ClockThứ Tư, 20/09/2017 10:19

Phụ lòng cha

TTH - Tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “cố tình làm hư hỏng tài sản”. Vợ chồng bị cáo lủi thủi ra về. Vợ chồng bị hại cũng lặng lẽ rời phòng xử án. Không cùng ở một nhà, nhưng họ sẽ vào chung một cổng. Bởi bị cáo và bị hại là anh em ruột, cùng ở chung trong khuôn viên thửa đất của cha mẹ...

Trên thửa đất ấy (người mẹ đã mất) có 3 ngôi nhà. Nhà của cha. Nhà của vợ chồng con cái người anh và nhà của gia đình em trai. Họ cùng vào, ra chung một cổng. Ngày nọ, anh cầm dao xông qua chặt cửa nhà em, gây hư hỏng tài sản trị giá gần 5 triệu đồng. Em trai có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với anh.

Lý giải vì sao lại gây ra vụ án, người anh phân bua, tại bị hại xông qua nhà bị cáo đánh bị cáo trầy xước mặt mày, thủng màng nhĩ, đến nay vẫn còn di chứng. Do bị em đánh, không kiềm chế được cơn bức xúc, tức giận nên mới cầm dao chạy sang “trả đũa”. Nhưng bị cáo cứ nghĩ rằng, đó là chuyện anh em trong nhà, không ngờ em lại “đưa” anh ruột mình ra vành móng ngựa. Hội đồng xét xử hỏi, tại sao bị em đánh như vậy mà bị cáo không đi khám, giữ lại chứng từ, bệnh án, yêu cầu giám định thương tích để pháp luật xử lý theo quy định? Bị cáo cho rằng, cứ nghĩ anh em ruột thịt, qua cơn tức giận rồi thì thôi, nên chỉ đến khám, điều trị thương tích ở bác sĩ tư, cũng không hề có ý nghĩ sẽ đi giám định.

Cha mẹ sinh được 4 người con. Hai con gái đi lấy chồng ở nhà chồng. Em trai lấy vợ, được cha cho làm nhà trong khuôn viên đất đã 10 năm. Anh trai lập gia đình muộn; cưới nhau xong ra ngoài thuê nhà ở. Người cha gọi về, bảo dựng nhà trong thửa đất, mong muốn gia đình con trai lớn cũng sớm an cư để nuôi 3 đứa con còn nhỏ, cũng mong anh em trai sum vầy bên cha, hôm sớm có nhau.

Nhà ai nấy ở, nhưng cha và gia đình 2 đứa con trai đi chung một cổng. Gia đình người em thường về muộn, cổng ngõ phải để vậy chờ nên thường xảy ra bị trộm vặt. Anh lại cằn nhằn em. Hai bên vì thế mà va chạm. Đôi khi người anh trong vài bữa nhậu, nghe người khác nói không hay về em dâu mình, nhiều lần về nhà có lời ăn tiếng nói xúc phạm chị này. Hôm đó cũng vậy, nên em trai bực tức quá mới gây gổ với anh khiến bị cáo xách dao trả đũa. May mà vợ chồng người em kịp chạy trốn vào nhà, đóng chặt cửa lại, nên cánh cửa mới “hứng dao” thay. Nếu người bị chém trúng thì chắc chắn hậu quả, hệ lụy cho cả bị cáo và bị hại sẽ khôn lường.

Khi tòa hỏi bị hại có xin giảm nhẹ cho bị cáo, vợ chồng người anh nhìn qua em với vẻ chờ đợi, căng thẳng. Thế nhưng bị hại im lặng, không trả lời tòa. Vợ bị hại phân bua, chồng mình bị chứng lãng tai nên có thể không nghe câu hỏi. Tòa hỏi ý kiến vợ bị hại, chị này ngập ngừng một lúc rồi trình bày, xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho anh chồng. Không khí phòng xét xử vì thế phần nào dịu lại.

Không đến phiên tòa, có lẽ bởi người cha không muốn chứng kiến những tình tiết buồn lòng thêm nữa. Cũng may, cô con dâu của ông đã thay chồng nói được lời tha thứ, là cơ hội để anh em trở lại hàn gắn, yêu thương. Bởi dù sao họ vẫn là ruột thịt, là người trong một gia đình, điều không bao giờ thay đổi được.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khu vườn xanh tươi

Ngoài diện tích đã được dùng để xây dựng nhà, khoảnh đất nhỏ hiếm hoi, trồng ngò gai và hẹ.

Khu vườn xanh tươi
Điều không thể chấp nhận

Sự yên tĩnh của xóm nhỏ bị phá vỡ bởi tiếng quát tháo, vứt ném đồ đạc từ ngôi nhà giữa xóm.

Điều không thể chấp nhận
May mà…

Trưa nắng, đang vội vã chạy xe máy từ thị trấn Phú Đa (Phú Vang) đến xã Phú Xuân nằm trên địa bàn huyện này để kịp cái hẹn làm việc...

May mà…
Cô gái “giàu có”

Cô gái kể, hồi còn trẻ cha mẹ chồng vừa đi làm thuê làm mướn, vừa đổ mồ hôi trên mảnh vườn mới đủ nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Cô gái “giàu có”
Giá như

Ở quê, cô và ba, mẹ tôi có mối quan hệ tình cảm khăng khít, có chuyện vui thì chia sẻ, có khúc mắc trong lòng thường tâm sự, giải bày.

Giá như
Return to top