ClockChủ Nhật, 13/11/2016 13:51

Phù vân

TTH - Ông Quýnh ngước mắt nhìn quanh, căn nhà vốn hàng ngày trống vắng, nay như càng trống vắng lạnh lẽo hơn. Đã mấy hôm rồi ông trở bệnh. Người râm ran ê ẩm, thỉnh thoảng lại nổi ho từng cơn, ho như xé phổi, ho thiếu đường thắt ruột thắt gan, nhưng không thể dừng lại được. Cứ sau mỗi cơn ho như thế, người ông như lả ra. Phải lâu thật lâu, cố gắng lắm ông mới có thể với được tay đến cốc nước ở đầu giường uống mấy hớp cầm hơi. Bỗng thèm một bát cháo hành kinh khủng, nhưng chẳng có ai nấu giúp, còn ông thì... Ông nhắm mắt, mệt nhọc cố tìm giấc ngủ. Nhưng đầu óc cứ mông lung đưa ông về với những ngày xưa cũ...

***

Nhà có 3 anh em, ông Quýnh là con út. Trên ông là một người anh và một bà chị. Là con út, nên ông rất mực được bố mẹ cưng chiều. Cả anh và chị cũng vậy. Có cái gì cũng dành cho út. Việc gì khó cũng không cho út làm. Ông Quýnh ăn rồi chỉ có việc học và chơi. Vậy mà không hiểu sao ông học hoài vẫn không thấy vô. Thương con, nhà nhờ thầy về dạy kèm. Nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, Quýnh lại thỏ thẻ với bố mẹ thầy khó tính, dạy không hiểu. Vậy là đổi thầy. Nhưng, cái điệp khúc cũ vẫn lặp lại. Riết rồi sinh nổi tiếng. Người ta mách miệng cho nhau và không ai còn dám đến nhận kèm cho Quýnh nữa.

Sau cùng thì Quýnh cũng bò lên được lớp 9. Nhưng cũng chỉ chừng ấy thôi, rồi đứng hẳn. Nói kiểu gì cũng không nghe, bổ túc: lắc đầu. Giáo dục thường xuyên: không chịu. May sao còn có cửa xuất khẩu lao động. Bố mẹ dồn vốn cho Quýnh đi Hàn. Hình như số Quýnh phải đi xa vậy nó mới phát. Thư từ, thăm nom người quen qua về, nghe nói Quýnh chăm chút chịu khó làm ăn, cũng có tí vốn. Hy vọng sau này về nước sống được. Gia đình nghe cũng mừng. Bố mẹ Quýnh nhớ con, tính năm tính tháng chờ Quýnh về.

Trời không có mắt, bố Quýnh không chờ được đứa con mà ông thương yêu cưng chiều nhất. Ông qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Quýnh về, vật vã khóc thương bên quan tài bố. Mẹ và anh, chị cũng ôm lấy Quýnh mà khóc ròng. Tang lễ bố xong, Quýnh phải trở lại Hàn Quốc cho xong hợp đồng. Rồi cũng đến ngày Quýnh hồi hương. Nhưng không phải một mình mà còn có một cô gái tóc hoe hoe vàng theo về. Linh - tên cô gái - theo lời giới thiệu của Quýnh là hai người cùng làm việc một chỗ, quen rồi thương nhau. Lần này về, hai người nhất định cưới. Quá đột ngột, lại vốn không mấy ưng những người tóc xanh, tóc đỏ, mẹ Quýnh có vẻ không bằng lòng. Nhưng chiều con, bà bấm bụng nuốt nỗi buồn vào trong.

Lâu lắm rồi cái xóm Quýnh ở mới lại có cái đám cưới to như thế. Sẵn tiền kiếm được từ xứ Hàn, với lại chiều Linh bởi cô muốn nở mặt nở mày với thiên hạ, Quýnh quyết chi bạo. Trước cưới là chụp ảnh, quay phim ngoại cảnh rình rang. Khách phương mời gần như không sót một người. Thức ăn ê hề, bia bọt như nước. Không cần bận tâm xem thái độ của mẹ và anh, chị như thế nào, vợ chồng Quýnh mặt mày phởn phơ, mãn nguyện. Cưới xong, vợ chồng Quýnh ở chung nhà với mẹ. Trong nhà còn có vợ chồng anh cả và con bé Thảo. Người chị thì theo chồng ở riêng cách đó mấy xóm. Chị vợ anh cả tỏ ra hào hứng vì nghĩ từ đây sẽ có thêm cô em dâu đỡ đần việc nhà một tay.

