chuyển trên tuyến từ An Lỗ qua các xã Ngũ Điền, cầu Tam Giang lên Huế, vì thế cần tăng cường giám sát, chốt chặn những vị trí này.

Theo ông Hồ Vang, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính”. Trước mắt, tiêu độc khử trùng là giải pháp quan trọng nhất cần thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn hóa chất được cấp phát, các địa phương cần trích nguồn kinh phí mua vôi rải dọc các điểm tiếp giáp với các tỉnh lân cận; các điểm giáp ranh ngã ba, ngã tư các tuyến đường. Quá trình kiểm tra, hạn chế đi trực tiếp vào chuồng trại, phải thực hiện tiêu độc khử trùng toàn thân nếu buộc phải đi vào trang trại để hạn chế đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến

Ngày 27/3, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác tuần tra phòng, chống tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển ven bờ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm giã cào, sai tuyến
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Trang bị kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho sinh viên

Sáng 17/3, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh tổ chức chương trình trải nghiệm, thực hành kỹ năng phòng chống, cứu hộ, cứu nạn về phòng cháy chữa cháy năm 2024.

Trang bị kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho sinh viên
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc

TIN MỚI

Return to top