ClockThứ Năm, 30/08/2018 13:45

Phong Xuân: Khai thác mỏ đá ảnh hưởng đời sống người dân

TTH - Hoạt động từ tháng 3/2013, việc khai thác mỏ đá vôi thuộc xã Phong Xuân (Phong Điền) ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân- Quảng Lộc.

Ảnh hưởng do mỏ đá Thượng Long: Đền bù chưa triệt đểKiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đáChung quanh việc khai thác tại mỏ đá Khe Diều-Lộc Thủy: Các bên đã tìm được tiếng nói chungXi măng Đồng Lâm: Phát triển sản xuất với chia sẻ lợi ích cộng đồngCông ty CP Xi măng Đồng Lâm: Bê tông hóa những tuyến đường

Xe chở đất, gây bụi trên đường

"Những tiếng nổ từ mỏ đá rung chuyển, đá bay tứ tung; nhà cửa nứt nẻ; xe chở đất gây bụi mù mịt nhiều tuyến đường...", người dân phản ánh. 

Lo đến mất ăn mất ngủ

Ông Trần Văn Lô ở thôn Xuân Lộc, bức xúc: “Do đá được khai thác âm dưới đất nên khi mìn nổ gây chấn động lớn, nhà cửa của bà con trong thôn đều bị rạn nứt nhiều chỗ khiến ai cũng lo sợ. Lo đến mất ăn mất ngủ”.

Theo quan sát, đa phần nhà ở các hộ dân gần khu vực mỏ đá bị  nứt tường, mái ngói sạt. Ông Trần Văn Lùa (53 tuổi) ở thôn Xuân Lộc, than thở: “Cứ tầm 11h trưa là họ nổ mìn khiến nhà rung chuyển, những vật dụng trong nhà rung lắc, chao đảo, bụi bay mù mịt và mùi khói khét lẹt...”.

Ông Trần Văn Quốc, thôn Xuân Điền Lộc, cho biết: “Khi có tiếng nổ, mặt đất, cây cối rung chuyển dữ dội như bị động đất. Bụi đá, bụi đất lẫn lộn bao phủ khắp vùng”.

Ông Trần Văn Lô, thôn Xuân Lộc chỉ những vết nứt nhà do khai thác mỏ đá vôi gây ra

Ngoài gây nứt nẻ nhà, ô nhiễm, hoạt động khai thác đá còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân do đất đá văng khắp mặt ruộng gây khó khăn cho việc canh tác, hoa màu chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Xuân Điền Lộc bày tỏ: “Tôi có 3 sào ruộng ở đồng Mõm Lang (gần mỏ đá) phải bỏ hoang vì khai thác đá làm ruộng nứt nẻ". Ông Đoàn Vĩnh Trúc, ở cùng thôn có 2 sào ruộng gần khu vực mỏ đá cũng bỏ hoang. Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng ở cánh đồng Mõm Lang của thôn Xuân Điền Lộc có gần 1ha ruộng của gần 10 hộ dân phải bỏ hoang vì vấn đề này. 

Theo người dân, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chạy ra vào khu mỏ để chở đất đá gây bụi. Ông Trần Văn Khánh (thôn Xuân Điền Lộc) bức xúc: “Nhà lúc nào cũng đóng cửa nhưng bụi vẫn bay vào. Nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm trầm trọng”.

Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Công ty CP Xi măng Đồng Lâm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 1708/GP-BTNMT ngày 31/8/2009 khai thác mỏ đá vôi tại xã Phong Xuân với diện tích 90ha trong thời hạn 30 năm, với trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm. Hiện nay, công ty đang triển khai giai đoạn 1 với 57ha.

Thống kê của UBND xã Phong Xuân, đã có 127 nhà dân thuộc 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân-Quảng Lộc bị nứt nẻ. 57 hộ dân thôn Xuân Điền Lộc có đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, với diện tích 11,8ha. 59 hộ dân thuộc thôn Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc có đất sản xuất nông nghiệp bị mất nước với diện tích 5,4ha. Đây là những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đá vôi tại mỏ trong khoảng cách 500m (chưa kể phạm vi ngoài 500m).

Hiện nay, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm đã phối hợp với UBND xã Phong Xuân khảo sát đền bù, hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân; trong đó, công ty đã trích kinh phí đợt 1 trên 900 triệu đồng và đợt 2 trên 200 triệu đồng; song, có nhiều hộ chưa đồng ý với mức hỗ trợ.

Ông Nguyễn Bá Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, sắp tới, xã sẽ phối hợp với công ty tiếp tục đối thoại với các hộ dân nhằm tìm tiếng nói chung; đồng thời, báo cáo UBND huyện để có phương án tháo gỡ.

Về lâu dài, xã đã có văn bản kiến nghị UBND huyện di dời 24 hộ dân gần tuyến đường băng tải Nhà máy xi măng Đồng Lâm và 127 hộ dân, nhà thờ dòng họ, nhà văn hóa thôn nằm trong khoảng cách 500m so với mỏ đá vôi bị ảnh hưởng. Vấn đề bụi, yêu cầu đơn vị vận tải cho tưới nước hàng ngày trên các tuyến đường xe đi qua, nhằm giảm thiểu bụi. Về đất sản xuất bị ảnh hưởng, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm thống kê thiệt hại nhằm bồi thường thỏa đáng.

Những động thái của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm và chính quyền địa phương về việc khắc phục sự cố trong quá trình vận hành mỏ đá gây ra là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, bởi với quy mô khai thác và vận chuyển rầm rộ như đang diễn ra thì nhà có khắc phục, sửa chữa xong vẫn cứ nứt; khói bụi vẫn tung mù mịt và ruộng đồng vẫn nứt nẻ, kiệt nguồn nước... nếu không có giải pháp hữu hiệu trong nổ mìn, vận chuyển và di dời dân khỏi khu vực ảnh hưởng.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top