Ngày đầu tiên, cả nhà dọn cơm ăn chung. Rộn ràng, thân mật. Nhưng ăn xong, Linh than nhức đầu. Bà chị dâu nghĩ em mới cưới xong, lại chưa quen khí hậu sao đó nên mệt. Nhưng rồi, hết lần này sang lần khác, lần nào cũng thấy cô em dâu tìm cớ để lẹt về phòng nằm, bà chị dâu hơi nặng mặt. Đợi lúc chỉ còn 3 mẹ con, bà mẹ bảo Quýnh: “Này, con phải nói với con Linh phụ chị mà dọn dẹp, ai đời mới về làm dâu mà thả hết cho chị như thế. Mẹ để ý nhiều lần rồi, chính mẹ còn khó chịu, huống gì chị. Chẳng lẽ dâu con hai đứa mà mẹ phải xắn tay?”. Tưởng Quýnh sẽ vâng dạ tiếp thu, không dè anh đáp cộc lốc: “Tính vợ con nó vậy. Mà có mấy cái chén bát, gì mà lắm chuyện!”. Ông anh nãy giờ ngồi im, nghe vậy không nhịn được: “Tính vậy là đối với riêng chú kia, đây là thím nó đi làm dâu kia mà...”. “Việc vợ chồng tôi, anh xía vô làm gì!” -  Quýnh dằn cốc nước đang uống xuống bàn cái cộp. Người anh chưng hửng, không ngờ thằng em mới hôm nào còn được mình thương yêu chăm bẵm lại có thể hỗn xược như vậy. Run bắn người vì giận, người anh đứng dậy bỏ về phòng. Không khí trong nhà từ đó nặng dần.

Một tháng sau thì nhà nào ăn nhà ấy. Bà mẹ vì không muốn ăn nhà này mất lòng nhà kia nên chọn phương án ăn riêng. Nói kiểu gì bà cũng chỉ một mực “Ăn với chúng mày mẹ không hợp khẩu vị, thôi, việc mẹ để mẹ tự lo. Bao giờ không nhấc nổi tay chân mẹ sẽ phiền chúng mày...”.

Chuyện ăn riêng không làm tình hình cải thiện. Sau khi bàn với vợ, người anh thưa với mẹ xin tách hộ lập vườn, bây giờ chú Quýnh đã vợ con trưởng thành, để mỗi vợ chồng chú ấy ở với mẹ, biết đâu con dâu lại có trách nhiệm hơn. Bà mẹ hiểu ý con, không cản. Vợ chồng Quýnh khi ấy đang ở trong phòng, lắng tai nghe, nháy nhó nhau cười đắc ý. Đâu chừng ba tháng sau thì người mẹ nhập viện. Không ăn uống, mãi chỉ thấy thở dài. Rồi mất.

***

Năm mươi ngày mẹ, đủ mặt ba chị em, Quýnh đặt vấn đề chia nhà. Ông anh và bà chị nghe thế, sốc! Một mực không chịu. Nhưng thuyết phục kiểu gì Quýnh cũng không nghe. Sau nhiều tháng giằng co. Cuối cùng tất cả kéo nhau ra tòa. Ngôi nhà được định giá. Anh chị Quýnh gom góp vay mượn đủ số để đưa cho Quýnh, cố giữ lại ngôi nhà của bố mẹ để làm nơi thờ phụng. Vợ chồng Quýnh thì chẳng mảy may bận lòng, xem như thắng trận. Sẵn tiền chia nhà, cộng với vốn liếng xuất khẩu lao động, hai vợ chồng tậu luôn ngôi nhà mặt tiền mở quán nhậu. Cũng từ đó, ông anh và bà chị xem như trên đời không có đứa em út. Còn Quýnh thì cũng chẳng hơi đâu mà bận lòng. Nồi ai nấy giữ.

Vợ Quýnh sinh con. Một thằng cu nặng hai ki lô bảy. Không giống Quýnh mà cũng chẳng thấy giống Linh. Con nít, mặt nó đổi từng ngày, Quýnh chẳng bận tâm. Chuyện làm ăn của vợ chồng có vẻ xuôi thuận. Khách ăn nhậu ngày càng đông. Quýnh mua thêm mặt bằng bên cạnh để mở rộng quán. Lo quản lý, hét hò nhân viên, nhìn lại thì thằng con đã lớn phổng. Chẳng mấy chốc thằng bé đã vào cấp 3. Nhưng hình như học hành không được tốt lắm, cứ bị cô giáo mời phụ huynh hoài. Mỗi lần như thế, Quýnh lại đừa cho vợ. Còn Quýnh lấy cớ ở nhà lo quán xá.

***

... Quá mười hai giờ khuya, đuổi mãi nhóm khách cuối cùng mới chịu ra về. Quýnh trở vào, mệt phờ, cũng chẳng buồn tắm rửa. Gieo mình xuống chiếc sô pha, Quýnh ngủ quên bao giờ không biết. Bỗng có tiếng hò hét rượt đuổi. Quýnh giật mình thức giấc. Từ ngoài đường, thằng con chạy ào vào, rút cây dao phay chặt thịt lao ra. Ngoài kia, một nhóm thanh niên cũng đằng đằng sát khí lao tới. Đánh nhau to. Quýnh nhảy ra, chưa kịp can thì thằng con đã bị xả một nhát vào gáy, máu tuôn xối xả! Quýnh bủn rủn tay chân, quỵ xuống. Được đưa đi cấp cứu, nhưng thằng con không qua khỏi, sáng hôm sau thì đưa xác về. Thì ra cứ mải làm ăn, thằng con không người để ý đã sinh ra đàn đúm hút hít, rồi kết băng kết đảng ân oán giang hồ.

