ClockThứ Năm, 18/02/2016 17:46

“Phú” lồng chim

TTH - Bằng việc làm lồng chim, chàng trai thuộc thế hệ 9X Lê Hồng Phú tự “bươn chải” qua bốn năm trên giảng đường đại học. Ra trường, Phú vẫn gắn bó với nghề làm lồng chim và có thu nhập khá cao.

Lồng chim sinh viên

Đối với mỗi sinh viên, công việc làm thêm chỉ đơn giản là những việc tạm thời, không mang tính lâu dài như bán cà phê, phục vụ bàn… với mức thu nhập vừa phải, còn làm lồng chim như Lê Hồng Phú (thôn 2, Quảng Công, Quảng Điền) là trường hợp khá hiếm, vì nghề này thường được nhiều người chọn là nghiệp “mưu sinh” cả cuộc đời.

Lê Hồng Phú hướng dẫn các em trong thôn cách ráp lồng chim

Lê Hồng Phú chia sẻ: “Em làm lồng chim được 7 năm, khi còn học ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Lúc đó, có một người bạn học nghề làm lồng chim rủ em cùng đi vì bạn ấy bảo làm lồng chim chủ động thời gian, khi nào học trên trường xong thì đến làm việc. Mới đầu em khá phân vân, khi đến nơi, thấy nhiều lồng chim rất đẹp, cầu kỳ, sẵn có đam mê chơi chim từ nhỏ nên em quyết định cùng bạn học nghề”.

Khi bắt đầu làm mọi thứ đều khó khăn đối với một sinh viên như Phú, thiếu vốn mua máy móc và nguyên liệu, chỗ làm không ổn định, phải làm khuya để kịp giao hàng cho khách, gây ồn ào đến mọi người xung quanh nên phải chuyển nhà liên tục. Tay nghề chưa cao, sản phẩm mắc nhiều lỗi, khoan lỗ bỏ nan không ngay ngắn, khoảng cách nan không đều nhau, ráp lồng không khít, các lỗ mộng dễ bị xì, lồi ra ngoài làm cho lồng dễ bị méo.

Phú cho hay, hai công đoạn khó nhất để có một cái lồng đẹp là làm hoa văn và lên khung lồng, nếu bị vênh, không chuẩn toàn bộ sẽ bị lỗi. Đối với hoa văn, Phú tìm đến các cơ sở bán lồng chim lớn ở Huế rồi học hỏi những mẫu hoa văn đẹp, sau đó tự vẽ lại sao cho đúng với khổ của mỗi chiếc lồng. Tiếp đến là công đoạn cưa hoa văn, do mới bắt đầu làm, máy cưa của Phú được “chế” lại từ máy bơm nước, chỉ có một tốc độ cưa, vì vậy, để làm xong một hoa văn phải tốn nhiều thời gian và gãy nhiều lưỡi cưa. Trong khi đó, các thanh gỗ làm khung phải được cưa, mài nhẵn cẩn thận cho thật cân xứng, khi lên khung sẽ không bị vênh.

“Khi em đi học làm lồng chim thì bố mẹ không hề biết vì bảo rằng em chỉ chuyên tâm vào học tập và ôn thi lại ĐH, còn chuyện tiền nong thì ba mẹ sẽ lo, sau này học thành tài phụ giúp lại ba mẹ vẫn chưa muộn. Ở quê để làm ra tiền là không dễ, nhiều lúc về nhà, trước khi lên lại TP Huế thấy mẹ lại “chạy” đi mượn tiền của hàng xóm đưa cho em, thấy vậy em quyết tâm đi làm thêm để phụ tiền học với ba mẹ. Cũng nhờ làm lồng chim này, em đã tự trang trải cuộc sống sinh viên 1 năm ở trường và sau đó là 4 năm học Sư phạm Tiểu học ở Đại học Sư phạm mà không còn xin tiền ba mẹ nữa”, Lê Hồng Phú tâm sự.

Được khách hàng lựa chọn

Làm lồng chim đẹp là một chuyện, nhưng tiêu thụ sản phẩm làm ra mới là chuyện khó, đặc biệt khi ở Huế là nơi chuyên làm lồng chim. “Ban đầu em làm rồi bỏ mối lại cho một số đại lý, trừ nguyên vật liệu thì tiền lời chẳng được là bao. Trong một lần trò chuyện với một đại lý thì biết được ngoài khách quen thì họ còn bán trên các trang mạng xã hội. Nghĩ họ bán được thì mình cũng bán được nên em mày mò lập facebook và tìm đến một số nhóm, hội chơi chim trên các diễn đàn. Em đăng hình ảnh các lồng chim tự tay mình làm và được rất nhiều người khen và đặt mua. Cứ thế, người này giới thiệu lại người khác, hiện nay, khách mua lồng chim của em ở cả ba miền, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, ngay cả Hà Giang cũng có”, Lê Hồng Phú chia sẻ.

“Lê Hồng Phú là thanh niên trẻ, được nhiều người yêu mến. Hơn thế, chàng thanh niên này còn tạo ra được công ăn việc làm cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Thời gian đến chúng tôi sẽ khuyến khích và lấy Phú là tấm gương để các bạn trẻ trong thôn, xã cùng học tập”, ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho hay.

Anh Hoàng Vinh Quang (thường trú TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trong một lần mọi người trong hội mang chim đến giao lưu, mình thấy lồng chim của một người bạn sắc sảo, hỏi ra thì mới biết Phú và đặt mua từ đó đến giờ. Sau đó, nhiều bạn bè thấy mình dùng lồng của Phú nên cũng nhờ mình mua giúp khá nhiều. Hiện nay, lồng chim của Phú khá uy tín với một số anh em chơi chim trong hội, vừa bền, đẹp mà rẻ hơn rất nhiều so với lồng mua trong này”.

Có mặt tại cơ sở làm lồng chim của “ông chủ trẻ” còn có ba nhân viên là các em học sinh trung học sống trong thôn cùng làm việc. Em Nguyễn Đắc, học sinh Trường THCS Phan Thế Phương, cho biết: “Nhà cháu có ba anh chị em, bố bị bệnh, bà thì đã già, do ở quê không có việc làm nên mẹ cháu đã vào Nam. Cháu lớn nhất trong nhà nên một buổi đi học, còn một buổi qua làm để phụ thêm cho bà. Ban đầu cháu không biết gì cả, nhờ anh Phú bày vẽ nên giờ cháu đã thông thạo và có thể tự mình làm ra một cái lồng hoàn chỉnh”. Hiện nay, cơ sở làm lồng chim của Phú có 5 em học sinh làm việc, chủ yếu là ở công đoạn ráp lồng. Các em được trả công theo sản phẩm, ráp một cái lồng sẽ được 100 ngàn đồng, trung bình mỗi em 3 ngày sẽ ráp được 2 cái lồng.

 Phú tâm sự: “Hiện nay, đầu ra sản phẩm của em khá ổn định, ngày nào cũng có người đặt hàng và thu nhập cũng khá so với mặt bằng chung ở nông thôn. Nhưng thú thật, em vẫn muốn được đi dạy, nghề mà em ước mơ từ khi còn nhỏ. Được đứng trên bục giảng và “gõ đầu trẻ”, để dạy các em học sinh những kiến thức mà em đã được học suốt 4 năm đại học”.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top