ClockThứ Bảy, 24/06/2017 12:31

Phú Vang siết chặt quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

TTH - Với mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu sản phẩm thịt sạch cho người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn dịch bệnh… huyện Phú Vang đã và đang sắp xếp, siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc ở Phú Vang

Giữa tháng 6/2017, chúng tôi đến cơ sở giết mổ gia súc của ông Nguyễn Đăng Định, thôn Thạch Căn, xã Phú Dương đúng lúc cán bộ thú y của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Vang đang tiến hành tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ. Cơ sở này được xây dựng hệ thống hầm xử lý nước xả thải 3 ngăn, có nắp đậy kín và có hồ xử lý sinh học. 

Ông Nguyễn Đăng Định, chủ cơ sở giết mổ gia súc cho biết: “Từ khi cơ sở trở thành điểm giết mổ gia súc của tỉnh, vấn đề vệ sinh môi trường càng được quan  tâm. Trước đây, cơ sở chủ yếu giết mổ lợn, nay chúng tôi còn giết mổ thêm bò. Cơ sở cam kết luôn đảm bảo vệ sinh môi trường và thường xuyên có đội ngũ cán bộ thú y của huyện hỗ trợ".

Theo ông Đặng Thìn, Phó Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Vang, trên địa bàn huyện Phú Vang hiện có 7 cơ sở giết mổ gia súc và 1 chợ gia cầm ở Phú Dương. Trong đó, điểm giết mổ ở thị trấn Thuận An và xã Phú Dương có quy mô lớn nhất. Từ khi có chủ trương dừng hai điểm giết mổ gia súc ở phường Xuân Phú và Hương Sơ (TP. Huế), điểm giết mổ Phú Dương không chỉ phục vụ việc giết mổ gia súc trên địa bàn huyện mà còn cả thành phố. Trung bình một ngày cơ sở này giết mổ từ 15 – 16 con bò và khoảng 50 con lợn. Các cơ sở giết mổ còn lại chỉ mổ từ 12 -15 con lợn/ngày.

Trước đây, hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Phú Vang xây dựng chưa thực hiện theo các tiêu chuẩn của ngành thú y, phần lớn đã xuống cấp. Thực hiện Quyết định 32, ngày 21/5/2016 của UBND tỉnh và Hướng dẫn 1550, ngày 16/11/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 -2020, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Vang phối hợp triển khai việc di dời một số cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn.

“Cơ sở giết mổ gia súc ở Vinh Thanh và thị trấn Phú Đa do nằm trong khu dân cư, nên buộc phải di dời về địa điểm khác phù hợp hơn. Cụ thể, cơ sở giết mổ gia súc Phú Đa từ tổ dân phố Nam Châu di dời về Lương Viện, nơi xa dân cư. Cơ sở giết mổ gia súc ở Vinh Thanh di dời về xóm Rú”, ông Phạm Duy Thái Tân, Đội trưởng Đội kiểm dịch Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện Phú Vang cho biết thêm.

Cùng với việc di dời, việc nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn cũng được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng hệ thống xả thải và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài 2 cơ sở giết mổ gia súc ở Phú Dương và Thuận An đảm bảo môi trường, 5 cơ sở giết mổ gia súc khác tại địa phương được nâng cấp, đảm bảo theo quy định.

Ông Lý Thiên Sơn, chủ cơ sở giết mổ gia súc thị trấn Thuận An chia sẻ: “Để đảm bảo quy định, chúng tôi đã cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống xả thải, lắp thêm điện, nước… phục vụ cho việt giết mổ lợn. Cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường nhờ có hầm phân, hầm lắng xử lý nước thải trong quá trình giết mổ”.

Thời gian tới, Phú Vang tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ổn định lâu dài để việc quản lý chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và ngăn chặn dịch bệnh. Theo kế hoạch, trên địa bàn huyện sẽ có thêm 2 điểm giết mổ tập trung được xây mới ở Vinh Thanh và thị trấn Phú Đa, với diện tích đất 1.500m2 tách biệt khỏi khu dân cư.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Nhiều nguy cơ dịch cúm gia cầm

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch cúm A(H5N1) có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tình trạng người dân đang còn chủ quan trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm và săn bắt chim hoang dã còn khá phổ biến.

Nhiều nguy cơ dịch cúm gia cầm
Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Không chủ quan với rét đậm, rét hại

Dự báo đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài “xuyên tết”, mấy ngày nay lực lượng cán bộ chăn nuôi-thú y đến tận cơ sở, hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cho dịp Tết Cổ truyền.

Không chủ quan với rét đậm, rét hại

TIN MỚI

Return to top