Đám con xong, vợ chồng Quýnh như kẻ mất hồn. Quýnh suốt ngày nằm dài trên ghế hút thuốc vặt. Bà vợ thì trải chiếc chiếu dưới chân bàn thờ con, hết thắp hương lại khóc, hết khóc lại thắp hương. Quán xá bỏ bê, khách đến thấy không bán, bỏ đi hết. Một ngày, không nghe tiếng vợ thút thít như thường lệ, Quýnh nhìn sang, thấy vợ nằm im, hai con mắt trợn ngược như người chết. Quýnh sảng hồn kêu cứu. Hàng xóm chạy sang, gọi xe chở đi cấp cứu. Sau đó là cả chuỗi ngày vô tận Quýnh phải ăn chực nằm chờ bệnh viện để nuôi vợ. Một mình, không người hỏi han, chia sẻ.

Rồi vợ Quýnh cũng tỉnh và dần dần bình phục, nhưng khổ nỗi là không còn nhớ gì cả, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nói nói cười cười như người điên. Mà đúng là điên thật. Người ta đồn đoán là do quá trình giải phẫu cái khối u trong não, do quá khó nên tổn thương dây thần kinh. Không điên mới lạ. Ngày xuất viện, có người khuyên Quýnh nên gửi vợ vào trại tâm thần. Quýnh không nghe, đưa vợ về nhà. Nhưng cứ hễ lơ đễnh một tí là vợ Quýnh lại mất tích, phải chạy tìm khắp phố, có khi cả ngày mới tìm được để mang về. Đâu độ dăm tháng thì Quýnh chịu hết nổi, đành lên trại tâm thần cầu cứu.

… Mới có mấy năm mà Quýnh già xọp đi trông thấy. Ngôi nhà cũ đã phải bán đi lấy tiền chạy chữa thuốc thang cho vợ. Số tiền bán nhà, Quýnh trích ra một ít, tìm mua một mảnh đất tít trong hẻm sâu, dựng ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ làm chỗ chui vào chui ra. Không vợ, không con, không vốn liếng, không còn cả hứng thú làm ăn, Quýnh cứ lủi thủi đi - về theo lộ trình tam giác: Lên mộ viếng con - vào trại thăm vợ - về nhà. Cuộc đời với Quýnh bây giờ sao mà vô vị. Nhiều khi thấy quá trống trải cô đơn, Quýnh đạp xe về ngôi nhà xưa của bố mẹ định vào thắp cây hương. Nhưng không hiểu sao, cứ đến trước cổng là đôi chân như mọc rễ, cứ đứng yên một chỗ, rồi lại quay đi...

***

Có tiếng mở cửa, ông Quýnh hé mắt nhìn ra, nặng nhọc: “Ai đó?” - “Cháu, bé Thảo, chào chú.” - “Cháu... chú chào cháu”. Bỗng nhiên ông Quýnh thấy tim đập mạnh. Con bé Thảo, con ông anh cả của ông đây mà. Lâu lắm rồi, ông cứ ngỡ là gia đình sẽ quay lưng hết với ông, mà quay lưng cũng phải thôi, ông nào dám trách móc. Sao bây giờ...

Con bé Thảo soạn mấy ngăn cà mèn và cái bát từ trong giỏ ra mang đến bên ông: “Chú dậy ăn cháo đi. Không biết ai báo mà bố cháu biết chú ốm, bảo cháu nấu cháo mang sang. Chú ăn cho nóng. Còn nữa đây này, cháu để ở bếp, bao giờ muốn ăn chú hâm lên nhé”. “Ừ, cảm ơn cháu”. Ông Quýnh ngồi dậy, run run đỡ bát cháo từ tay con bé. Ông ăn, mặt cúi gằm, không dám nhìn cháu. Bé Thảo tranh thủ lấy chổi quét cái nhà và rửa mấy cái soong chảo có lẽ đã được ngâm lâu lắm rồi trong bếp. Bỗng như sực nhớ, nó nói với lên: “Chú ơi, ngày kia là giỗ bà đấy. Bố cháu bảo, chú về mà thắp hương cho bà...”. Đang ăn, ông Quýnh sững người suýt làm rơi cả bát cháo. “Ừ, chú về, chú... về...” - Ông lào thào hấp tấp, hai dòng nước mắt chợt ứa ra, lăn dài mặn chát...

HOA LANG TỬ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top